pnvnonline@phunuvietnam.vn
Không chấp nhận lỗ vốn: Starlink có động thái quan trọng, tiết lộ "chìa khóa thành công"
Tỷ phú Elon Musk
SpaceX của tỷ phú Elon Musk đã không còn chịu chi phí cho ăng-ten Starlink mà họ bán cùng với dịch vụ internet vệ tinh nữa - giám đốc điều hành của công ty cho biết. Đây là một động thái quan trọng của công ty nhằm cải thiện lợi nhuận.
Chiếc "chìa khóa thành công" của Starlink
Jonathan Hofeller, phó chủ tịch Starlink và phụ trách kinh doanh thương mại của SpaceX, cho biết: “Chúng tôi đang trợ cấp cho các thiết bị đầu cuối, nhưng hiện giờ chúng tôi không thể tiếp tục làm việc này nữa." Ông Jonathan Hofeller cho biết trong một hội thảo tại hội nghị Tuần lễ Kinh doanh Vệ tinh Thế giới vào hồi tháng 9.
SpaceX bán ăng-ten Starlink dành cho người tiêu dùng (còn được gọi là thiết bị đầu cuối cho người dùng) với giá 599 USD/chiếc. Đối với những khách hàng khó tính hơn - chẳng hạn như những người dùng di động, hàng hải hoặc hàng không, SpaceX bán ăng-ten đi kèm với dịch vụ của mình với giá từ 2.500 đến 150.000 USD/chiếc.
Khi SpaceX lần đầu tiên bắt đầu bán dịch vụ Starlink, ban lãnh đạo công ty cho biết, chi phí sản xuất mỗi thiết bị đầu cuối là khoảng 3.000 USD. Công ty đã cải thiện chi phí này còn khoảng 1.300 USD vào đầu năm 2021.
Tuy nhiên, chia sẻ của ông Hofeller hồi tháng trước cho thấy, các thiết bị đầu cuối hiện có chi phí sản xuất ít hơn 600USD/chiếc. Đây là một khoản tiết kiệm chi phí lớn, được coi là "một trong những chìa khóa thành công của SpaceX".
Theo Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), chi phí phải trả cho dịch vụ internet vệ tinh của Starlink là 110 USD/tháng và 600 USD cho bộ ăng-ten. Như vậy tổng số tiền mà một khách hàng mới phải chi trả trong tháng đầu tiên là 710 USD.
Hiện người dùng phải trả mức phí cao hơn cho dịch vụ này so với tháng 10/2020. Trước đó, khách hàng trả trước 600 USD/tháng cho bộ ăng-ten và chi phí internet.
Có lãi trong năm 2023
Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của SpaceX Gwynne Shotwell cho biết vào đầu năm nay rằng Starlink “có một quý chứng kiến dòng tiền ở mức dương” vào năm 2022. Tổng thể công ty được báo cáo đã có lãi trong quý đầu tiên của năm 2023.
Theo WSJ, công ty tư nhân này đã tạo ra 55 triệu USD lợi nhuận trên 1,5 tỷ USD doanh thu trong quý đầu tiên của năm 2023.
Được thành lập bởi tỷ phú Elon Musk từ hơn hai thập kỷ trước, SpaceX đã nổi lên như một công ty phóng tên lửa hàng đầu của Mỹ. Công ty này đã xây dựng được một doanh nghiệp lớn về vệ tinh-internet.
SpaceX có trụ sở tại Hawthorne, California đã phát triển nhanh chóng kể từ những ngày đầu thành lập và được định giá khoảng 150 tỷ USD trong đợt bán cổ phiếu gần đây của nhân viên, ngang hàng với Intel và Disney.
SpaceX thuộc sở hữu tư nhân và giữ kín thông tin chi tiết về tình hình tài chính của mình. WSJ cho hay, một số người có cổ phần trong SpaceX không biết công ty kiếm được hay thua lỗ bao nhiêu tiền. Nhiều nhà đầu tư của SpaceX coi cổ phần của họ là một vụ cá cược dài hạn.
Lần gần nhất công chúng được biết tới tình hình tài chính của SpaceX đã là 6 năm trước.
Sự phát triển mạnh mẽ của Starlink
Lần gần nhất công ty cung cấp cập nhật về số liệu liên quan đến người dùng của Starlink trên toàn cầu là vào tháng 5. Họ cho biết, Starlink hiện đang có khoảng 1,5 triệu khách hàng.
Hofeller không nêu rõ tổng số đó hiện nay là bao nhiêu nhưng cho biết Starlink đã “vượt quá” mốc 1,5 triệu đó. Con số này bao gồm cả khách hàng tiêu dùng và doanh nghiệp trên toàn thế giới. Ông Hofeller cũng bày tỏ kì vọng, số khách hàng sử dụng dịch vụ này sẽ tăng trưởng theo đơn vị triệu người.
Kể từ năm 2018, SpaceX đã thực hiện 109 cuộc phóng vệ tinh. Cho đến nay, SpaceX đã phóng hơn 5.000 vệ tinh Starlink lên vũ trụ và con số này vẫn đang tăng lên. Số vệ tinh của SpaceX đã chiếm hơn 50% tổng số vệ tinh đang hoạt động. Kế hoạch của tỷ phú Elon Musk là có tới 42.000 vệ tinh trên quỹ đạo trong những năm tới.
Ông Hofeller nói: "Chúng tôi đang phát triển mạnh mẽ, chúng tôi đang phóng vệ tinh với tần suất 2 lần/tuần, và điều này thật điên rồ."
Các đối thủ của Starlink bao gồm OneWeb, nhà cung cấp dịch vụ internet vệ tinh lớn thứ hai thế giới với hơn 600 vệ tinh trên quỹ đạo và Project Kuiper của Blue Origin, cũng như chòm sao IRIS² của Liên minh Châu Âu.