Khởi nghiệp không nên "đi lủi thủi" một mình

Phạm Thương
05/12/2024 - 19:17
Khởi nghiệp không nên "đi lủi thủi" một mình

Tọa đàm “Chia sẻ kinh nghiệm kết nối, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp tại các tỉnh, thành phía Nam”, điểm cầu ở TPHCM

Đó là lời khuyên dành cho phụ nữ khởi nghiệp mà ông Mai Thanh Nghị, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ Doanh nghiệp và Khởi nghiệp tỉnh Đồng Tháp, đưa ra tại Tọa đàm “Chia sẻ kinh nghiệm kết nối, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp tại các tỉnh, thành phía Nam”.

Ngày 5/12, tại TPHCM, Ban Công tác phía Nam, Hội LHPN Việt Nam, tổ chức Tọa đàm "Chia sẻ kinh nghiệm kết nối, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp tại các tỉnh, thành phía Nam". Chương trình được tổ chức trực tiếp tại điểm cầu chính ở TPHCM và trực tuyến tại 20 điểm cầu ở các tỉnh, thành phía Nam. Đây là chương trình nhằm thực hiện Đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025" (Đề án 939).

Nhiều khởi sắc trong hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp

Đề án 939 đã tạo ra một phong trào khởi nghiệp mạnh mẽ của phụ nữ trên cả nước, không chỉ góp phần gia tăng số lượng phụ nữ tham gia khởi nghiệp, gia tăng số lượng doanh nghiệp, hợp tác xã do nữ làm chủ/quản lý mà còn tạo ra nhiều cơ hội việc làm, tăng thu nhập, phát triển kinh tế, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc.

Nổi bật là Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp được tổ chức hàng năm, qua đó các cấp Hội đã kịp thời phát hiện, ươm tạo, bồi dưỡng và hỗ trợ hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp. Nhiều chị em khởi nghiệp đã tìm được "bệ phóng" để bước ra khỏi vùng an toàn.

Chị Trương Thị Bạch Thủy, Giám đốc Hợp tác xã Mây tre đan Thủy Tuyết (Phú Tân, Châu Thành, Sóc Trăng), là một trong những tấm gương phụ nữ khởi nghiệp tiêu biểu, khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên bản địa để góp phần nâng cao thu nhập cho bản thân và nhiều chị em khác. Chị Thủy khởi nghiệp với nghề đan đát với hàng trăm mặt hàng các loại: từ sản phẩm sinh hoạt, tiêu dùng, trang trí, du lịch đến tặng phẩm… HTX của chị Thủy đang tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động nữ người Khmer tại địa phương.

Khởi nghiệp không nên đi “lủi thủi” một mình - Ảnh 1.
Khởi nghiệp không nên đi “lủi thủi” một mình - Ảnh 2.

Các điểm cầu tại Bến Tre và Sóc Trăng.

Ý tưởng khởi nghiệp "Hợp tác xã mây tre đan Thủy Tuyết" của Trương Thị Bạch Thủy đã đạt giải Đặc biệt tại Cuộc thi "Phụ nữ khởi nghiệp Phát huy tài nguyên bản địa năm 2023" khu vực miền Nam được tổ chức ở Bến Tre và sau đó vinh dự đạt giải Nhất cuộc thi chung kết tại Hà Nội.

Ở cấp độ rộng hơn, trong 6 năm triển khai Đề án 939, các cấp Hội LHPN khu vực phía Nam đã tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp, thúc đẩy tỷ lệ phụ nữ tham gia khởi nghiệp tăng hơn so với những năm trước.

Khởi nghiệp không nên đi “lủi thủi” một mình - Ảnh 3.

Tọa đàm “Chia sẻ kinh nghiệm kết nối, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp tại các tỉnh, thành phía Nam”

Phát biểu tại buổi tọa đàm, bà Nguyễn Thị Thùy Linh, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Hậu Giang, cho biết: Giai đoạn 2017-2023, toàn tỉnh đã hỗ trợ 841 phụ nữ khởi nghiệp thành công thông qua các mô hình sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, thành lập mới 24 hợp tác xã, 78 tổ hợp tác, 103 tổ liên kết sản xuất, 82 điểm liên kết bán hàng, giới thiệu sản phẩm khởi nghiệp của phụ nữ hoạt động hiệu quả, có 101 sản phẩm khởi nghiệp của phụ nữ đạt OCOP. 40 chủ thể có sản phẩm kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử, thành lập Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, câu lạc bộ Nữ doanh nghiệp cấp tỉnh và các câu lạc bộ/tổ phụ nữ khởi nghiệp cấp huyện.

"Nhờ đề án khởi nghiệp bước đầu giúp chị em phụ nữ phá vỡ những rào cản về mặt tâm lý cũng như trở ngại từ bên ngoài để phát huy nội lực, tiềm năng của bản thân, hun đúc tinh thần, ý chí vươn lên khởi nghiệp. Vai trò, vị thế của tổ chức Hội được nâng lên, thuận lợi hơn trong vận động, hỗ trợ xây dựng người phụ nữ Hậu Giang phát triển toàn diện", bà Nguyễn Thị Thùy Linh khẳng định.

Khởi nghiệp không nên đi “lủi thủi” một mình - Ảnh 4.

PGS.TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện nghiên cứu Đời sống xã hội, phát biểu tại tọa đàm

PGS.TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện nghiên cứu Đời sống xã hội, cũng chỉ nhận định rằng: Kết quả nghiên cứu cho thấy có những thành tựu đáng kể trong việc thúc đẩy phụ nữ tham gia khởi nghiệp tại các tỉnh phía Nam Việt Nam sau khi triển khai Đề án 939. Điểm nổi bật nhất là tỷ lệ phụ nữ tham gia khởi nghiệp đã tăng 15% so với giai đoạn trước khi triển khai Đề án, con số này phản ánh một sự thay đổi tích cực về nhận thức và hành động của phụ nữ trong việc bắt đầu khởi nghiệp.

Kinh nghiệm trong hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp

Ông Mai Thanh Nghị, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ Doanh nghiệp và Khởi nghiệp tỉnh Đồng Tháp, chia sẻ: "Tỉnh Đồng Tháp đã tạo ra một môi trường thuận lợi để thúc đẩy phong trào khởi nghiệp. Việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp toàn diện là một ưu tiên hàng đầu và cũng là kinh nghiệm để thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp phát triển. Bởi vì, các bạn khởi nghiệp không nên "đi lủi thủi" một mình, câu chuyện khởi nghiệp cần nhiều yếu tố hỗ trợ. Một mình khởi nghiệp sẽ rất khó thành công. Hệ sinh thái khởi nghiệp không chỉ bao gồm các yếu tố về chính sách, tài chính mà còn cả văn hóa, nhân lực và thị trường. Vì vậy, sự kết nối và hỗ trợ từ cộng đồng, đặc biệt là từ Hội LHPN với hệ thống tổ chức rộng khắp, sẽ là nguồn lực quý giá giúp các chị em phụ nữ khởi nghiệp tự tin hơn".

Còn với Hội LHPN tỉnh Đồng Nai, thời gian vừa qua, các cấp trên địa bàn đã thực hiện gắn kết chặt chẽ giữa triển khai thực hiện Đề án 939 với Chương trình OCOP "Mỗi xã một sản phẩm". Đây là một trong những cách vừa giúp chị em phụ nữ khởi nghiệp nâng cao chất lượng, uy tín sản phẩm vừa góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Khởi nghiệp không nên đi “lủi thủi” một mình - Ảnh 5.

Các đại biểu tham gia phát biểu tại tọa đàm.

Theo bà Lê Thị Thái, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Đồng Nai: Sau 6 năm thực hiện Đề án 939 và 5 năm thực hiện chương trình OCOP, tỉnh Đồng Nai đã có 220 sản phẩm OCOP, trong đó 172 sản phẩm đạt 3 sao, 48 sản phẩm đạt 4 sao. Có 38/120 chủ thể là nữ (31,6%) với 86/220 sản phẩm được công nhận đạt OCOP (39%).

"Việc phát triển sản phẩm OCOP không chỉ là giải pháp để tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình, mà còn là cơ hội, điều kiện để người phụ nữ có thời gian chăm lo và thực hiện trách nhiệm đối với gia đình và cộng đồng, từ đó đóng góp vào mục tiêu phát triển chung", bà Hạnh chia sẻ.

Phát biểu tại toạ đàm, bà Trần Thị Huyền Thanh, Trưởng Ban Công tác phía Nam, cho biết: Tọa đàm đã nhận về nhiều lượt ý kiến đóng góp cũng như chia sẻ kinh nghiệm và hướng giải pháp từ các đại biểu, để tiếp tục hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp trong giai đoạn tiếp theo. Hoạt động góp phần nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, thúc đẩy bình đẳng giới.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm