Khởi nghiệp với nông nghiệp: Cần một kế hoạch rõ ràng ngay từ khi khởi động

An Khê
27/06/2023 - 17:29
Khởi nghiệp với nông nghiệp được xem là “mảnh đất màu mỡ” cho nhiều người dấn thân lập nghiệp. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều người đã thất bại với ngành tưởng như dễ dàng này.

Chuyên gia Hồ Ngọc Trâm, người sáng lập và điều hành Đà Lạt Ecofarm từng có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp đã chia sẻ về lý do này.

Khởi sự kinh doanh ngành nông nghiệp không chỉ là câu chuyện có một mảnh vườn và trồng cây gì. Nhiều người đã thất bại sau khi khởi nghiệp với tâm thế có gì làm nấy. Theo chị, cần có những hoạch định gì trước khi bắt đầu?

Khởi nghiệp ngành nông nghiệp hay bất kỳ ngành gì, đầu tiên bạn phải có một kế hoạch rõ ràng. Tùy thuộc vào mô hình mà bạn định làm, như mô hình hộ kinh doanh hoặc mô hình công ty. Hộ kinh doanh đơn giản về mặt quy trình, thủ tục, còn công ty thì quy mô lớn hơn và cần nhiều yếu tố phức tạp hơn.

Khởi nghiệp với nông nghiệp: Không chỉ là chuyện có một mảnh vườn và trồng cây gì - Ảnh 1.

Hồ Ngọc Trâm, người sáng lập và điều hành Đà Lạt Ecofarm từng có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp

Nhưng trước hết, bạn phải có hoạch định chi tiết về mặt tài chính, xác định được nguồn vốn là bao nhiêu và cần sử dụng trong bao lâu. Tiếp đến, bạn xác định sẽ kinh doanh sản phẩm gì, có bao nhiêu cổ đông, cần bao nhiêu nhân sự, phân bổ, bố trí nhân sự, chi phí cho nhân sự. Bạn còn phải có kế hoạch dài hơi cho việc hoàn vốn và kế hoạch marketing sản phẩm. Đặc biệt, trong lĩnh vực nông nghiệp, tốt nhất bạn cần người có chuyên môn đồng hành, như kỹ sư nông nghiệp chẳng hạn.

Có vẻ như có rất nhiều việc phải làm khi khởi nghiệp. Vậy theo chị, cần ưu tiên điểm nào?

Bạn cần lưu ý 3 điểm ưu tiên trong kế hoạch hành động, đó là: Kế hoạch, ngân sách, con người. Dù khởi nghiệp nông nghiệp hay bất cứ ngành gì cũng nên ưu tiên 3 điều trên. Cùng với đó là 3 bài học trong khởi nghiệp mà bạn phải trang bị trước: Chuẩn bị cho thất bại; Đào tạo nhân sự trong công ty; Góp vốn cổ đông.

Trước đây, tôi từng tham gia mảng xuất nhập khẩu trái cây nhưng do không có sự chuẩn bị, không có kế hoạch tổng hợp, không tìm hiểu thị trường nên tôi từng thất bại và mất một số tiền lớn cho bài học của mình. Cùng với đó, tôi cũng từng cho rằng bản thân chỉ kinh doanh nhỏ nên không chú trọng đào tạo nhân sự cũng như hướng dẫn nhân sự làm cho tốt nhiệm vụ, vị trí của mình, điều này cũng khiến tôi phải trả giá rất nhiều.

Trước khi khởi nghiệp, Hồ Ngọc Trâm từng làm vị trí quản lý nhân sự cấp cao tại một doanh nghiệp nước ngoài. Sau đó cô lên Đà Lạt khởi nghiệp với nông trại cung cấp thực phẩm sạch mang tên Đà Lạt Ecofarm. Tiếp theo, Trâm làm CEO chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Chợ Phố.

Đối với mô hình góp vốn cổ đông thì sao? Chị có kinh nghiệm gì khi khởi nghiệp với mô hình này?

Nhiều bạn trẻ hăm hở góp vốn vào làm nông nghiệp, nghĩ đơn giản vui thì cùng làm, nhưng khi lỗ vốn nhiều, sai định hướng kinh doanh thì bắt đầu dẫn đến xung đột nội bộ, mất tình cảm, mất tiền bạc. Bởi vậy cần có định hướng và hoạch định để có thể chia sẻ lợi nhuận cũng như khó khăn cùng nhau trong quá trình khởi nghiệp và vận hành doanh nghiệp.

Tóm lại, cần "nằm lòng" 3 điểm mấu chốt: Cần chuẩn bị kế hoạch rõ ràng; quản trị nhân sự phải xuyên suốt và phải luôn luôn có đào tạo nhân sự; thận trọng trong quá trình kết hợp giữa các cổ đông trong kinh doanh.

Một trong những thất bại khi khởi nghiệp đó chính là việc không tính đến rủi ro. Theo kinh nghiệm của chị, đây có phải là nhược điểm lớn nhất trong khởi nghiệp không?

Kinh doanh theo cảm tính, đó là vấn đề mà nhiều người mắc phải. Bạn phải xác định rằng, mọi vấn đề đều có rủi ro, ít có kinh doanh lãi ngay từ đầu. Thậm chí, bạn phải xác định luôn rằng, đầu tư tiền vào cái gì thì tiền đó có khả năng mất là rất cao chứ không phải cứ đầu tư là có lãi. Tại sao? Vì thời điểm ban đầu, bạn phải chi trả rất nhiều cho việc set-up, tỷ lệ có lãi là không nhiều. Không có kiểu đổ tiền vào rồi ngồi đợi tiền sinh lời, rất khó.

Khởi nghiệp với nông nghiệp: Không chỉ là chuyện có một mảnh vườn và trồng cây gì - Ảnh 2.

"Muốn đầu tư góp vốn công ty thì bạn nên góp vốn vào công ty đã hoạt động từ 3 năm trở lên" - Trâm chia sẻ


Quan điểm trong kinh doanh: Trung thực và uy tín là một trong những hạt giống đầu tiên Ngọc Trâm gieo trồng trong mối quan hệ với nhà vườn, đại lý.

Vậy nếu muốn khởi nghiệp bằng cách góp vốn với người khác? Liệu có giảm được rủi ro hay không? Thưa chị!

Muốn đầu tư góp vốn công ty thì bạn nên góp vốn vào công ty đã hoạt động từ 3 năm trở lên. Khi đó công ty đã có sự hình thành phát triển rõ ràng, hiệu quả. Bạn hãy kiểm tra tài chính kế toán, kiểm tra tất cả, định giá công ty đó qua công ty định giá chứ đừng nên quá tin tưởng bạn bè, khi nghe người này, nghe người kia, bỏ tiền vào thì không hợp lý.

Qua công ty định giá sẽ có phần định giá vô hình và hữu hình. Vô hình ở đây là về giá trị thương hiệu, công ty, quy trình,... Còn hữu hình là kiểm tra thực tế tài sản công ty đang có, ví dụ xe, đất đai, nhà cửa, cửa hàng, tồn kho. Khi kiểm tra đủ các yếu tố đó rồi thì hãy quyết định về yếu tố mà mình đầu tư.

Khi đầu tư rồi phải có một tinh thần vững vàng để đón nhận những rủi ro. Bởi có thể bạn sẽ không biết số tiền này có thể mất lúc nào, bởi không phải sự đầu tư nào cũng 100% hoàn vốn và có lợi nhuận.

Khi muốn đầu tư góp vốn phải làm cùng người góp vốn, người góp vốn cũng phải có kiến thức và tầm nhìn cùng với nhau thì mới phát triển chứ không phải bạn bỏ tiền vào ngồi không hưởng lợi. Nông nghiệp là một lĩnh vực vô cùng thực tế, bởi vậy cùng làm, cùng hiểu, cùng chia sẻ khó khăn thì sẽ bền vững hơn.

Xin cảm ơn những chia sẻ rất thực tế và bổ ích của chị!

Liên hệ: Chuyên gia Hồ Ngọc Trâm, người sáng lập và điều hành Đà Lạt Ecofarm

SĐT: 0903.154.1339

Website: chopho.com.vn

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm