Ông Nam cho rằng, hiện nay chúng ta đang nói rất nhiều đến doanh nghiệp. Mỗi người dựa vào khả năng, năng lực để khởi nghiệp theo cách riêng của mình. Tuy nhiên, nếu việc khởi nghiệp chỉ tập trung ở việc mở ra quán cà phê, bán bún riêu hay mở ra các shop quần áo thì sự tác động đến nền kinh tế không nhiều.
Để có sự khởi nghiệp tốt thì cần có sự chia sẻ chân thành của các doanh nghiệp lớn, dẫn đầu. Một doanh nghiệp mà có thể chia sẻ họ đang có nhu cầu gì thì các bạn trẻ có thể suy nghĩ để tạo ra sản phẩm đó. Những nhà đầu tư vốn biết được nơi đầu tư và các cơ quan, hiệp hội để chia sẻ.
Dự án khởi nghiệp liên quan đến Dệt choàng Long Khánh của cô gái Huỳnh Ngọc Như được nhiều người quan tâm. |
Theo ông Trương Quang Hoài Nam, vào ngày 26/10 sắp tới, TP.Cần Thơ là nơi diễn ra diễn đàn Mekong Connect – CEO Forum 2016. Đây được xem là cơ hội để chính quyền TP.HCM và các tỉnh/thành biết rõ được những khó khăn, thách thức mà các doanh nghiệp đang phải đối mặt và tìm ra giải pháp. Bên cạnh đó, với chủ đề xuyên suốt là khởi nghiệp, diễn đàn cũng sẽ là nơi gắn kết, chắp cánh cho các dự án khởi nghiệp.
Diễn đàn Mekong Connect – CEO Forum 2016 có chủ đề “Tìm Cơ trong Nguy - Đối mặt Biến đổi khí hậu, Vấn nạn môi trường và Thách thức hội nhập”. Đây là nơi gặp gỡ, trao đổi và chia sẻ thông tin, cơ hội kinh doanh, do mạng lưới liên kết 4 tỉnh thành ABCD Mekong (An Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Tháp) cùng Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao và CLB Doanh nghiệp dẫn đầu, Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp đồng tổ chức.
Diễn đàn lần này có sự tham gia thảo luận của các lãnh đạo Trung Ương và địa phương, nhà làm chính sách, chuyên gia quốc tế và gần 600 doanh nhân đến từ TP.HCM, Hà Nội và đồng bằng sông Cửu Long. Bên cạnh đó, còn có sự góp mặt của 100 nông dân là những người sản xuất theo quy trình sạch, 50 nhà khởi nghiệp trên toàn quốc.