pnvnonline@phunuvietnam.vn
Kiếm 10 triệu đồng/tháng đã không còn dễ như xưa
"Hồi thu nhập 10 triệu/tháng cũng đã cảm thấy khó sống ở Hà Nội rồi. Bây giờ, tiền thì ngày càng khó kiếm mà chi tiêu lại nhiều. Đôi khi mình cũng thấy áp lực và chênh vênh", Thùy Dương (23 tuổi, Hà Nội, nhân viên tài chính) thở dài.
Còn với Minh Huy (24 tuổi, Phú Thọ), tuy thu nhập không phải là con số quá hạn chế, nhưng Huy cũng đang bắt đầu cảm nhận được tình trạng siết lương. 2 tháng vừa qua, mức lương của Huy đã giảm một phần đáng kể so với trước đây: "Làm nghề sale nên lương cứng của mình khá thấp. Chỉ vỏn vẹn 4 triệu đồng/tháng. Nhưng mình chỉ quan tâm đến tiền hoa hồng, đây là nguồn thu nhập chính. Có những tháng mình kiếm được 20 triệu, tháng ít hơn cũng mười mấy. Nhưng 2 tháng vừa rồi, thu nhập của mình còn chưa nổi 10 triệu đồng".
Tình trạng lương bổng chẳng có gì khởi sắc, khiến nhiều bạn trẻ siết chặt chi tiêu hơn!
Tiền đã không còn dễ kiếm
Cả Minh Huy và Thùy Dương đều có chung một trải nghiệm: Lương bị siết chặt do kết quả kinh doanh của công ty kém.
Với Minh Huy, vì làm trong ngành du lịch, nên thu nhập phụ thuộc nhiều vào hầu bao của khách: "Không chỉ mình, mà những khách hàng mình đón tiếp cũng gián tiếp than thở về chuyện tiền nong. Cùng một mức giá và chất lượng như trước đây, nhưng nhiều khách hàng bày tỏ ý đắt và không sẵn sàng chi tiền để hưởng thụ ở thời điểm hiện tại. Có những tháng mình không chốt được một tour khách đoàn nào, chỉ toàn là khách lẻ.
Doanh thu mình kiếm về cho công ty cũng chỉ giao động vài trăm triệu. Theo đó, mức hoa hồng mình được hưởng ít đi. Đỉnh điểm là tháng 3 vừa rồi, thu nhập của mình dưới 10 triệu/tháng."
Trước đây, mức lương của chàng trai 24 tuổi này luôn dao động ở mức ổn định từ 15-20 triệu/ tháng. Số tiền này đủ để Minh Huy sống thoải mái ở Hà Nội. Thậm chí còn bỏ tiết kiệm được ít nhất 30% lương. Nhưng hiện tại, đến cả tiền tiêu đôi khi còn thiếu, đừng nói đến chuyện tiết kiệm.
Thùy Dương cũng gặp tình trạng như thế, nhưng là do chế độ lương thưởng của công ty. "Tình hình công ty quý I không mấy khả quan. Mình làm trong ngành tài chính, chủ yếu là phân tích số liệu thị trường. Lương cứng thử việc là 8 triệu/tháng, thêm tiền thưởng và phụ cấp thì cũng kiếm ngót 10 triệu đồng. Công việc tuy áp lực, nhưng nếu tích lũy được kinh nghiệm và kiến thức đủ sâu, mình sẽ được đảm đương những vị trí như cố vấn, hoặc bảo lãnh tài chính cho khách hàng. Khi này, thu nhập vài chục triệu không còn là vấn đề. Đây là lý do khiến mình bám víu vào công việc và mức lương 8 triệu này."
Cũng vì ở vị trí nhân viên mới, nên Thùy Dương nằm trong danh sách bị cắt giảm trợ cấp hàng tháng. Quyết định này cũng khiến Dương điêu đứng một chút, vì lương 8 triệu đã khó sống. Nói gì là bây giờ!
Kiểm soát chi tiêu để dễ thở hơn trong mùa "siết" lương
Thu nhập ngày càng giảm, khiến cho cuộc sống của những người trẻ không còn dễ thở như xưa. Những chi tiêu ngày trước của Minh Huy lúc lương còn đầu 2, đã gần như phải cắt bỏ toàn bộ từ lúc siết lương. "Mình không muốn tiêu phạm vào số tiền tiết kiệm được, đành chắt góp chi tiêu làm sao để tiêu đủ số lương hiện tại. Cố gắng sống sót qua giai đoạn kinh tế suy thoái này rồi tính sau. Vì bây giờ chuyển việc không phải lựa chọn khôn ngoan".
Không còn những buổi tụ họp bạn bè sau giờ làm. Không sắm sửa đồ đạc, quần áo gì mới. Không tiêu tiền cho sở thích. Đây là những khoản chi tiêu mà Minh Huy đã cắt bỏ. Tiền lương hàng tháng chỉ để chi trả các sinh hoạt phí cơ bản như ăn uống ngủ nghỉ. Còn các tiện ích khác, Huy tạm thời gác sang một bên. "Mình còn phải trích ra 1 số tiền nhất định gửi về cho mẹ, nên 10 triệu quả thực khó sống ở đất Hà Nội này", Minh Huy chia sẻ!
Còn với Thùy Dương, cô nàng cũng lựa chọn cắt bỏ đi những thứ không quá cần thiết để có thể sống được với mức lương ít ỏi kia.
"Mình cũng muốn dành thêm thời gian để làm việc khác, kiếm thêm từ thu nhập tay trái như những bạn bè đồng trang lứa. Nhưng quả thực là không có thời gian. Ngành của mình rất bận, phải học hỏi rất nhiều. Mình còn phải học thêm một bằng chuyên sâu về tài chính, kinh tế để theo đuổi công việc này. Thế nên, hiện tại mình chấp nhận sống khổ một chút vì tương lai kiếm được nhiều tiền hơn".
Với mức lương 8 triệu này, hơn phân nửa Thùy Dương dành ra để đầu tư vào việc học nâng cấp bằng. Số còn lại, cô nàng chi tiêu cần kiệm nhất có thể: Tiền nhà hơn 1 triệu, tiền ăn uống khoảng 2 triệu nữa. Số còn lại thì giữ cho những chi tiêu khác. "Dù là con gái, nhưng mình không có nhiều quần áo hay mỹ phẩm. Đối với mình những thứ này thực sự không cần thiết. Chỉ cần chỉnh trang gọn gàng, sạch sẽ là đã ghi điểm rồi. Lối sống tối giản này cũng giúp cuộc sống của mình không vướng bận vào những thứ vô bổ bên ngoài". Dù thu nhập còn hạn chế nhưng Thùy Dương vẫn cảm thấy hạnh phúc với lựa chọn công việc này!