pnvnonline@phunuvietnam.vn
"Hôn nhân hai đầu" ở Trung Quốc
"Hôn nhân hai đầu" có nghĩa là sự bình đẳng về quyền lợi và trách nhiệm của cả hai vợ chồng là ngang nhau. Đây không phải là hình thức con gái được gả về nhà chồng hay con trai sang nhà vợ ở rể. Trong cuộc hôn nhân này, cả nam và nữ đều là con một trong gia đình. Sau khi cưới, chú rể và cô dâu không sống chung: Chồng vẫn sống với cha mẹ ruột và vợ cũng vậy. Các cặp này thường sẽ sinh 2 con. Đứa đầu tiên sẽ mang họ cha, chủ yếu do phía nhà trai nuôi nấng. Đứa thứ hai theo họ mẹ, do phía nhà gái nuôi. Bên trong các gia đình đặc biệt này, không có khái niệm "ông ngoại, bà ngoại". Con sẽ gọi người đẻ ra cha/mẹ mình là "ông nội, bà nội".
Trường hợp cụ thể nhất theo xu hướng hôn nhân này là cô Xiao Xi cùng chồng là Xiao Tranh đến từ thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang. Cả hai đều là con một và kết hôn năm 2016. Trước khi kết hôn, gia đình hai bên đều đồng ý rằng cưới xong, Xiao Xi vẫn có thể sống ở nhà cha mẹ ruột hoặc đến nhà cha mẹ chồng. Xiao Tranh cũng như vậy. Gia đình hai bên cũng thống nhất, cặp đôi này sẽ sinh tổng cộng 2 con với đứa đầu tiên theo họ cha và đứa thứ hai theo họ mẹ.
Một số chuyên gia cho rằng, hình thức hôn nhân mới góp phần khẳng định mối quan hệ công bằng hơn trong gia đình và tỷ lệ sinh sẽ cao hơn. Khi nam và nữ bình đẳng, ai cũng có cơ hội được gần gũi, báo hiếu bố mẹ mình. Vì thế, đây có thể là xu hướng tương lai của hôn nhân ở Trung Quốc. Do nhà nào cũng chỉ có một con nên sau khi cưới, con vẫn ở cùng bố mẹ là niềm hạnh phúc cho nhiều gia đình. Mô hình "hôn nhân hai đầu" cũng góp phần loại bỏ khái niệm "độc thân" và "kết hôn" được định hình từ xa xưa. Loại mô hình này có thể khẳng định sự tự do cá nhân và hạn chế việc ly hôn do mâu thuẫn gia đình, chuyện mẹ chồng - nàng dâu.
So với những quan niệm truyền thống, người phụ nữ dường như có nhiều lợi thế hơn nhưng trách nhiệm cũng tăng lên. Là con một, người phụ nữ phải một mình gánh nghĩa vụ phụng dưỡng cha mẹ, tránh phụ thuộc vào người đàn ông. Người mẹ cũng cần nỗ lực duy trì giao tiếp tình cảm giữa hai đứa trẻ mang họ khác nhau. Về phía người chồng, họ phải đảm nhiệm nhiều hơn các trách nhiệm của người phụ nữ trong gia đình khi chăm sóc bố mẹ và con.
Theo báo China Women’s News, nhiều cặp vợ chồng chọn sống theo phong cách này là những người con một. Khi kết hôn, các cặp đôi không cần phải mua nhà riêng. Trong nhiều trường hợp, họ cũng từ bỏ của hồi môn, một tập tục tồn tại ở vùng nông thôn Trung Quốc. Điều này làm giảm gánh nặng cho cả hai bên và khuyến khích thêm nhiều cặp đôi có 2 con.
Còn theo bà Yang Huili, Phó Giám đốc của Tổ chức Hôn nhân và Ủy ban chuyên môn gia đình của Đoàn luật sư tỉnh Chiết Giang, những người con một quen sống đầy đủ, được chiều chuộng. Nếu tách rời họ với bố mẹ, các cặp đôi rất vất vả để sống tự lập. Vì vậy, họ chọn cách sống "hôn nhân hai đầu" và "bám" vào gia đình cha mẹ ruột. Các cặp đôi trẻ quá bận rộn, không có thời gian chăm sóc con cái và cân bằng công việc-gia đình nên họ dựa vào sự giúp đỡ của cha mẹ.
Tuy nhiên, tính toàn vẹn của các gia đình hạt nhân và sự riêng tư của các cặp đôi sẽ bị ảnh hưởng. Vợ chồng sẽ xảy ra nhiều mâu thuẫn về việc làm thế nào để phân bố thời gian đồng đều cho hai bên gia đình. Trên hết là tình cảm của bố mẹ với con cái sẽ không đồng đều. Có nhiều trường hợp, bố hoặc mẹ sẽ yêu thương đứa con mình nuôi hơn đứa con còn lại do nhà bên kia nuôi.