Ngủ muộn hạn chế phát triển chiều cao ở trẻ
Giấc ngủ của trẻ vào ban đêm có liên quan rất nhiều đến sự phát triển chiều cao, do hormone tăng trưởng tiết ra khá nhiều vào buổi tối. Nếu trẻ đi ngủ muộn, lượng hormone được bài tiết sẽ giảm xuống, từ đó ảnh hưởng đến phát triển chiều cao. Bên cạnh đó, trẻ ngủ muộn sáng hôm sau sẽ dậy muộn, thời gian tiếp xúc với ánh nắng mặt trời buổi sớm sẽ ít, thậm chí là không có, do đó không thể hấp thu vitamin D đủ để chiều cao phát triển tốt hơn.
Ngoài ra trẻ ngủ muộn, ngủ không đủ giấc đồng nghĩa với thời gian thức quá dài, có thể khiến cơ thể chịu kích thích và sinh ra các phản ứng không tốt, đồng thời thận bài tiết ra lượng lớn adrenaline. Adrenaline là một hormone căng thẳng ức chế chức năng của tuyến yên, khiến tuyến yên giảm bài tiết hormone tăng trưởng, chiều cao của trẻ vì thế không được phát triển tốt.
Ngủ muộn ảnh hưởng đến sức đề kháng và tâm trạng của trẻ
Trẻ thức khuya, ngủ muộn trong thời gian dài sẽ rơi vào tình trạng thời gian ngủ ban đêm ít hơn ban ngày, mà môi trường ngủ vào ban ngày không yên tĩnh bằng ban đêm dẫn đến chất lượng giấc ngủ không tốt, sức đề kháng của bé vì thế mà yếu đi, bé dễ bị ốm, mắc bệnh. Ngoài ra trẻ ngủ không ngon giấc có thể ảnh hưởng đến tâm trạng, dễ dàng nóng giận. Các nhà khoa học đã chứng minh thiếu ngủ, thiếu vitamin D có liên quan tới chứng bệnh lo âu.
Trẻ ngủ muộn có hại cho sức khỏe tim mạch
Trẻ ngủ không đủ giấc sẽ khiến cơ thể chịu nhiều áp lực, thường xuyên mệt mỏi, dễ cáu kỉnh, nóng nảy, khó giữ bình tĩnh, thậm chí dễ bị kích động. Khi tâm trạng không tốt thì huyết áp, hơi thở và nhịp tim sẽ hoạt động nhanh hơn, thường xuyên rời vào trạng thái bị kích thích khiến trẻ dễ mắc bệnh tim mạch. Trẻ hình thành thói quen ngủ muộn từ nhỏ, các bệnh liên quan đến tim mạch có thể không phát tác ngay mà sẽ ẩn náu trong cơ thể đến khoảng 20-30 năm sau mới phát bệnh.