pnvnonline@phunuvietnam.vn
Không đeo khẩu trang nơi công cộng, những ai có thẩm quyền xử phạt?
Theo Chủ tịch UNND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, không chủ quan trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid - 19. Triển khai thực hiện nhiệm vụ kép trong tình trạng bình thường mới, vừa phòng chống dịch hiệu quả vừa phục hồi kinh tế.
Gần đây có tình trạng người dân không đeo khẩu trang tại nơi công cộng, chỗ đông người. Do đó từ ngày 5/8 các địa phương ở TP.HCM sẽ tiến hành xử phạt hành chính hành vi không đeo khẩu trang tại nơi công cộng. "Địa điểm công cộng là nơi phục vụ chung cho nhu cầu của nhiều người" theo quy định tại Luật Phòng, chống tá hại của thuốc lá 2012.
Bên cạnh đó, theo quy định tại Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007, nghiêm cấm hành vi không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Vì vậy hành vi không đeo khẩu trang nơi công cộng để phòng, chống dịch Covid – 19 sẽ bị xử phạt. Hành vi này sẽ bị xử cảnh cáo hoặc phạt từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 11, Nghị định 176/2013/NĐ-CP về việc không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế (không đeo khẩu trang nơi công cộng).
Thẩm quyền xử phạt hành chính với hành vi không đeo khẩu trang
Chủ tịch UBND cấp xã, thanh tra y tế có thẩm quyền xử phạt với hành vi không đeo khẩu trang tại nơi công cộng theo quy định tại điều 89, 90 Nghị định 176/2013/NĐ – CP:
Điều 89: Thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch UBND
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có quyền: Phạt cảnh cáo; Phạt tiền đến 3.000.000 đồng đối với vi phạm hành chính về dân số; đến 5.000.000 đồng đối với vi phạm hành chính về y tế dự phòng, chống HIV/AIDS, bảo hiểm y tế, khám bệnh, chữa bệnh, dược, mỹ phẩm và trang thiết bị y tế;
Điều 90: Thẩm quyền xử phạt của thanh tra y tế
Thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành đang thi hành công vụ có quyền: Phạt cảnh cáo; Phạt tiền lên đến 300.000 đồng đối với vi phạm hành chính về dân số; đến 500.000 đồng đối với vi phạm hành chính về y tế dự phòng và phòng, chống HIV/AIDS, bảo hiểm y tế, khám bệnh, chữa bệnh, dược, mỹ phẩm và trang thiết bị y tế;...
Ngoài ra, hành vi không đeo khẩu trang mà dẫn đến hậu quả là lây lan dịch bệnh Covid - 19 có thể bị xử phạt trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 240 Bộ luật Hình sự về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người.