Không uống đủ nước, người cao tuổi dễ tử vong khi nắng nóng

03/06/2016 - 07:16
Theo TS Trần Viết Lực, Trưởng khoa Khám bệnh, BV Lão khoa TƯ, ở người già cảm giác khát thường không rõ rệt, ngay cả khi bị mất nước vẫn không có cảm giác khát. Trong khi nắng nóng dễ khiến cơ thể mất nước, nếu không bù nước sẽ dẫn đến tụt huyết áp.
TS Trần Viết Lực cảnh báo, thực tế khám bệnh nhiều năm qua cho thấy, cứ sau mỗi đợt nắng nóng kéo dài, số người cao tuổi nhập viện lại tăng vọt.
Nếu bình thường mỗi ngày BV tiếp nhận khoảng 300 bệnh nhân đến khám thì sau mỗi đợt nắng nóng, số người bệnh có thể tăng khoảng 20-30% so với bình thường. Vào lúc cao điểm mùa nắng nóng, phòng cấp cứu luôn chật kín bệnh nhân, với khoảng 20-30 ca cấp cứu mỗi ngày. Các bệnh mà người già thường mắc và phải cấp cứu là tai biến mạch máu não, suy hô hấp, huyết áp cao, sốc nhiệt (say nắng)…
Hầu hết bệnh người cao tuổi hay gặp khi trời nắng nóng là do rối loạn nước và điện giải. Bởi khi nhiệt độ môi trường cao sẽ khiến cơ thể đổ mồ hôi nhiều, dẫn đến tình trạng mất nước và mất muối rất nhiều. Người già lại có đặc điểm là cảm giác khát không rõ rệt, ngay cả khi bị mất nước thì cảm giác khát vẫn không rõ, chính vì vậy họ dễ 'quên' uống nước.
img_7949.JPG
Sau đợt nắng nóng, số người già đi khám và điều trị thường tăng vọt
Nếu mất nước nặng thì có thể gây các triệu chứng chóng mặt, mệt mỏi, yếu sức, nhức đầu, khô miệng, sốt nóng, tim đập nhanh, ăn mất ngon, mờ mắt, nghe kém, hạ huyết áp... Nếu nặng hơn nữa có thể hôn mê, suy thận, mất trí thậm chí tử vong…
Đặc biệt, song hành với mất nước và điện giải là các bệnh tim mạch. Rất nhiều các bệnh lý về huyết áp, tim mạch vốn tiềm tàng sẽ bộc phát, hoặc sẽ nặng lên rất nhiều, thậm chí dẫn đến đột quỵ, tổn thương não.
Một căn bệnh khác người già hay mắc phải sau mỗi đợt nắng nóng là viêm phổi. Thông thường, mọi người nghĩ rằng trời lạnh thì mới viêm phổi song thực chất căn bệnh này là hậu quả của sự chênh lệch nhiệt độ. Nhất là trong trường hợp gia đình có sử dụng máy điều hòa nhiệt độ, khi nhiệt độ ngoài trời có khi lên đến 40 độ nhưng trong nhà lại để nhiệt độ chừng 20 độ, khi di chuyển từ trong nhà ra ngoài, hoặc đang ở ngoài nóng mà vào trong nhà sẽ dẫn đến tổn thương hô hấp đặc biệt là viêm phổi.
TS Nguyễn Viết Lực khuyến cáo, để phòng ngừa các bệnh dễ mắc phải hoặc tăng nặng khi trời nắng nóng, người cao tuổi cần hạn chế ra ngoài khi nhiệt độ ngoài trời lên quá cao. Nếu buộc phải đi ra ngoài thì cần chú ý che kín cơ thể để hạn chế mất nước, mất muối. Đặc biệt phải che kín vùng gáy, vì đây là khu vực tập trung nhiều dây thần kinh chỉ huy về hô hấp và tim mạch. Khi bị nhiệt độ chiếu cường độ cao sẽ gây rối loạn chức năng, dẫn đến tình trạng rối loạn về hô hấp, tim mạch, và tình trạng trụy tim mạch mà dân gian vẫn gọi là say nắng.
Bên cạnh đó, người cao tuổi cần chú ý bù nước ngay cả khi không có cảm giác khát. Trung bình, mỗi người cần cung cấp cho cơ thể tổng lượng nước qua đường uống, nước canh, hoa quả… tối thiểu 2-2,5 lít. Nếu cha mẹ hay 'quên', con cháu nên nhắc bố mẹ uống nước thường xuyên. Còn nếu thường xuyên ở môi trường nóng, đổ mồ hôi nhiều thì cần uống 3 lít. Đồng thời với bù nước còn cần bù điện giải cho cơ thể bằng việc uống oresol, nhưng chú ý pha theo liều lượng được hướng dẫn.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm