Khởi nghiệp từ ý tưởng bảo tồn sản vật địa phương

An Khê
04/12/2019 - 14:31
Khởi nghiệp từ ý tưởng bảo tồn sản vật địa phương
Khởi nghiệp từ việc khôi phục giống lúa Nếp Tài gắn với việc thay đổi tập quán canh tác của đồng bào dân tộc Dao Quế Lâm tại xã Yến Dương (Bắc Kạn), chị Ma Thị Ninh (dân tộc Tày) không chỉ bảo vệ được các sản phẩm nông đặc sản của quê hương khỏi bị mai một mà còn mở ra con đường làm kinh tế cho nhiều người dân nơi đây.

Chị Ninh tâm sự, trước khi bắt tay vào khởi nghiệp, chị đã có hơn 10 năm tham gia công tác xã hội. Tốt nghiệp trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên, như bao bạn trẻ khác, mặc dù rất tâm huyết với công tác xã hội, với quê hương, nhưng để có một công việc nhà nước ổn định đối với chị và nhiều người ở vùng quê là rất khó khăn. Chị quyết tâm khởi nghiệp theo hướng khác đó là cùng bà con tại địa phương khôi phục, phát triển, vận dụng tối đa những tri thức dân gian  bản địa quý hiếm, mở rộng khai thác các sản phẩm truyền thống vừa đa dạng, nâng cao thu nhập cho người dân vừa gìn giữ nét văn hóa.

Khởi nghiệp từ ý tưởng bảo tồn sản vật địa phương      - Ảnh 1.

Chị Ma Thị Ninh không chỉ bảo vệ được các sản phẩm nông đặc sản của quê hương khỏi bị mai một mà còn mở ra con đường làm kinh tế cho nhiều người dân nơi đây

Nhận thấy Yến Dương là một xã nông nghiệp với nhiều mặt hàng nông sản có thế mạnh, giao thông đi lại thuận lợi, vừa là cung đường du lịch Hồ Ba Bể, thuận lợi cho thông thương và hiện nay hơn 90% hộ dân trong xã là sản xuất Nông nghiệp. Điều kiện tự nhiện phù hợp cho việc kinh doanh, sản xuất đa ngành nghề, đặc biệt tài nguyên đất và tài nguyên nước, rừng phù hợp cho phát triển sản xuất nông nghiệp và dịch vụ nông nghiệp như: sản xuất lúa gạo, trồng bí thơm, chế biến dong tráng tay cổ truyền, đan lát thủ công mỹ nghệ truyền thống, dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào dân tộc Tày, Dao, Nùng phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong huyện, các tỉnh lân cận và thế giới.

Khởi nghiệp từ ý tưởng bảo tồn sản vật địa phương      - Ảnh 2.

Chị thành lập tổ nhóm hợp tác gồm 03 thành viên, đến tháng 6/2018 chị thành lập lên HTX Yến Dương với 30 thành viên chính thức, chủ yếu là phụ nữ dân tộc thiểu số, trong đó hộ nghèo chiếm 33%, hộ cận nghèo chiếm 43%

Chị Ninh cho rằng, việc thành lập Hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác, nhóm liên kết là một hướng đi rất đúng đắn góp phần củng cố, phát triển và thúc đẩy giá trị các mặt hàng nông lâm sản, cải thiện đời sống nhân dân cũng như góp phần xóa đói  giảm nghèo cho địa phương. Chính vì vậy, năm 2015 chị thành lập tổ nhóm hợp tác gồm 03 thành viên, đến tháng 6/2018 chị thành lập lên HTX Yến Dương với 30 thành viên chính thức, chủ yếu là phụ nữ dân tộc thiểu số, trong đó hộ nghèo chiếm 33%, hộ cận nghèo chiếm 43%. HTX hoạt động dựa trên cơ sở thực hiện nguyên tắc tự nguyện, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, quản lý dân chủ và hoạt động theo quy định pháp luật.

Khôi phục đặc sản quê hương

Chị Ninh chi sẻ, Bắc Kạn quê Hương chị không chỉ có Hồ Ba Bể mà khi đến đây, du khách còn được thưởng thức các loại đặc sản ẩm thực mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc. Những đặc sản ấy còn ẩn chứa những nét văn hóa đặc trưng, phong tục tập quán, là tính cách, hương vị, là thành quả của cả một quá trình lao động sản xuất, sáng tạo được người dân bảo tồn, gìn giữ và duy trì từ bao đời nay. Trong đó, sản phẩm nếp Tài là nét văn hóa của đồng bào dân tộc Dao Quế Lâm tại xã Yến Dương. 


Khởi nghiệp từ ý tưởng bảo tồn sản vật địa phương      - Ảnh 3.

Thóc nếp được phơi khô dưới nắng mặt trời, bảo quản và chế biến thủ công nên lưu giữ được hương vị tự nhiên. Gạo Nếp Tài có màu trắng đặc trưng riêng, hạt gạo tròn đều, rất được ưa chuộng trên thị trường hiện nay

Đây là giống lúa nếp truyền thống đã có từ rất lâu, qui trình canh tác hoàn toàn tự nhiên, không sử dụng phân bón hóa học, phân vô cơ, thuốc kích thích tăng trưởng, thuốc bảo vệ thực vật hay thuốc diệt cỏ bởi nó phụ thuộc hoàn toàn vào yếu tố thổ nhưỡng, tập quán canh tác thuận tự nhiên, đó là chân đất ruộng một vụ kết hợp với khí hậu và nguồn nước trong sạch từ dãy núi cao trên 1500m so với mực nước biển để tạo nên sản phẩm gạo Nếp Tài an toàn chất lượng cao và đảm bảo hệ sinh thái bền vững.

Tuy nhiên, tập quán canh tác của đồng bào dân nơi đây chủ yếu thuận tự nhiên, quá trình chăm sóc cho đến lúc thu hoạch hoàn toàn thủ công nên sản lượng thóc không được cao, giá bán thấp. Ban đầu bà con trồng là chỉ để phục vụ gia đình.

Khởi nghiệp từ ý tưởng bảo tồn sản vật địa phương      - Ảnh 4.

Cũng kể từ khi được Hợp tác xã Yến Dương khuyến khích mở rộng diện tích, bao tiêu sản phẩm, bà con mới tập trung gieo trồng để nâng cao thu nhập

Nhận thấy đây là giống lúa quý, chị và Hợp tác xã Yến Dương cùng phối kết hợp với chính quyền địa phương chủ động vận động khôi phục phát triển và mở rộng diện tích lúa nếp Tài. Quá trình vận động người dân thực hiện, bản thân chị gặp rất nhiều khó khăn và hạn chế. "Để lựa chọn và tìm loại giống chuẩn mất rất nhiều thời gian, phải đến từng nhà và phải nhờ đến sự chia sẻ của những gia đình canh tác lâu năm. Sau đến việc thay đổi tập quán canh tác, từ việc thực tế cho thấy, nông dân sử dụng nhiều lúa giống để gieo cấy với tâm lý phòng trừ hao hụt trong những trường hợp bề mặt ruộng không bằng phẳng, ruộng lúa bị sâu bệnh hay bị chuột, ốc cắn phá, cấy dày để tăng năng suất…", chị Ninh cho biết.

Khởi nghiệp từ ý tưởng bảo tồn sản vật địa phương      - Ảnh 5.

Chị Ninh mong muốn từ việc khai thác tối đa và phát triển các sản phẩm nông đặc sản của địa phương, sẽ góp phần tạo công ăn việc làm và cải thiện sinh kế cho cộng đồng, góp phần xóa đói giảm nghèo

Để nâng cao nhận thức của bà con trong kỹ thuật chăm sóc và bảo vệ cây lúa, bản thân chị luôn luôn phối hợp với chính quyền địa phương, cán bộ chuyên môn không ngừng tuyên truyên sâu rộng đến toàn thể người trực tiếp sản xuất lúa, tham gia trực tiếp sản xuất cùng bà con theo dõi quá trình sinh trưởng và phát triển của từng giai đoạn trên cây lúa.

Khi chất lượng lúa được đảm bảo, bà con nâng cao nhận thức canh tác, giảm lượng giống gieo cấy và tăng năng suất, sản phẩm gạo Nếp Tài trở thành hàng hóa đưa ra thị trường được rất nhiều người ưa chuộng và được xem như "hạt ngọc của núi rừng". Bởi Nếp Tài có hương thơm đặc trưng riêng, dẻo và giàu dinh dưỡng, rất thích hợp đồ xôi, làm cốm, làm các loại bánh truyền thống sau 3-4 ngày vẫn mềm và ngon. Thóc nếp được phơi khô dưới nắng mặt trời, bảo quản và chế biến thủ công nên lưu giữ được hương vị tự nhiên. Gạo Nếp Tài có màu trắng đặc trưng riêng, hạt gạo tròn đều, rất được ưa chuộng trên thị trường hiện nay.

Khởi nghiệp từ ý tưởng bảo tồn sản vật địa phương      - Ảnh 6.

Gạo Nếp Tài đã có đến tay người tiêu dùng trong cả nước

Để thực hiện có hiệu quả mô hình trồng lúa Nếp Tài, giám đốc Yến Dương đã chọn lọc, xây dựng các qui trình thâm canh hợp lý nhằm nâng cao năng suất và chất lượng hạt gạo. Vì thế, việc khôi phục lại giống lúa Nếp Tài của đồng bào dân tộc Dao Quế Lâm bước đầu đã có những tín hiệu tích cực khi nhận được sự hưởng ứng tham gia thực hiện của đông đảo nhân dân.

Cũng kể từ khi được Hợp tác xã Yến Dương khuyến khích mở rộng diện tích, bao tiêu sản phẩm, bà con mới tập trung gieo trồng để nâng cao thu nhập. "Hiện nay trên thị trường có rất nhiều sản phẩm cùng loại, tuy nhiên nếp Tài vẫn có những tính năng nổi trội hơn. Trước đây giá bán lẻ thóc Nếp Tài ngoài thị trường chỉ khoảng hơn 10.000 đồng/kg, thì nay Hợp tác xã bao tiêu với mức giá 14.000 đồng/kg, nâng giá trị kinh tế đáng kể cho bà con, giảm nghèo bền vững cho nông dân", chị Ma Thị Ninh tự hào chia sẻ.

Chị Ninh bày tỏ mong muốn từ việc khai thác tối đa và phát triển các sản phẩm nông đặc sản của địa phương, sẽ góp phần tạo công ăn việc làm và cải thiện sinh kế cho cộng đồng, góp phần xóa đói giảm nghèo. Cùng với việc khôi phục và phát triển các loại giống quý mang tính bản địa, sẽ góp phần giữ và bảo tồn nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc Yến Dương.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm