“Khoảng trống” giáo dục truyền thống ở gia đình hạt nhân

Nhật An
18/12/2023 - 14:16
“Khoảng trống” giáo dục truyền thống ở gia đình hạt nhân

Ảnh minh họa

Sự biến đổi cấu trúc gia đình dẫn đến sự biến đổi chức năng chăm sóc người già và thách thức đối với việc phát huy giáo dục truyền thống trong gia đình.

Trong hơn 2 thập kỷ qua, quy mô gia đình có xu hướng ngày càng nhỏ lại do các nguyên nhân: giảm mức sinh, thay đổi mô hình chung sống giữa các thế hệ và những nguyên nhân khác như ly hôn, ly thân, độc thân... 

TS. Nguyễn Thị Quỳnh Hoa (Viện Nghiên cứu Thanh niên) chỉ ra rằng, trong những năm đầu thế kỷ 21, mô hình gia đình hạt nhân (con cái lập gia đình sống tách biệt với cha mẹ già) xuất hiện khá nhiều nhưng những năm gần đây, bắt đầu xuất hiện hai chiều hướng đáng quan tâm:

Một là, một bộ phận các gia đình trẻ Việt Nam lựa chọn xu hướng sống trong gia đình hạt nhân và sống gần cha mẹ già. Mô hình này có lợi thế là phù hợp với điều kiện sống và lối sống của người Việt Nam trong bối cảnh hiện nay. 

Với xu hướng coi trọng tự do cá nhân, thanh niên, đặc biệt là thanh niên ở các thành phố lớn, lập gia đình thường thích ra ở riêng để tránh nảy sinh những phức tạp, mất tự do... trong mối quan hệ liên thế hệ, đồng thời có điều kiện độc lập về kinh tế, tự tổ chức và chịu trách nhiệm về cuộc sống gia đình của mình. 

Trong khi đó, thế hệ các cha mẹ già thay vì sống chung cùng nhà với các con cũng ngày càng ưa thích sống độc lập và duy trì mối quan hệ gần gũi với con cái. Về cơ bản, các thế hệ con cái ở Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục duy trì cách sống gần cha mẹ già để có thể thường xuyên thăm hỏi, chăm nom cha mẹ cũng như ở chiều ngược lại là nhận được sự hỗ trợ, đỡ đần từ cha mẹ đối với con cháu. Đây có thể coi là lựa chọn tối ưu và mang bản sắc Việt Nam.

Hai là, một bộ phận các gia đình lựa chọn xu hướng sống trong gia đình hạt nhân và gửi cha mẹ già vào Viện Dưỡng lão khi có điều kiện về kinh tế. Nhìn chung, mô hình gia đình hạt nhân sẽ vẫn tiếp tục là mô hình chủ đạo và ngày càng phổ biến, nhất là khi dịch vụ xã hội chăm sóc người cao tuổi được cải thiện tốt hơn. 

Tuy nhiên, điều này khiến cho việc phát huy giáo dục truyền thống trong gia đình hiện nay cũng bị hạn chế. Thực tế chỉ ra rằng, những mô hình gia đình nhiều thế hệ, xét về mặt giáo dục, có tác dụng rất tốt đối với lớp con cháu, đặc biệt là trong thời điểm nước ta đang có sự chuyển giao giữa các định hướng giá trị cũ và mới như hiện nay.

Là thế hệ sinh ra và trưởng thành trong nền giáo dục truyền thống có ảnh hưởng của Nho giáo, Phật giáo nên thế hệ người già Việt Nam thường đề cao quan niệm tu thân, tích thiện.

 Trong cuộc sống hàng ngày, ông bà thường xuyên gần gũi con cháu, dạy dỗ con cháu nhân luân đạo lý ở đời về hiếu thảo, trách nhiệm, thiện, ác…, truyền đạt cho con cháu những triết lý nhân sinh về đạo đức làm người. Như vậy, ông bà chính là tấm gương sáng để con cháu noi theo.

Xét ở khía cạnh khác, trong nền kinh tế thị trường có sự cạnh tranh mạnh mẽ, có những gia đình mà người cha và người mẹ do quá mải mê bươn chải kiếm sống, không có đủ thời gian và điều kiện chăm lo cho con cái, hoặc các bậc cha mẹ chỉ chăm làm giàu mà không có trách nhiệm chăm lo giáo dục con; phó mặc việc giáo dục con cái cho nhà trường, cho người giúp việc. 

Trong khi đó, ở các gia đình nhiều thế hệ thì vai trò của người lớn tuổi lúc này lại được phát huy. Ông bà nội ngoại đã chia sẻ, đỡ đần các con trong việc trông nom, nuôi dưỡng các cháu từ thuở ấu thơ. Ông bà quan tâm giáo dục các cháu về sự kính trọng, sự biết ơn, cách ứng xử... cho đến lúc trưởng thành.

Như vậy, mỗi thế hệ và mỗi cấu trúc gia đình đều có những ưu điểm, nhược điểm. Gia đình hạt nhân (hai thế hệ) đang dần thay thế cấu trúc gia đình truyền thống (nhiều thế hệ). Gia đình ba thế hệ cùng sống chung hiện nay chỉ chiếm phần nhỏ trong cấu trúc gia đình nhưng lại có những ưu điểm và nét đẹp truyền thống mang tính bền vững. 

Vì thế, sự biến đổi quy mô gia đình theo hướng gia đình hạt nhân tăng lên, một mặt dẫn đến chức năng chăm sóc người già bị thay đổi, mặt khác cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát huy truyền thống giáo dục trong gia đình.

(Lược trích tham luận của Tiến sĩ Nguyễn Thị Quỳnh Hoa tại Hội thảo khoa học quốc gia "Biến đổi gia đình và giới trong những thập niên đầu thế kỉ 21")

* Tít bài do tòa soạn đặt

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm