Hội thẩm không chỉ xét xử, mà còn là chuyên gia tâm lý giúp các em nhận thức rõ sai lầm
Bên lề Đại hội người bảo vệ quyền trẻ em vừa diễn ra tại Hà Nội, bà Lê Thị Xuân Lang bày tỏ những băn khoăn trong vai trò hội thẩm nhân dân TP Hồ Chí Minh: Ở bất kỳ thời điểm nào hay ở vai trò vị trí nào, chức năng nào, khi làm công việc liên quan đến trẻ em, tôi đều cảm thấy rất hạnh phúc và đầy trách nhiệm. Với vai trò Hội thẩm Nhân dân, tôi xác định rằng, trẻ em dù là bị can hay bị cáo, thì các em vẫn là trẻ em. Do đó, trách nhiệm của chúng ta vẫn là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho trẻ em.
Trong quá trình xét xử, Thẩm phán hay Hội thẩm không chỉ ngồi xét xử, mà còn là chuyên gia tâm lý hỗ trợ các em nhận thức rõ sai lầm của mình, cũng như ý thức về quá trình chấp hành án, định hướng tiếp tương lai cho các em sau thời gian chấp hành án.
Ngoài quá trình xét xử, chúng tôi còn có các ca đột xuất, như trường hợp em Trần Ngọc Sang ở tỉnh Bến Tre gây bạo lực học đường, đã phải rời trường học đi chấp hành án. Khi chúng tôi tiếp nhận thông tin cũng là lúc em Sang đang đến nơi thụ án. Một mặt chúng tôi phân công nhau đến nơi em Sang thụ án để động viên em, mặt khác đến gia đình em để ghi nhận, tìm hiểu thực tiễn hoàn cảnh gia đình em. Trong thời gian này, chúng tôi cử người liên tục viết thư về trại quản giáo cho em Sang, để em không cảm thấy cô đơn và nảy sinh ý nghĩ tiêu cực.
Kết quả là em Sang học rất tốt ở nơi đang thụ án, chứ không phải “học sinh cá biệt” như người ta vẫn gán cho em trước khi vào trại. Do cải tạo tốt, em được làm công việc có thu nhập, số tiền ấy em tích góp để trả tiền bồi thường cho những người mà em gây ra bạo lực ở địa phương.
Một trường hợp khác mà chúng tôi nhận được đơn thư tố cáo, là cha dượng đã hiếp dâm con gái riêng của vợ từ năm cháu 8 tuổi, đến năm cháu 12 tuổi thì dẫn đến sinh con, vụ việc mới được phát hiện.
Hội người bảo vệ quyền trẻ em đã phân công nhau giúp em bé mới sinh (là con của cháu gái này) được nuôi dưỡng cẩn thận, cùng lúc chúng tôi cử người đến chăm sóc người mẹ trẻ con này. Sau đó, chúng tôi động viên, giúp cháu gái từ năm 12 tuổi theo học tiếp lớp 7. Nay cháu đã học hết cấp 3 và tham gia vào hoạt động Đoàn Thanh niên của trường rất sôi nổi.
Bên cạnh đó, chúng tôi liên tục viết thư cho cháu và yêu cầu cháu viết thư lại cho Hội bảo vệ quyền trẻ em chúng tôi nắm bắt rõ nguyện vọng của cháu. Bởi trong quá trình cháu gái lớn lên, có những giai đoạn phát triển tâm sinh lý, sẽ có nhu cầu sinh lý con người, cháu có thể dễ bị dụ dỗ dẫn đến hư hỏng, nên chúng tôi luôn bên cạnh cháu để giúp đỡ, chia sẻ, động viên cháu.
Nhiều gia đình chưa nhận thức rõ việc xâm hại quyền trẻ em
Bà Lê Thị Xuân Lang khẳng định, nguyên nhân trẻ em bị xâm hại, bạo lực thì rất nhiều. Ngay trong gia đình mà con cái bị xâm hại mà chính người gây bạo lực không biết rõ hành vi của mình. Thực tế, không ít cha mẹ coi con là thuộc quyền sở hữu của mình, nên bất cứ lúc nào cũng có thể dùng roi vọt để dạy bảo con. Ví như việc gọi con đi tắm, hay giục con học bài, nhưng con lại mải chơi, bố mẹ có thể tát con ngay và coi đó là việc bình thường, mà chưa coi là đã xâm hại quyền trẻ em.
Bên cạnh đó, trong nhà trường, việc có chuyên gia tâm lý để cho các em thổ lộ tâm tư, giúp đỡ ngay khi các em gặp áp lực tâm lý, thì hiện chưa có. Như trường hợp em Trần Ngọc Sang tôi đã nói ở trên, do trong quá trình bị bạo lực nhiều năm kéo dài, các bạn nữ ở trường thường trêu chọc Sang. Có lúc Sang đi qua thì mấy bạn nữ đưa chân ra ngáng đường, làm Sang ngã nhào, vừa đau, vừa tức, lại bị các bạn cười nhạo. Sang lại là một bạn nam giới, sự sĩ diện với bạn bè xung quanh khiến Sang khó chịu trong một thời gian dài mà không có ai giúp đỡ, giải toả, đã dẫn đến sự bột phát, khiến Sang tìm cách trả thù các bạn nữ đó.
Qua đây, tôi muốn chia sẻ một vài điều còn bất cập trong Bộ Luật hình sự năm 2015 quy định về thời hạn, thủ tục, trình tự khởi tố vụ án hình sự chung cho tất cả các loại tội phạm, như: Không có sự khác nhau giữa người bị hại là trẻ em và bị hại là người lớn, nên dẫn đến việc chúng tôi không bảo vệ được tốt nhất cho các em bị xâm hại.
Ví dụ, tại Điều 147 Bộ Luật hình sự 2015 quy định khi nhận được tin tố giác, tin báo cáo về tội phạm thì cơ quan điều tra sẽ xác minh, giải quyết. Thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm là 20 ngày, tối đa là 04 tháng (kể cả thời gian gia hạn), trên cơ sở xác minh có thể ban hành quyết định khởi tố vụ án hình sự.
Vì quy định thời hạn tối đa là 04 tháng, nên cơ quan điều tra đã để vụ việc kéo dài, diễn ra lâu, khi tiến hành xác minh, điều tra thì khó thu thập được chứng cứ.
Quy định thời hạn như vậy là quá dài, do đặc thù riêng biệt của những vụ án xâm hại trẻ em (cưỡng dâm, dâm ô, giao cấu…) là ít khi có chứng cứ trực tiếp (không có người chứng kiến, không bắt được quả tang…), sự việc được phát hiện khi hành vi vi phạm đã thực hiện xong qua thời gian dài; phát hiện qua lời kể lại của bị hại… Mặt khác đa số bị hại còn nhỏ tuổi, nhận thức chưa đầy đủ, nên không nhớ chính xác những vấn đề liên quan như thời gian, địa điểm, diễn biến của vụ việc. Dẫn đến bị hại không cung cấp được thông tin chính xác cho cơ quan điều tra, nên không có căn cứ để khởi tố vụ án được. Đó là điều mà chúng tôi day dứt, băn khoăn rất nhiều mà không thể bảo vệ quyền của các em một cách tốt nhất.