Chỉ tuyển dụng công chức với người đã đạt kết quả kiểm định: Làm sao để công bằng, hiệu quả, tiết kiệm?

Linh Trần
27/03/2023 - 19:51
Chỉ tuyển dụng công chức với người đã đạt kết quả kiểm định: Làm sao để công bằng, hiệu quả, tiết kiệm?

Một kỳ thi tuyển công chức. Ảnh minh họa

Theo Nghị định số 06/2023/NĐ-CP, từ ngày 1/8/2024, cơ quan tuyển dụng chỉ tuyển dụng công chức đối với người đạt kết quả kiểm định. Đây là lần đầu tiên Việt Nam thực hiện kiểm định chất lượng đầu vào công chức. Vì vậy, có không ít băn khoăn xung quanh quy định mới này.

Theo Nghị định số 06/2023/NĐ-CP ngày 26/2/2023, việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức do Bộ Nội vụ thực hiện và áp dụng đối với người đăng ký tuyển dụng vào công chức thông qua hình thức thi tuyển. Đây là hoạt động đánh giá, công nhận kiến thức nền tảng cần thiết đối với thí sinh trước khi tham gia tuyển dụng công chức tại cơ quan có thẩm quyền. Việc tổ chức kiểm định chất lượng đầu vào được tổ chức định kỳ 2 lần vào tháng 7 và tháng 11 hằng năm. Điều kiện đăng ký dự kiểm định chất lượng đầu vào công chức thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 36 Luật Cán bộ, công chức.

Về hình thức kiểm định, thí sinh sẽ thi trắc nghiệm trên máy vi tính. Trong đó, nội dung kiểm định sẽ đánh giá năng lực tư duy, năng lực ứng dụng kiến thức vào thực tiễn; hiểu biết chung, cơ bản của thí sinh về hệ thống chính trị, tổ chức bộ máy của Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan nhà nước; quản lý hành chính nhà nước… Kết quả kiểm định được xác định theo số câu trả lời đúng trong bài thi. Thí sinh trả lời đúng từ 50% số câu hỏi trở lên thì được xác định là đạt yêu cầu kiểm định chất lượng đầu vào công chức.

Kết quả kiểm định chất lượng đầu vào công chức có giá trị sử dụng trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày có quyết định phê duyệt của Bộ Nội vụ. Trong thời hạn kết quả kiểm định còn giá trị, người đạt kết quả kiểm định được đăng ký thi tuyển công chức ở các cơ quan, tổ chức trong phạm vi toàn quốc.

Nhân viên thu hồ sơ tuyển dụng công chức

Nhân viên thu hồ sơ tuyển dụng công chức

Sau khi Nghị định này được ban hành, có nhiều ý kiến ủng hộ. Ông Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, cho rằng kiểm định chất lượng công chức là hình thức sơ tuyển trước khi thi nhằm tăng chất lượng đầu vào. Việc kiểm định chất lượng công chức một cách bài bản, theo từng đợt trong năm và áp dụng trong toàn quốc sẽ giúp đơn vị tuyển dụng giảm bớt chi phí, tuyển dụng được những công chức phù hợp với yêu cầu. Đây là điều tốt nhưng theo ông Thang Văn Phúc, thủ tục kiểm định cần tránh phiền hà, tránh rắc rối cho thí sinh và cơ quan tuyển dụng.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thùy Ngân, giảng viên Trường Đại học Y Dược (ĐH Quốc gia Hà Nội), cho rằng, kiểm định đầu vào công chức là một đột phá trong cơ chế tuyển dụng, quản lý cán bộ, công chức theo vị trí việc làm. Nếu làm tốt công tác này sẽ tiết kiệm được nguồn lực, giảm bớt thời gian tuyển dụng, giúp các cơ quan tuyển được người đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo vị trí việc làm. Hơn nữa, sau khi thực hiện kiểm định, các cơ quan quản lý nhà nước không phải thực hiện thi công chức hai vòng như hiện nay mà chỉ tổ chức thi một vòng nghiệp vụ chuyên ngành để tuyển dụng công chức.

Theo chị Nguyễn Thị Nga, cán bộ Sở Nội vụ tỉnh Lào Cai, việc kiểm định chất lượng đầu vào sẽ giúp các tỉnh chọn được công chức phù hợp. Đồng thời, chất lượng công chức cũng sẽ tăng lên, bởi họ đã được sàng lọc, đánh giá từ Hội đồng kiểm định.

Còn những băn khoăn

Đây là lần đầu tiên Việt Nam thực hiện kiểm định chất lượng đầu vào công chức nên không ít người bày tỏ lo ngại. Chị Trần Thị Thảo (trú tại TP. Phủ Lý, Hà Nam) cho rằng, Nghị định không nêu rõ địa điểm tổ chức kiểm định ở đâu. Nếu địa điểm tổ chức kiểm định tại địa phương thì còn đỡ, nếu tổ chức ở tỉnh, thành khác hoặc theo cụm thì sẽ mất thêm chi phí đi lại, ăn ở cho thí sinh.

Trong khi đó, ông Thang Văn Phúc cho rằng, việc tổ chức kiểm định chất lượng đầu vào công chức tách khỏi hội đồng thi tuyển sẽ khách quan hơn. Vấn đề đặt ra là làm sao các kỳ thi tuyển công chức phải công bằng, tránh chọn nhầm người không đủ năng lực. Vì thế, cần căn cứ vào từng lĩnh vực để đưa ra tiêu chí sơ tuyển cho phù hợp.

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho rằng, hầu hết người ứng tuyển công chức đều có trình độ từ cao đẳng, đại học trở lên. Vì thế, bước kiểm định không nên làm quá gay gắt. Thay vào đó, các câu hỏi cần được đưa ra mức trung bình khá là được. Tuy nhiên, việc đánh giá thường xuyên sau tuyển dụng mới thực sự cần thiết. "Mỗi hội đồng đánh giá, tuyển dụng nên có thêm thành phần là các chuyên gia về nhân sự từ khu vực tư nhân để đảm bảo tính khách quan", luật sư Hùng nói.

Vụ Công chức, viên chức (Bộ Nội vụ) cho biết, việc thi tuyển công chức vòng 1 chỉ tập trung đánh giá kiến thức chung của thí sinh. Tuy nhiên, quá trình kiểm định chất lượng đầu vào công chức sau này Bộ Nội vụ sẽ xây dựng một ngân hàng câu hỏi tập trung vào đánh giá năng lực tư duy, ứng dụng kiến thức vào thực tiễn, tránh trường hợp học vẹt khi thi tuyển công chức. Trước mắt, Bộ sẽ xây dựng thông tư hướng dẫn quy chế, nội quy tổ chức kiểm định chất lượng đầu vào công chức, cùng với đó sẽ phổ biến nội dung Nghị định để các bộ, ngành, địa phương thống nhất triển khai thực hiện. Ngoài ra, thí sinh có thể nộp phiếu đăng ký kiểm định qua mạng, quá trình tổ chức kiểm định được thực hiện trên máy tính, bảo đảm công khai, minh bạch và tiết kiệm.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm