Không bảo đảm an toàn thực phẩm trong nhà trường là 'tội ác'

13/05/2018 - 15:01
Nếu vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm trong nhà trường không được quan tâm đúng thì đó là “tội ác”, bởi nó liên quan đến sức khỏe, tính mạng của từng học sinh. Đó là khẳng định của ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội.
Hiện nay, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) đang được xã hội quan tâm, nhất là thời gian qua có nhiều vấn đề về mất ATTP, trong đó có các vụ ngộ độc tại học đường gây xôn xao dư luận.
 
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội quản lý bữa ăn ở các trường học như thế nào để bảo đảm vệ sinh ATTP tại nhà trường là vấn đề được nhiều người quan tâm trong chương trình tọa đàm “Vai trò của các Quận uỷ trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm năm 2018".
 
PNVN trích đăng ý kiến của ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội về vấn đề này.  
 
Theo ông Phạm Xuân Tiến, nếu vấn đề vệ sinh ATTP không được quan tâm đúng thì đó là “tội ác”, bởi nó liên quan đến sức khoẻ, tính mạng của từng học sinh. Hiện nay, nhà trường có hai hình thức duy trì bếp ăn ở trường, đó là tự nấu hoặc ký hợp đồng thuê bên ngoài.
bua-an-hoc-duong-2.jpg
Dù bữa ăn ở hình thức nào thì nhà trường đều phải chịu trách nhiệm về sự an toàn của học sinh

Đến nay, có hơn 200 trường đã thực hiện thực đơn theo đề án của Sở Giáo dục và Đào tạo, đó là thực hiện 40 bữa ăn không trùng lặp để bảo đảm học sinh được thay đổi khẩu vị, không chán ăn. Trong đó, tuỳ từng khu vực sẽ có nhiều mức điều chỉnh bữa ăn khác nhau, ví dụ như khu vực quận Hoàn Kiếm, mỗi bữa trưa của học sinh khoảng 17 - 18 nghìn đồng/học sinh, trong khi ở các khu vực ngoại thành như huyện Thạch Thất, Quốc Oai là 14 - 15 nghìn đồng/học sinh. Với mức tiền đó, các trường phải tính toán sao để bảo đảm dưỡng chất cho các em.
 
Ông Phạm Xuân Tiến cho rằng, để bảo đảm vệ sinh ATTP trong nhà trường, cần phải có sự chung tay và trách nhiệm từ nhà trường và gia đình. Việc giao nhận bữa ăn hay giao nhận thực phẩm cần có sự giám sát của đại diện cán bộ nhà trường, cán bộ y tế và cha mẹ học sinh.
bua-an-hoc-duong-3.jpg
Việc giao nhận bữa ăn hay giao nhận thực phẩm cần có sự giám sát của đại diện cán bộ nhà trường, cán bộ y tế và cha mẹ học sinh
 
Liên quan đến việc giám sát nguồn thực phẩm nhập vào bếp ăn tập thể, ông Nguyễn Văn Trường, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Hà Đông (Hà Nội), cho biết, trên địa bàn quận trong nhiều năm chưa xảy ra ngộ độc tại các bếp ăn tập thể nhưng không vì thế mà chủ quan. Việc kiểm tra, kiểm soát từ đầu vào, khâu chế biến được đặc biệt coi trọng, nhất là tại 103 bếp ăn tập thể tại các trường học. Quận cũng yêu cầu tại các trường phải có đại diện giám sát bếp ăn tập thể ngay từ nguồn thực phẩm nhập vào, lưu mẫu thực phẩm theo đúng quy trình; nguyên liệu sử dụng trong quá trình chế biến bảo đảm vệ sinh ATTP.
bua-an-hoc-duong.jpg
Bữa ăn tại trường học liên quan đến sức khỏe, tính mạng của từng học sinh. Ảnh minh họa
 
Đối với quận Ba Đình (Hà Nội), theo ông Nguyễn Quang Trung, Phó Chủ tịch UBND quận: Với bếp ăn các trường học, trường mẫu giáo, việc bàn giao thực phẩm phải có sự giám sát của đại diện Ban phụ huynh, đại diện nhà trường trước khi đưa nguyên liệu thực phẩm vào chế biến. Nhìn chung, tất cả các bếp ăn trên địa bàn quận phải thực hiện nghiêm túc các quy định: Ghi chép sổ kiểm thực 3 bước, lưu mẫu thức ăn 24 giờ, khu vực bếp sắp xếp theo nguyên tắc một chiều, khu vực chế biến, bảo quản thực phẩm đảm bảo yêu cầu về an toàn thực phẩm theo quy định.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm