pnvnonline@phunuvietnam.vn
Khởi nghiệp không chỉ tạo ra việc làm và tăng quyền năng cho phụ nữ
Bà Đinh Thị Ngọc Lê (bìa trái), Chủ tịch Hội LHPN Minh Hóa, thăm một cơ sở sản xuất của hội viên phụ nữ
Để tìm hiểu kỹ hơn về phong phào khởi nghiệp, vươn lên làm chủ kinh tế của hội viên, phụ nữ huyện miền núi Minh Hóa, phóng viên Báo PNVN đã có cuộc trao đổi cùng bà Đinh Thị Ngọc Lê, Huyện uỷ viên, Chủ tịch Hội LHPN Minh Hóa, về vấn đề này.
PV: Được biết, trong nhiều năm qua, Hội LHPN Minh Hóa xác định hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp là một trong những nội dung quan trọng trong hoạt động của các cấp Hội. Cụ thể, Hội đã thực hiện chương trình này như thế nào?
Bà Đinh Thị Ngọc Lê: Khởi nghiệp không chỉ tạo ra việc làm và tăng quyền năng cho phụ nữ, mà còn mang lại giá trị về những đóng góp cho xã hội, hướng tới phục vụ cộng đồng, giải quyết các vấn đề về con người và sự phát triển bền vững, thực hiện bình đẳng giới và chương trình mục tiêu quốc gia. Cùng với công tác tuyên truyền, Hội LHPN Minh Hoá đặc biệt quan tâm đến việc nâng cao nhận thức cho phụ nữ về phát triển kinh doanh và khởi nghiệp. Cụ thể, đó là sự đổi mới về tư duy, công nghệ, là sự quyết tâm vượt qua những thách thức, rào cản của bản thân; kiên trì, sáng tạo tìm kiếm cơ hội để khởi nghiệp…
Các cấp Hội đã tập trung khai thác các nguồn lực, tổ chức tập huấn, đào tạo nghề, đào tạo kiến thức về khởi sự kinh doanh; khuyến khích, tư vấn hội viên, phụ nữ xây dựng ý tưởng thành lập và phát triển doanh nghiệp; hỗ trợ cho chị em có ý tưởng kinh doanh được tiếp cận với các nguồn vốn, kỹ năng nâng cao năng lực cạnh tranh; đồng thời làm cầu nối để giới thiệu, kết nối các doanh nghiệp, các tổ hợp tác, các hộ kinh doanh cá thể; tham gia các khóa tập huấn, đào tạo quản trị doanh nghiệp và các chương trình, dự án về khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh; đầu tư mở rộng quy mô và áp dụng công nghệ trong sản xuất, kinh doanh để tăng thu nhập. Vận động phụ nữ chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đổi mới phát triển các hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả ở nông thôn; tranh thủ nguồn lực từ các chương trình, đề án để hỗ trợ thành lập các mô hình tổ hợp tác tiêu thụ sản phẩm do phụ nữ làm chủ…
PV: Hội đã làm gì để hỗ trợ và thúc đẩy phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh?
Bà Đinh Thị Ngọc Lê: Hội LHPN huyện Minh Hóa luôn đẩy mạnh công tác phối hợp hỗ trợ hội viên khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh như: hỗ trợ vốn, tổ chức cho chị em tham quan học tập các mô hình kinh tế hiệu quả, tiếp thu thêm kiến thức từ các lớp tập huấn, đào tạo nghề, và đặc biệt là tạo cơ hội cho hội viên tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại các diễn đàn hội chợ, ngày hội khởi nghiệp cấp huyện, cấp tỉnh.
Hiện nay, Hội đang quản lý nguồn vốn ủy thác trên 194 tỷ đồng, hỗ trợ 4.506 hội viên vay vốn. Nguồn vốn khởi nghiệp quay vòng do Hội LHPN tỉnh hỗ trợ 250 triệu đồng giúp nhiều hội viên mở rộng sản xuất kinh doanh. Đặc biệt nguồn vốn hỗ trợ lãi suất không đồng của Hội LHPN tỉnh, Hội LHPN huyện đã thành lập Tổ hợp tác chế biến măng rừng tại xã Hóa Thanh với 10 thành viên. Hội cũng phối hợp với tổ chức Plan Quảng Bình thành lập tổ hợp tác mây tre đan tại xã Trọng Hóa. Hiện, hai tổ hợp tác đang hoạt động tích cực, hứa hẹn mang lại thu nhập cho tổ viên. Toàn huyện có gần 500 mô hình kinh tế do phụ nữ làm chủ có thu nhập mỗi năm từ 80 đến 150 triệu đồng.
PV: Bà có thể điểm qua một số kết quả nổi bật trong phong trào khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh của hội viên, phụ nữ Minh Hóa?
Bà Đinh Thị Ngọc Lê: Có thể nói, tinh thần đổi mới sáng tạo phát triển kinh doanh, khởi nghiệp gắn với thực hiện phong trào thi đua "xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới", cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch" đã và đang tác động tích cực đến nhận thức, tư duy và trở thành hành động cụ thể của cán bộ, hội viên, phụ nữ. Các hộ kinh doanh cá thể do phụ nữ quản lý đã góp phần tạo nguồn thu nhập đáng kể cho từng gia đình, đóng góp ngân sách cho địa phương và góp phần giải quyết việc làm cho lao động. Trong đó, nhiều chị đã vượt qua chính mình, vượt qua hoàn cảnh để đứng lên khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh và mang lại thành công với nhiều hướng đi mới, dựa trên tiềm năng, lợi thế sẵn có của từng địa phương.
Điển hình phải kể đến chị Đinh Thị Hồng - Giám đốc Công ty TNHH Diến Hồng - dám nghĩ dám làm, mạnh dạn đầu tư dây chuyền sản xuất sản phẩm dầu lạc, bắt đầu đi vào sản xuất năm 2016 với thương hiệu dầu lạc Nông Việt, Sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP, có mặt tại nhiều cửa hàng, siêu thị trên địa bàn tỉnh và nhiều tỉnh khác. Bình quân doanh thu của Diến Hồng đạt từ 100-150 tỷ đồng/năm, thường xuyên giải quyết việc làm cho hơn 100 lao động với thu nhập ổn định.
Hay như chị Hồ Thị Bun, hội viên Chi hội phụ nữ bản K Định, xã Dân Hoá với mô hình nuôi lợn bản, nuôi dê, bò, trồng cây… mỗi năm cho thu nhập từ 100 triệu trở lên. Chị Đinh Thị Hà, Chi hội phụ nữ thôn Minh Xuân, xã Xuân Hoá, với Mô hình chăn nuôi chăn nuôi tổng hợp cho thu nhập từ 150 - 200 triệu đồng/năm. Mô hình của chị Cao Thị Thương, hội viên Chi hội phụ nữ thôn Tân Lợi, xã Yên Hoá. Với mô hình Phát triển kinh tế vườn, ao, chuồng thu nhập cho gia đình từ 100 triệu đồng đến 150 triệu đồng/năm….
Cùng với vận động, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, các cấp Hội tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo. Vận động phụ nữ thực hành tiết kiệm, hỗ trợ giúp nhau về cây, con giống; về vốn, khoa học kỹ thuật và dạy nghề cho nhau để tăng thu nhập.
Từ phong trào thi đua giúp nhau phát triển kinh tế, sáng tạo khởi nghiệp, ngày càng có nhiều phụ nữ vượt khó vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng; nhiều chị thực hiện thành công ý tưởng khởi nghiệp, phát triển kinh doanh bằng ý chí, nghị lực của chính mình.
PV: Với cương vị là "thủ lĩnh" của phong trào phụ nữ, bà đánh giá thế nào về tinh thần khởi nghiệp trong hội viên, phụ nữ huyện miền núi Minh Hoá?
Bà Đinh Thị Ngọc Lê: Khởi nghiệp là công việc đầy khó khăn thử thách, nhất là huyện miền núi, nơi điều kiện không mấy thuận lợi để thực hiện. Nói đến khởi nghiệp là nói đến một hành trình dài, không có điểm dừng và không phải dễ dàng để đi đến thành công. Nam giới khởi nghiệp cũng hết sức khó khăn, phụ nữ khởi nghiệp lại càng khó hơn, bởi chị em chúng ta gặp không ít rào cản mang tính đặc thù về giới trong quá trình thực hiện hóa ý tưởng kinh doanh. Mặt khác, khả năng tiếp cận các chương trình, chính sách hỗ trợ còn rất hạn chế; cơ hội để tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, được đào tạo giao lưu, học hỏi vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Khoảng cách từ ý tưởng đến thực tiễn sẽ rất xa nếu như cách làm của chị em chúng ta không mạnh dạn, không "dám sai" để học hỏi.
Hành trình khởi nghiệp cũng đòi hỏi chúng ta phải làm thật, phải học hỏi, chấp nhận sự thay đổi để tạo ra sản phẩm, dịch vụ đáp ứng được nhu cầu ngày càng khắt khe của thị trường; phải tìm kiếm thông tin, kết nối; phải đổi mới, sáng tạo, nâng cao năng suất, và khả năng cạnh tranh.
Một số sản phẩm khởi nghiệp đan lát của hội viên, phụ nữ Minh Hoá
Đồng hành cùng phụ nữ khởi nghiệp, thời gian tới, các cấp Hội phụ nữ sẽ tập trung đến một số việc cụ thể sau:
Tiếp tục phát động, khuyến khích phụ nữ khởi nghiệp, làm giàu, xây dựng được sản phẩm OCOP, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, xây dựng gia đình hạnh phúc;
Tiếp tục khai thác các nguồn lực để đào tạo, tư vấn, hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm;
Kết nối, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp tiếp cận các dịch vụ, nguồn lực;
Tham mưu đề xuất các chính sách nhằm hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp;
Tham gia giám sát việc thực hiện các chính sách liên quan đến phụ nữ và phát triển kinh tế;
Biểu dương và nhân rộng các ý tưởng, mô hình khởi nghiệp kinh doanh của phụ nữ thành công;
Khơi dậy và đẩy mạnh hơn nữa phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động của Hội trong các tầng lớp phụ nữ. Bởi lẽ, thi đua là cách tốt nhất, thiết thực nhất để phát huy nội lực của phụ nữ, đồng thời cũng là trách nhiệm của phụ nữ đối với bản thân, gia đình và xã hội.
PV: Trân trọng cảm ơn bà!