Không muốn mãi là “con búp bê bé nhỏ” của mẹ

Thanh Tâm
31/03/2021 - 11:44
Không muốn mãi là “con búp bê bé nhỏ” của mẹ

Ảnh minh hoạ

Đã 25 năm em nghe theo lời mẹ, từ việc chọn quần áo, ăn món gì đến học môn gì, thi trường nào... Nhưng kết quả thì sao? Dù em luôn cố gắng khẳng định bản thân, mẹ vẫn coi em là một đứa con nít...
Chị Thanh Tâm thân mến!

Lúc quyết định đặt bút viết thư cho chị, trong lòng em thật sự bối rối. Em không muốn một cuộc sống mãi làm "con búp bê bé nhỏ" để mẹ bảo làm gì, nói gì, mặc gì... cũng phải nghe theo. Đã 25 năm em nghe theo lời mẹ, từ việc chọn quần áo, ăn món gì đến học môn gì, thi trường nào... Nhưng kết quả thì sao? Dù em luôn cố gắng khẳng định bản thân, mẹ vẫn coi em là một đứa con nít. Em ra Hà Nội học, mẹ đòi thu dọn quần áo để lên kí túc xá ở cùng em. Em không chịu thì mẹ gọi điện cho thầy giáo bắt em phải khai báo mỗi lần ra ngoài, khiến bạn bè bàn tán.

Trước đó, em có quen 1 người bạn trai. Người ấy kém em 1 tuổi, đang học năm cuối trường ĐH Xây dựng. Lúc đó em đi làm được hơn 1 năm, công việc cũng khá ổn. Em đã cố giấu mẹ về người yêu, để khi nào bạn ấy tốt nghiệp, đi làm ổn định, em mới nói chuyện. Nhưng em không hiểu bằng cách nào, mẹ biết hết những lần hẹn hò của chúng em. Sau đó, mẹ đã hẹn riêng người yêu em, đề nghị anh ấy tự động rút lui.

Em biết mẹ rất thương em, từ cảm nhận và bài học cuộc đời của mẹ. Gia đình em, nhìn bên ngoài tưởng hạnh phúc, thực ra, mẹ chưa khi nào cảm thấy an yên. Từ khi sinh em ra, mẹ đã nghi ngờ bố ngoại tình. Bố yêu 1 cô kế toán trong công ty và cả 2 đã duy trì mối quan hệ ấy khá nhiều năm. Đến khi mẹ bắt quả tang, họ cũng đã có với nhau 1 đứa con. Vì quá đau khổ và hiếu thắng, muốn giữ bố lại để họ không bao giờ đến được với nhau, mẹ quyết không li hôn. Còn bố cũng vì sĩ diện và công việc, mà tiếp tục cuộc sống 2 bề như thế. Bên ngoài mẹ em tỏ ra mạnh mẽ nhưng thực ra, bà ấy vô cùng đau khổ. Dù em còn nhỏ nhưng chứng kiến cảnh mẹ trốn trong phòng khóc, em đã cảm nhận được nỗi đau của bà.

Không muốn mãi là “con búp bê bé nhỏ” của mẹ - Ảnh 1.

Không muốn mãi là “con búp bê bé nhỏ” của mẹ. Ảnh minh hoạ

Dù vậy, mẹ cũng không nên bóp nghẹt cuộc sống của em. Mẹ sợ em sẽ lại đau khổ như mẹ nên cố gắng đưa em vào quỹ đạo của sự an toàn. Nhưng việc mẹ kiểm soát từ chuyện học tập đến sở thích, từ bạn bè đến người yêu khiến em không còn là em nữa.

Chị biết không, mỗi cuối tuần em trở về nhà, bước vào ngôi nhà của chính mình mà em thấy như vào nhà giam. Em sợ mỗi lúc ngồi gần mẹ, sợ nghe mẹ hỏi thăm. Bởi lúc ấy, em phải giả bộ làm 1 đứa con gái ngoan, nếu không, mẹ lại khóc. Mẹ đặt camera ở trước cửa nhà, dù em nói chuyện hay gặp gỡ ai ở đó, vào nhà mẹ lại hỏi và điều tra. Vậy nên, có những lúc, chỉ là bạn bè bình thường đi chơi, em cũng chỉ để bạn đèo tới đầu ngõ, rồi tự đi bộ vào nhà. Nhiều khi em muốn thuê ai đấy đập tan cái camera ấy đi, cho mẹ đỡ soi xét nữa.

Mẹ muốn em lấy chồng gần nên giới thiệu cho em 1 đám. Ban đầu em phản đối nhưng ngày nào, tuần nào mẹ cũng nói, khiến em đau cả đầu. Em đồng ý gặp gỡ và rồi cũng có cảm tình. Nhưng người này lại là "gã Sở Khanh". Hôm 8/3 vừa rồi, anh ta hẹn hò đến 3 người. Nếu bạn em không chụp được ảnh, có lẽ em sẽ không tin. Buổi sáng anh ta tặng hoa cho em, buổi chiều và tối đã mang xe đến rước người khác đi chơi. Đến khi chia tay, mẹ vẫn nói đi nói lại chuyện này với cả trăm câu hỏi tại sao.

Chị ơi, em muốn thay đổi cuộc sống của mình. Chị có cách nào giúp mẹ và em hiểu nhau hơn, để em có thể được quyết định những chuyện của mình. Em muốn mẹ được hạnh phúc, được yên tâm và tin tưởng vào sự trưởng thành của em.

                                                                                                      Linh Linh (Bắc Ninh)

Cô gái thân mến!

Chị nghĩ cần một bác sỹ tâm lý để nói chuyện với 2 mẹ con. Cả 2 đang có khoảng cách lớn. Mẹ đã bị tổn thương khi còn trẻ. Vết thương này luôn khiến bà lo lắng và sợ hãi. Mẹ mong muốn 1 cuộc sống tốt đẹp hơn đến với em nhưng lại không biết cách thực hiện những điều này. Bác sỹ tâm lý sẽ giúp mẹ ổn định về tinh thần, cảnh báo những tác hại của việc mẹ bao bọc và kiểm soát em quá mức. Họ cũng giúp hai mẹ con biết cách thể hiện mong muốn và chính kiến mà không làm tổn thương đến người còn lại. Em đã luôn ghi nhớ mẹ yêu thương, lo lắng cho mình như thế nào. Em hãy thể hiện sự biết ơn đó nhưng kiên định với sự tự chủ trong cuộc sống của mình. Chị hi vọng hai mẹ con sẽ cảm thấy cuộc sống nhẹ nhàng hơn.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm