Ở đây, các em học sinh cần lưu ý sự khác biệt giữa các chương đào tạo nghề. Có những khóa dạy nghề ngắn, vài tuần chỉ giúp các em làm được một vài kỹ năng nào đó. Đôi khi nghĩ rằng học nhanh để có thể kiếm tiền được ngay nhưng điều này khó thể gọi là sự trang bị nghề nghiệp vững chắc.
Ở những khóa học dài hơn, ví dụ chương trình học ở trình độ sơ cấp kéo dài từ 3 đến 6 tháng, sẽ cung cấp được những kỹ năng của nghề ở mức hoàn chỉnh hơn. Dù vậy, những kiến thức mang tính nền tảng, rộng hơn để hỗ trợ cho kỹ năng nghề thì với thời gian đó vẫn chưa được cung cấp đầy đủ.
TS Nguyễn Hùng Cường, Hiệu trưởng trường Trung Cấp Lê Thị Riêng (thuộc Trung ương Hội LHPN Việt Nam đóng trên địa bàn TPHCM), chia sẻ: Nếu học sinh lựa chọn học nghề ở trình độ trung cấp kéo dài từ 1 năm rưỡi đến 2 năm, bên cạnh được đào tạo trình độ nghề sâu hơn, học sinh còn được học kiến thức, kỹ năng mềm liên quan đến nghề mình chọn, làm cơ sở để định hướng rõ ràng hơn cho tương lai. Ngoài ra, các em còn có thể lựa chọn học nghề song song với học văn hóa trong cùng khóa học.
Vì lý do nào đó, các em học sinh xác định không theo nổi chương trình phổ thông ở bậc cao hơn thì việc rẽ sang học nghề là một lựa chọn hợp lý. Việc có được một nghề phù hợp với năng lực, sở trường của mình sẽ có nhiều thuận lợi cho cuộc sống hơn là cố theo đuổi cấp học cao hơn để rồi bỏ cuộc giữa chừng, vừa tốn tiền và cũng ảnh hưởng đến tâm lý phấn đấu trong tương lai.
“Nếu các em học nghề sớm sẽ sớm tham gia vào thị trường lao động, kinh nghiệm nghề nhiều hơn, khả năng tạo được thu nhập ổn định trong tương lai nhờ vào kinh nghiệm cũng sẽ cao hơn. Hơn nữa, trong nghị định 86/2015/NĐCP liên quan đến việc miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015-1016 đến năm học 2020-2021, đối tượng học sinh tốt nghiệp THCS không học tiếp lên lớp 10 sẽ được miễn phí học nghề hoàn toàn”, TS Nguyễn Hùng Cường tư vấn.
TS Nguyễn Hùng Cường tư vấn về việc lựa chọn khóa học nghề:
Một phụ huynh ở Q.5 TPHCM từng chia sẻ, vì quá lo cho tương lai của con cùng với tâm lý trọng bằng cấp ở xã hội mình mà sau khi con trượt lớp 10 đã phải chật vật để cho con vào học tư thục. Nhưng sức học của con thì khá yếu, cùng với tình trạng “đuối” về kinh tế của gia đình khiến em đành phải bỏ dở việc học vào giữa năm lớp 11. Gia đình cũng khá xáo trộn. Do đó bên cạnh những kỹ năng hướng nghiệp từ nhà trường thì việc hỗ trợ, lựa chọn hướng đi từ gia đình hết sức cần thiết. Phần lớn ở Việt Nam, lứa tuổi học sinh phụ thuộc vào sự quyết định của gia đình. Trong khi đó, các bậc phụ huynh hiện vẫn đưa ra sự lựa chọn dựa trên cảm tính, ý thích của mình mà ít để ý tới yếu tố khả năng, sở trường của con cái.
Thực tế không thiếu những cá nhân thành đạt từ trình độ, kỹ năng nghề nghiệp chuyên sâu mà không phải từ bằng cấp học văn hóa. Nghệ nhân Hùng Quách, người đã từng có xuất phát điểm học vấn không cao, cũng từng hoang mang trước tương lai ở tuổi thiếu niên nhưng rồi với lòng quyết tâm, niềm đam mê tột độ với nghệ thuật trang trí bánh kem, anh đã giành được nhiều giải thưởng quốc tế, trở thành nghệ nhân nổi tiếng trong làng nghề. Với kinh nghiệm của mình, anh chia sẻ “Các em nên học nghề theo sở thích chứ không nên theo sự sắp đặt, ép buộc. Hãy nỗ lực, kiên trì, trau dồi kiến thức, theo đuổi niềm đam mê của mình, thành công chắc chắn sẽ đến”
Học sinh Nguyễn Hân, trường Trung cấp Lê Thị Riêng, chia sẻ về việc lựa chọn học nghề: