Không nên sao chép một 'thung lũng Silicon' tại Việt Nam

11/09/2018 - 16:33
Đó là lời nhấn mạnh của ông Lê Hồng Minh - Chủ tịch VNG - tại Diễn đàn mở về khởi nghiệp và sáng tạo “ASEAN 4.0 cho tất cả” thuộc Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN 2018 (WEF ASEAN 2018), diễn ra ở Hà Nội ngày 11/9.
Phát huy tinh thần sáng tạo, tránh sao chép mô hình kinh doanh
 
dien-gia.jpg
Các diễn giả tham dự Diễn đàn mở về khởi nghiệp và sáng tạo “ASEAN 4.0 cho tất cả”

 

Theo Báo cáo của Google, Đông Nam Á hiện được đánh giá là đang dần trở thành “thung lũng Silicon thứ 2” của thế giới với 7,86 tỷ USD đầu tư vào startup (khởi nghiệp) trong năm 2017, trong đó nổi bật 3 lĩnh vực là fintech (công nghệ tài chính), thương mại điện tử và sản xuất trò chơi. Nền kinh tế Internet của Đông Nam Á đã đạt giá trị 50 tỷ USD trong năm 2017 và dự báo sẽ tăng lên 200 tỷ USD vào năm 2025.
 
le-hong-minh.jpg
Ông Lê Hồng Minh - Chủ tịch VNG

 

Với câu hỏi “Liệu có một "thung lũng Silicon" tại Việt Nam?”, ông Lê Hồng Minh cho biết, trong kinh doanh, phương thức thông thường đa số sẽ là nghiên cứu mô hình đi trước và làm theo. Thế nhưng, không thể học tập hay sao chép nguyên bản vì Việt Nam cần thúc đẩy sáng tạo. “Cả thế giới hiện đang trở thành một thung lũng sáng tạo. Khó khăn ở đây là cần vượt qua những khó khăn thực tế tại từng quốc gia”, ông Minh nhấn mạnh. Theo ông Lê Hồng Minh, tiếp cận cái mới là điều mà giới trẻ cần phải chú trọng.
 
Đồng quan điểm, bà Yasmin Mahmood - Giám đốc điều hành tập đoàn kinh tế số MBIC (Malaysia) - cho rằng, không nên sao chép một thung lũng Silicon tại Việt Nam hay châu Á. Theo bà Yasmin, châu Á sẽ chiến thắng trong cuộc đua sáng tạo nếu tính theo tính bao trùm và hoà nhập. Tại thung lũng Silicon ở Mỹ, có những doanh nghiệp hàng tỷ USD nhưng vào vùng trũng thì có những nơi chênh lệch lớn hơn nhiều. Do đó, sự hoà nhập là không có.
 
yasmin-mahmood.jpg
Bà Yasmin Mahmood - Giám đốc điều hành tập đoàn kinh tế số MBIC (Malaysia)

 

Cũng tại phiên thảo luận, nữ giáo sư của Trường Đại học Quản lý Singapore Annie Koh cho rằng số phận của ASEAN nằm trong tay thanh niên ASEAN và việc nắm bắt được CMCN 4.0. Theo giáo sư Annie Koh, ASEAN cần nắm chắc được 4 chữ I, trong đó có Identity (Bản sắc), Innovation (Sáng kiến về tiến bộ về công nghệ), Inclusive (Bao trùm - Nhấn mạnh tới việc sử dụng công nghệ để lấp đầy khoảng cách số) và Intergration (Hội nhập). “Nếu chúng ta có đủ 4 chữ I này, ASEAN có thể sẵn sàng đi về tương lai”, bà Annie Koh nhấn mạnh.

Thúc đẩy khởi nghiệp
 
Vị CEO trẻ của VNG, đại diện cho doanh nghiệp khởi nghiệp của Việt Nam chỉ ra rằng, 5 năm gần đây, lĩnh vực từng được xem rất “hot” như truyền thông kỹ thuật số đã nhanh chóng bị “soán ngôi” khi trí tuệ nhân tạo của Google ngày càng mạnh mẽ. 
 
Cùng với đó, muốn thúc đẩy khởi nghiệp phải xây dựng hệ sinh thái tương đối tự do, thoát khỏi những thành kiến về văn hóa hay cách thức vận hành kinh doanh. Cần biết thúc đẩy thành công, tham gia các dự án mạo hiểm mới và đối thoại hỗ trợ giữa các bên liên quan đến khởi nghiệp…
 
dien-gia-4.jpg
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh (thứ 2, từ trái sang) chụp ảnh selfie kỷ niệm cùng các diễn giả

 

Ông Rajan Anandan - Giám đốc điều hành khu vực Đông Nam Á và Ấn Độ của Công ty Google Ấn Độ - nhấn mạnh, tiềm năng của ASEAN ở vai trò và vị thế của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Google đã cam kết đào tạo 3 triệu chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ASEAN để đảm bảo nền kinh tế số, thực sự khai thác được tốt nhất CMCN 4.0 và doanh nghiệp vừa và nhỏ là xương sống của nền kinh tế ASEAN.

Tại Diễn đàn, Bộ trưởng Thanh niên và Thể thao của Malaysia Syed Saddiq Syed Abdul Rahman cho rằng người trẻ cần tìm ra được đam mê, tìm ra những biện pháp khác thường để đạt được kết quả khác thường. "Người trẻ cần theo đuổi đam mê, khai thác được tiềm năng của mình thì sẽ làm được những điều kỳ diệu”, ông Syed Saddiq Syed Abdul Rahman nói.
 
syed-saddiq-syed-abdul-rahman.png
Bộ trưởng Thanh niên và Thể thao của Malaysia Syed Saddiq Syed Abdul Rahman

 

Ông Syed Saddiq Syed Abdul Rahman cho rằng, CMCN 4.0 tạo ra rất nhiều cơ hội cho thế hệ trẻ, đặc biệt là khi có một nền giáo dục tốt. Thời gian đào tạo sẽ nhiều hơn nhưng chi phí có thể rẻ đi vì đã được số hóa. Vì thế, mọi người chỉ tập trung vào những gì cần học để phát triển bản thân.
 
Cơ hội việc làm với giới trẻ
 
ASEAN là khu vực có dân số trẻ và đang có mức tăng trưởng nhanh chóng với 11 nghìn lao động mới mỗi ngày. Con số này sẽ tăng hơn nữa trong 15 năm tới.
 
Trong khuôn khổ WEF ASEAN 2018, ông Justin Wood - Giám đốc chiến lược khu vực châu Á - Thái Bình Dương, thành viên Ban lãnh đạo WEF và ông Santitarn Sathiratha - Trưởng nhóm chuyên gia kinh tế Tập đoàn SEA (Singapore) đã thông báo kết quả cuộc khảo sát về ảnh hưởng của công nghệ với việc làm đối với giới trẻ ASEAN. Theo khảo sát, giới trẻ ASEAN rất lạc quan về tác động của công nghệ tới khả năng tìm kiếm việc làm và cải thiện thu nhập. 52% trong số những người dưới độ tuổi 35 tại Đông Nam Á tin rằng công nghệ sẽ mở ra cơ hội việc làm mới; 67% tin rằng công nghệ sẽ giúp họ cải thiện thu nhập.
 
viec-lam-gioi-tre.jpg
Ông Santitarn Sathirathai, Trưởng nhóm chuyên gia kinh tế Tập đoàn SEA, Singapore (giữa) và ông Justin Wood, Giám đốc Khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Diễn đàn Kinh tế thế giới (trái) trao đổi với báo giới

 

Trong tổng số khoảng 64 nghìn công dân ASEAN tham gia thực hiện khảo sát, Việt Nam có khoảng 11 nghìn thanh niên, tương đương về số lượng người tham gia đến từ các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á. Về tương quan năng lực cạnh tranh, ông Justin Wood cho rằng Việt Nam có thế mạnh và nhiều cơ hội tốt, có số lượng dân số tương đối lớn muốn trở thành doanh nhân.
 
Đa số các doanh nhân Việt được khảo sát cũng chia sẻ, sự phát triển công nghệ có tiềm năng hỗ trợ cho doanh nghiệp của họ nhiều hơn là tạo ra những rào cản.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm