pnvnonline@phunuvietnam.vn
Không phải tiền của, đây mới là "món hồi môn" tốt nhất dành cho con gái
Là một người mẹ, ai cũng muốn mang đến cho con những điều tốt đẹp nhất. Nhưng trên thực tế, điều một cô gái cần nhất không phải là một tình yêu nặng nề dưới danh nghĩa "sự hy sinh" mà gói gọn trong hai chữ: Tự do.
Bi kịch từ một bà mẹ "dây leo"
Từng có một thảm kịch xảy ra vào năm 2009. Vào ngày 26 tháng 11 năm đó, Dương Nguyên Nguyên, một nữ sinh viên Đại học Hàng hải Thượng Hải (Trung Quốc), đã được tìm thấy tự tử trong ký túc xá. Lý do đằng sau hành động này là gì?
Trong kỳ thi tuyển sinh đại học, Dương Nguyên Nguyên vốn yêu thích ngành Luật, muốn ghi danh vào Đại học Hàng hải Đại Liên, nhưng người mẹ nhất định ép buộc con đến Đại học Vũ Hán gần nhà với lý do "đường xá xa xôi và chi phí cao". Năm thứ ba Dương Nguyên Nguyên vào đại học, vì chút vấn đề về chỗ ở, bà mẹ chuyển hẳn đến ở với con, bắt đầu những ngày tháng kìm kẹp khiến cô gái mệt mỏi.
Sau khi tốt nghiệp, Dương Nguyên Nguyên cũng đã có hai cơ hội để "thoát" khỏi mẹ: Lần 1 là khi cô thi đậu nghiên cứu sinh ngành Luật Đại học Bắc Kinh, nhưng bởi vì không có tiền đóng học phí, cô đành bỏ cuộc; Lần 2, cô nhận được thông báo phỏng vấn của Đại học Tây Bắc, nhưng mẹ cô lại lấy lý do cách nhà quá xa, bắt con gái từ chối. Nguyên Nguyên vì thế lại tiếp tục ở trong phòng cho thuê với mẹ, ban ngày đi làm, buổi tối giúp mẹ bày sạp bán hàng.
Cho đến năm 30 tuổi, Dương Nguyên Nguyên lại thi đậu bậc sau đại học tại Đại học Hàng hải Thượng Hải. Người mẹ vẫn không chịu rời xa, theo con gái đến nơi mới, một lần nữa ở trong ký túc xá của con mình.
Bạn cùng phòng cô không chịu nổi, liền phản đối lên ban giám hiệu, bà mẹ bị yêu cầu rời đi. Không còn cách nào khác, Dương Nguyên Nguyên chỉ có thể bôn ba khắp nơi, tìm nhà cho mẹ.
Trải qua những ngày tháng thiếu tự do, Dương Nguyên Nguyên mệt mỏi cả thể xác lẫn tinh thần. Cô trở lại ký túc xá, sáng sớm hôm sau cứ thế lặng lẽ ra đi không lời từ biệt.
Mặt trái của sự "thờ ơ"
Có một kiểu phụ huynh giống như một cây dây leo, quấn chặt lấy con gái mình cho đến khi đối phương tàn lụi về tinh thần hoặc suy nhược về thể xác.
Trong cuốn "Nuôi dạy con gái" của Steve Bidalf có một đoạn văn như thế này: "Chúng tôi đã học được từ khoa học thần kinh rằng bộ não con người chấp nhận cách người khác cư xử thông qua 'tế bào thần kinh phản chiếu'".
Các tế bào thần kinh phản chiếu (mirror neurons) được kích hoạt khi chúng ta quan sát ai đó thực hiện một hành động và mong muốn bắt chước những gì đã thấy. Tế bào thần kinh phản chiếu này có liên kết với hệ cảm giác thân thể nêu trên và vỏ não vận động (motor cortex). Nhờ vậy, các tế bào thần kinh này tái tạo lại trải nghiệm bạn đã thấy trong tâm trí, đem lại cảm giác như thể bạn đang thực hiện hoặc trải qua hành động ấy.
Đây là sức mạnh của tấm gương.
Vì vậy, là một người mẹ, là hình ảnh phụ nữ đầu tiên trong cuộc sống của con gái, chúng ta nên nêu gương những gì? Trả lời câu hỏi này, một gia đình mà tạp chí danh tiếng People từng phỏng vấn đưa ra câu trả lời khác nhau.
Có lẽ trong mắt nhiều người, bà mẹ tên Hồ Vĩnh Bình là một người "không đáng tin cậy": Cuộc sống hôn nhân không hòa thuận, ly dị; Dù đã đến tuổi trung niên nhưng đam mê lặn biển, nhảy dù, chơi xe máy...
Với cô con gái tên Hàn Thư Kỳ, bà mẹ cũng không phải là kiểu người mẹ theo nghĩa truyền thống: Cô cho phép con gái yêu sớm, có thể tùy ý quyết định kiểu tóc của mình, gọi thẳng tên mẹ... Những gì cô đã cho con gái mình là đủ tự do và dân chủ.
Nhưng đồng thời, cô cũng là một người mẹ bất cẩn, tùy tiện: Cô sẽ không chăm sóc chu đáo chế độ ăn uống và sinh hoạt của con gái mình; Con gái tốt nghiệp trung học, sau đó đi du học Anh, khi con gái nói không cần đưa đi, bà mẹ liền thật sự cùng bạn bè đi off-road (hoạt động lái xe trên những con đường không có bề mặt bằng phẳng).
Thái độ "thờ ơ" này có vẻ đáng lên án nhưng lại mặt khác, nuôi dưỡng sự độc lập, có chủ kiến, trái tim mạnh mẽ của con gái. Không chỉ vậy, còn "gặt hái" được một mối quan hệ mẹ con vô cùng thân thiết.
Không có cống hiến và hy sinh, cũng không có khống chế và trói buộc, ngày nay, cặp vợ chồng 48 tuổi và con gái 24 tuổi vẫn sống một cuộc sống thoải mái "không ai quan tâm đến ai".
Đặc điểm lớn nhất trong cách nuôi dạy con gái của Hồ Vĩnh Bình chính là hai chữ: Tự do. Tự do là chính mình, cũng cho phép con gái của họ phát triển tự do.
Cho dù đã làm mẹ, rất mực quan tâm con, nhưng cũng không vì con cái mà hy sinh, tự tay mang cho mình gánh nặng vô hình. Thay vào đó, nên sống với một tâm thế thoải mái hơn, có trách nhiệm nêu gương cho con. Tự tin, mạnh mẽ, độc lập là những phẩm chất tuyệt vời người mẹ nên lặng lẽ "truyền lại" cho con gái mình.
Câu chuyện "đầu cá" và một góc nhìn khác
Tất cả chúng ta hẳn đều nghe một câu chuyện được lưu hành rộng rãi:
Mỗi lần làm cá ở nhà, người mẹ sẽ để thịt cá cho con ăn, nói rằng mình chỉ thích ăn đầu cá. Theo thời gian, đứa trẻ tin rằng đó là sự thật. Cho đến trước khi qua đời, người mẹ ăn đầu cá cả đời này tâm sự với con mình: "Thật ra, mẹ vốn không thích ăn đầu cá, mẹ nói như vậy đều là vì muốn nhường cho con".
Khi còn nhỏ, hẳn ai nấy đều rất xúc động trước sự hy sinh của người mẹ này. Nhưng sau khi lớn lên nhiều người lại nhìn nhận câu chuyện với nhiều góc khác nhau: "Vì con" mà để mẹ hy sinh nhu cầu của mình, cũng khiến đứa trẻ từ nay về sau mang theo tội lỗi nặng nề.
Mặc dù ngày nay, hầu hết các bà mẹ không còn nói dối về một con cá, nhưng những điều tương tự như vậy thì rất thường xuyên xảy ra: "Nếu không phải vì con, ba mẹ đã ly hôn từ lâu rồi"; "Lúc trước nếu không sinh con, cuộc sống cũng sẽ không vất vả như vậy"; "Vì con, mẹ mới từ bỏ ước mơ"; "Mẹ dừng mọi việc đang làm để giúp con. Mẹ chưa bao giờ mua thứ gì cho bản thân để các con có thứ mình muốn"...
Sự ca ngợi thái quá hành động đặt nhu cầu của chồng con lên hàng đầu vô tình khắc sâu định kiến "một người mẹ tốt là phải hy sinh tất cả vì con". Không dám ly hôn, không dám nghỉ ngơi, không dám có suy nghĩ của riêng mình... Tuy nhiên, sự tự trói buộc này có thực sự tốt cho trẻ em?
Không thờ ơ với con, không vô trách nhiệm với gia đình, quan tâm con nhưng bỏ bê những mong muốn và nhu cầu bản thân vì con sẽ khiến phụ nữ căng thẳng, kiệt sức và bực bội. Và, một người mẹ mệt mỏi bởi cảm giác hy sinh và chỉ hy sinh, tất yếu sẽ mang lại cho đứa trẻ một năng lượng tiêu cực. Nhiều trường hợp làm cho đứa trẻ cảm thấy tự trách mình, thấy tội lỗi, thực sự phá hủy tính cách của một cô gái.
"Việc vẽ một bà mẹ như một kiểu siêu nhân không mệt mỏi, vị tha không tốt cho bất kỳ ai, ít nhất là con cái chúng ta. Tôi không muốn các con coi tôi như một liệt sĩ hy sinh quên mình. Tôi muốn chúng biết tôi yêu chúng bằng cả trái tim. Con cần biết chúng là một phần của gia đình, cũng như cộng đồng, có nghĩa không phải lúc nào nhu cầu của chúng cũng được đặt lên hàng đầu", nhà văn Christine Organ từng viết.
Hãy dành thời gian cho bản thân, yêu thương mình nhiều hơn để hạnh phúc. Các con và chồng sẽ vui vẻ hơn khi vợ, mẹ hạnh phúc. Khi ưu tiên những điều mang lại hạnh phúc cho chính mình, ngay cả khi đã có con, bạn cũng đồng thời nhắn gửi thông điệp đến con mình: "Con hoàn toàn có thể trở thành một người mẹ, con gái, chị gái, vợ/chồng, nhân viên, người quản lý, bạn bè tuyệt vời nếu biết ưu tiên sức khỏe thể chất, tinh thần của mình".
Người mẹ càng tự do, con gái càng được tự do. Hãy để con gái của bạn được tự do lựa chọn cuộc sống mà con mong muốn. Đây chính là món quà và là của "hồi môn" tốt nhất sau này mà một người mẹ có thể dành tặng cho con gái của mình.