Kịch bản “Monta trong dải ngân hà kỳ cục” được viết trong 2 tháng bởi 4 thành viên của nhóm The Whale Hunters. Trong 2 tháng, tuần nào cả nhóm cũng duy trì lịch gặp 3-4 buổi để cho ra ý tưởng tham dự vòng I, rồi phát triển thành trailer 1 phút kèm đề cương 20 tập phim của vòng II. Bên cạnh giải thưởng 1 tỷ đồng, nhóm rút ra nhiều bài học ý nghĩa trong quá trình dự thi.
Bản sắc Việt không chỉ là đồng quê
Câu chuyện kể về chú voọc Monta háu ăn, vì nghịch ngợm ăn vụng nên làm thức ăn rơi vãi, vô tình tạo ra nhiều hành tinh kỳ lạ. Hình phạt của cậu là phải đến từng hành tinh để giải quyết những vấn đề ở đó. Mỗi vấn đề đều được xây dựng thành tình huống hài hước và phù hợp với trẻ nhỏ.
Lồng ghép trong chuyến phiêu lưu của Monta là những yếu tố lịch sử, các tích truyện cổ của Việt Nam. Trong đó, đoạn Monta trở về thời nhà Nguyễn được xem là một trong những phân cảnh ấn tượng nhất.
Theo nhóm sản xuất, để chú voọc Monta và những người bạn trở thành một tác phẩm hoạt hình dành cho thế hệ mới với câu chuyện của thời đại, tính quốc tế nên được đặt lên trước. Bên cạnh đó, yếu tố Việt Nam vẫn phải được đan cài trong câu chuyện như một nền tảng văn hóa vững chắc.
Đại diện The Whale Hunters cho biết: “Nhắc đến yếu tố dân tộc, mọi người thường đưa đồng quê, con dế, ao sen để thể hiện đó là Việt Nam. Nhưng chúng tôi muốn làm ra những bộ phim mà khán giả nhí xem và thích, rồi muốn xem hoài, xem mãi. Mỗi khán giả sẽ hiểu thông điệp bộ phim theo từng tầng nghĩa khác nhau”.
“Nếu nhất quyết tìm ra một thông điệp đạo đức trong Monta trong dải ngân hà kỳ cục thì đó là tình bạn, tình đồng đội. Ý tưởng này được thể hiện một cách phóng khoáng, tự nhiên và hào sảng, chứ không rao giảng bằng những tình tiết, lời thoại cứng nhắc”, đại diện này nói thêm.
Đạo diễn Nguyễn Phi Phi Anh, Giám đốc VinTaTa - đơn vị tổ chức cuộc thi, nhận xét về sản phẩm của The Whale Hunters: “Nhân vật Monta trong sáng, thông minh và tốt bụng nhưng không tạo cảm giác nhàm chán và giáo điều. Để làm được điều đó, chính những người sáng tạo phải giải thoát mình đầu tiên”.
Sáng tạo cần tính khả thi
Sau vòng I của “Tác giả lừng danh”, The Whale Hunters phải đối diện với khá nhiều áp lực, khi họ nhận ra ý tưởng ban đầu của mình quá phức tạp nếu muốn dựng thành phim hoạt hình. Do chưa từng tham gia sản xuất phim hoạt hình dài hơi, nhóm không lường trước lượng nhân lực hay thời gian cần có để biến ý tưởng thành hiện thực. Chính vì vậy, nhóm phải rút gọn ý tưởng để việc sản xuất trở nên khả thi.
Trước thử thách này, 4 thành viên nhận ra rằng sáng tạo cũng phải hiểu biết và thực tế. Nhóm đã xây dựng rất tốt ý tưởng kịch bản cho vòng II với đề cương 20 tập phim, trailer 1 phút và bản thuyết trình ý tưởng chi tiết hơn.
Quá trình làm việc với đạo diễn Phan Đăng Di cũng giúp The Whale Hunters học hỏi nhiều điều mới. Lời khuyên của đạo diễn “Cha, con và…” đã giúp ý tưởng về sau của nhóm tiến bộ hơn.
Hoàng Vũ - trưởng nhóm The Whale Hunters, cho biết một số nhóm dự thi khác không đăng ký cố vấn vì muốn bám sát ý tưởng ban đầu. Nhưng với The Whale Hunters, thành công đến từ việc mỗi người chịu hạ bớt cái tôi để hòa chung với tập thể và lắng nghe ý kiến của người cố vấn giàu kinh nghiệm.
Sau cuộc thi, ý tưởng kịch bản “Monta trong dải ngân hà kỳ cục” sẽ được VinTaTa đưa vào sản xuất và ra mắt công chúng trong năm nay.
The Whale Hunters là nhóm nghệ sĩ trẻ gồm 4 thành viên làm trong ngành nghệ thuật và quảng cáo, có thành tích cao ở nhiều cuộc thi sáng tạo. Trong đó, Nguyễn Hoàng Vũ từng lọt Top 5 Vietnam’s Hottest Creatives và giành giải Bạc Vietnam Young Lions 2017…
Lương Võ Thành Luân là đại biểu Việt Nam tham dự chương trình Giao lưu thanh niên, sinh viên Nhật Bản - Đông Nam Á 2013, đại biểu Việt Nam tham gia Tàu Thanh niên Đông Nam Á - Nhật Bản 2014, từng giành giải Bạc Vietnam Young Lions 2017.
Sỳ Hữu Vinh đạt giải Vàng Vietnam Young Lions 2017. Thành viên cuối cùng là Dương Minh Lộc, tác giả phim hoạt hình ngắn Năm điều phạt (2011), Fly Butterfly (2015), Điệp vụ Tê giác (2016) và Rain (2016); từng đạt giải khuyến khích cuộc thi Cảm quan Việt Nam 2016.