pnvnonline@phunuvietnam.vn
Bắc Ninh: Tập trung giúp đỡ các ý tưởng phụ nữ khởi nghiệp, nâng cao chất lượng sản phẩm
Lãnh đạo Hội LHPN tỉnh thăm mô hình trồng dưa baby và rau thủy canh công nghệ cao trong nhà lưới của chị Nguyễn Thị Lan (huyện Gia Bình)
Phóng viên báo PNVN đã có cuộc trò chuyện cùng Phó Chủ tịch thường trực Hội LHPN tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Thị Hằng về các hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh.
+ Được biết, tính đến nay các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh đã tiếp nhận 1.102 ý tưởng phụ nữ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp. Vậy bà có thể chia sẻ những kinh nghiệm hay của tỉnh trong việc phát hiện, hỗ trợ cho số lượng ý tưởng "khủng" như vậy?
Bà Nguyễn Thị Hằng: Ngay từ khi Đề án 939 hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp được ban hành, Hội LHPN tỉnh Bắc Ninh đã có nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực hỗ trợ hội viên, phụ nữ trên địa bàn tỉnh khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh. Cụ thể:
- Chúng tôi xác định các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp là động lực chính phát triển kinh tế trong tương lai; sự đồng hành của chính quyền địa phương là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy phong trào khởi nghiệp.
- Sử dụng cách thức tiếp cận có hiệu quả để huy động được các nguồn lực xã hội (vốn, kỹ thuật...) và ngân sách địa phương để hỗ trợ các Ý tưởng khởi nghiệp, phát triển kinh doanh.
- Trên cơ sở Đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp" đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt giai đoạn 2017-2025; bám sát Hướng dẫn triển khai Đề án của TƯ Hội, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh tham mưu với UBND tỉnh ra Quyết định phê duyệt Kế hoạch thực hiện Đề án 939 của tỉnh, trong đó có nội dung bố trí nguồn vốn từ ngân sách địa phương, ủy thác qua Ngân hàng CSXH tỉnh để cho vay hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, với tổng nguồn vốn được giao thực hiện Đề án là 90 tỷ đồng.
- Để có căn cứ sử dụng nguồn vốn vay trên, Hội LHPN tỉnh đã tích cực tham mưu, đề xuất chính sách với Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết về sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội để cho vay đối với phụ nữ khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở Nghị quyết của HĐND tỉnh, Hội tiếp tục tham mưu với UBND tỉnh ban hành Quyết định phê duyệt Phương án cho vay đối với phụ nữ khởi nghiệp từ vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng CSXH, trong đó quy định rõ: Mức vay tối đa cho mỗi dự án là 2 tỷ đồng, thời hạn vay tối đa là 5 năm, lãi suất ưu đãi là 5%/năm (thấp hơn mức lãi suất cho vay hộ nghèo )
- Kết nối chuyên gia tư vấn, chuyển giao công nghệ, đào tạo tập huấn...
- Kết nối tiếp cận chính sách theo Nghị quyết của HĐND tỉnh.
+ Những thuận lợi cũng như thế mạnh của phụ nữ Bắc Ninh khi khởi nghiệp là gì, thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Hằng: Chúng tôi có thuận lợi là: Tỉnh uỷ - HĐND - UBND quan tâm, chỉ đạo với nhiều chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, đặc biệt đã ban hành chính sách riêng của Bắc Ninh trong việc hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp vay vốn ưu đãi từ nguồn ngân sách của Tỉnh, ủy thác qua Ngân hàng CSXH. Đây là một trong những chính sách ưu đãi quan trọng nhằm hỗ trợ phụ nữ có cơ hội và điều kiện phát triển kinh tế, thành lập doanh nghiệp, HTX, mở rộng sản xuất kinh doanh... trên cơ sở những ý tưởng khởi nghiệp và nhu cầu khởi sự kinh doanh của phụ nữ.
Tỉnh Bắc Ninh đang đứng trước nhiều cơ hội khởi nghiệp như: Khởi nghiệp trong nông nghiệp, nông thôn, phát triển kinh tế đô thị, kết nối doanh nghiệp trong nước cung ứng dịch vụ và sản phẩm cho khu vực FDI. Do đặc điểm văn hóa truyền thống Bắc Ninh, phụ nữ có vai trò nhất định trong kinh doanh
Vì vậy phát huy vai trò của phụ nữ trong hoạt động khởi nghiệp có ý nghĩa quan trọng cho phong trào phụ nữ cũng như sự phát triển kinh tế.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có trên 10.000 doanh nghiệp, trong đó có trên 1.600 doanh nghiệp do nữ làm chủ; 62 làng nghề truyền thống (lao động nữ chiếm trên 80%); có trên 12.000 hộ kinh doanh cá thể đang hoạt động (có khoảng 40% hộ kinh doanh do nữ làm chủ); có 594 hợp tác xã, trong đó hơn 10% hợp tác xã do phụ nữ quản lý.
+ Trên hành trình biến ý tưởng khởi nghiệp thành hiện thực, chị em còn có những khó khăn, rào cản gì cần phải vượt qua, đặc biệt trong giai đoạn hậu Covid-19, xin bà có thể chia sẻ?
Bà Nguyễn Thị Hằng: Do đại dịch Covid-19 diễn biến kéo dài, đặc biệt là những tháng đầu năm 2021 đã làm ảnh hưởng rất nhiều tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của các dự án khởi nghiệp/khởi sự kinh doanh do phụ nữ làm chủ. Ngành nông nghiệp gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ nông sản, thương lái không thu mua hàng hóa dẫn đến tình trạng rớt giá, cước vận chuyển sản phẩm tăng gấp 2- 3 lần.
Hiện nay, các doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp vừa và nhỏ nói riêng đã từng bước quay trở lại hoạt động bình thường khi tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn do tác động của các bất ổn kinh tế vĩ mô ở trong và ngoài nước như chi phí tăng cao, thiếu hụt lao động, đứt gãy chuỗi cung ứng…
Thêm vào đó, bản thân phụ nữ có ý tưởng khởi nghiệp còn thiếu kiến thức, kinh nghiệm, thiếu tự tin, còn e dè, chưa mạnh dạn tham gia các sự kiện xúc tiến thương mại và đề xuất nhu cầu hỗ trợ nguồn vốn để đầu tư. Do vậy không ít ý tưởng khởi nghiệp của phụ nữ, do phụ nữ làm chủ còn những khó khăn nhất định để khởi nghiệp, phát triển kinh doanh.
+ Vậy các cấp Hội phụ nữ tỉnh Bắc Ninh đã có những chương trình, hoạt động gì hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp vượt qua khó khăn đó?
Bà Nguyễn Thị Hằng: Hội LHPN tỉnh tập trung giúp đỡ các ý tưởng Phụ nữ khởi nghiệp, nâng cao chất lượng sản phẩm, đưa vào chế biến sâu và thiết kế bao bì cho sản phẩm để xúc tiến thương mại. Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác với Công ty cổ phần Nông nghiệp sạch nhằm Hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ tại tỉnh Bắc Ninh với nông nghiệp sạch và xây dựng cộng đồng tiêu dùng. Với các nội dung hợp tác như: Triển khai hoạt động đào tạo, hỗ trợ sinh kế trong lĩnh vực nông nghiệp, thương mại, sản xuất cho phụ nữ tỉnh Bắc Ninh; triển khai các hoạt động truyền thông, xúc tiến thương mại; thực hiện cam kết "Sinh kế cho phụ nữ tỉnh Bắc Ninh với nông nghiệp sạch và xây dựng cộng đồng tiêu dùng".
Chúng tôi tổ chức "Ngày phụ nữ khởi nghiệp" hàng năm gắn với các sự kiện, hoạt động lớn của Hội: Thông qua đó kết nối nguồn lực để hỗ trợ hiện thực hóa những ý tưởng sáng tạo, đổi mới của phụ nữ đã được lựa chọn; hỗ trợ các doanh nghiệp có nhu cầu phát triển về chất lượng và quy mô.
Cùng với đó là các hoạt động: Hỗ trợ pháp lý, xây dựng thương hiệu, sở hữu trí tuệ cho phụ nữ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp có sự đổi mới sáng tạo. Hỗ trợ tiếp cận tín dụng từ các nguồn khác như Quỹ TYM, Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX của tỉnh... Đồng thời, thường xuyên giám sát, đánh giá kết quả hỗ trợ hiện thực hóa các ý tưởng phụ nữ khởi sự kinh doanh/khởi nghiệp, thực hiện Đề án 939 trên địa bàn toàn tỉnh. Trên cơ sở đó, rút ra bài học kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện các hoạt động của Đề án cho những năm tiếp theo.
+ Đề án 939 đã đi được hơn nửa chặng đường, bà thấy có gì bất cập, vướng mắc trong việc triển khai đề án tại địa phương?
Bà Nguyễn Thị Hằng: Mặc dù UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh Bắc Ninh đã có sự quan tâm chỉ đạo và bố trí kinh phí thực hiện các mục tiêu nhiệm vụ của Đề án, tuy nhiên nguồn lực cấp cho các hoạt động còn ít so với yêu cầu nhiệm vụ của Đề án nên kết quả triển khai ở cấp huyện, thành phố còn mức độ. Tại một số địa phương, các ngành liên quan chưa quan tâm đúng mức, thiếu sự phối hợp chặt chẽ với Hội LHPN trong việc tổ chức thực hiện Đề án.
Bên cạnh đó, nguồn vốn vay Đề án 939 của tỉnh mới chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu vay vốn của các chủ dự án là doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh cá thể. Trong khi đó các quy định về tài chính chặt chẽ trong phân bổ ngân sách cấp tỉnh, cấp huyện riêng nên nguồn vốn vay ưu đãi hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp từ ngân sách cấp huyện không bố trí ủy thác qua Ngân hàng CSXH cấp huyện như cấp tỉnh được. Đó là một số vấn đề còn tồn tại khi triển khai đề án 939 tại tỉnh Bắc Ninh.
+ Một số đề xuất của Hội LHPN tỉnh Bắc Ninh để Đề án được triển khai hiệu quả hơn trong thời gian tới?
Bà Nguyễn Thị Hằng: Hội LHPN tỉnh Bắc Ninh có một số đề xuất:
Đối với Trung ương, để phụ nữ thành công khi khởi nghiệp, phát triển kinh tế, đề nghị Trung ương Hội LHPN Việt Nam phối hợp với các Bộ, ngành tham mưu cho Chính phủ cần có sự lồng ghép các hoạt động hỗ trợ PNKN trong các đề án, chương trình có liên quan.
Đối với tỉnh, doanh nghiệp khởi nghiệp hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn, rào cản. Do vậy đề nghị các sở, ban, ngành và chính quyền các cấp theo thẩm quyền tiếp tục tham mưu xây dựng các cơ chế, chính sách như ưu đãi thuế, đất đai, giải phóng mặt bằng...; tăng cường năng lực nghiên cứu và phát triển, đổi mới công nghệ, giải pháp về tài chính, tín dụng, thúc đẩy liên kết giữa các doanh nghiệp lớn và nhỏ, thúc đẩy sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ để tạo thêm điều kiện hỗ trợ các dự án khởi nghiệp.