Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh trên cơ sở định kiến giới

Bài và ảnh: An Khê
07/03/2022 - 17:30
Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh trên cơ sở định kiến giới

Dự báo, đến năm 2034 Việt Nam sẽ “dư thừa” 1.5 triệu nam giới từ lứa tuổi 15-49

Dự báo, đến năm 2034 Việt Nam sẽ “dư thừa” 1,5 triệu nam giới từ lứa tuổi 15-49 và đến năm 2059 thì con số này là 2,5 triệu nam giới (bằng 9.5% dân số nam), nếu tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam không giảm.

Giải quyết vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh trên cơ sở định kiến giới tại Việt Nam, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên liên quan và trọng tâm của các chính sách, chương trình can thiệp cần đẩy mạnh hơn về thúc đẩy bình đẳng giới, nâng cao vị thế của phụ nữ và trẻ em gái.

Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh trên cơ sở định kiến giới - Ảnh 1.

Năm 2019, tỷ số giới tính khi sinh tại Việt Nam là 111.5 trẻ trai trên 100 trẻ gái trong khi đó tỷ số này ở mức tự nhiên là từ 103-106 trẻ trai trên 100 trẻ gái

Trong khuôn khổ dự án; "Giải quyết vấn đề lựa chọn giới tính khi sinh trên cơ sở định kiến giới và các thực hành có hại tại Châu Á" do Chương trình Hợp tác và Phát triển Na Uy tài trợ trong giai đoạn 2020-2022, Tổng cục Dân số, Bộ Y tế, Quỹ Dân số Liên hợp quốc và Đại sứ quán Na Uy tổ chức Tọa đàm Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh trên cơ sở định kiến giới. Tọa đàm được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến đã chia sẻ các kinh nghiệm quốc tế, các cách tiếp cận sáng tạo nhằm thay đổi các định kiến văn hóa xã hội dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh trên cơ sở định kiến giới tại Việt Nam. Vai trò và sự tham gia của nam giới trong thúc đẩy bình đẳng giới và kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh trên cơ sở định kiến giới và tăng cường cơ chế điều phối liên ngành đã được bàn luận tại tọa đàm.

Tọa đàm có sự tham gia của các đại biểu đến từ các Bộ, ngành có liên quan, các tổ chức xã hội, các đơn vị nghiên cứu, Chi cục Dân số các tỉnh, thành phố như Hà Nôi, Quảng Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Nghệ An, Bà Rịa Vũng Tàu, Bến Tre…  

Tọa đàm đã nêu lên thực trạng mất cân bằng giới tính khi sinh trên cơ sở định kiến giới hiện nay của Việt Nam cũng như những khuyến nghị và định hướng chính sách, chương trình trong thời gian tới. Việt Nam đã có những khung pháp lý, chính sách, chương trình về thúc đẩy bình đẳng giới và đề án quốc gia về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh trên cơ sở định kiến giới. Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại và thách thức trong việc thực thi chính sách như chưa tập trung vào yếu tố văn hóa xã hội. Chính vì vậy, tăng cường cơ chế điều phối liên ngành giữa các bộ ngành và sự tham gia của tất cả các bên có liên quan là hết sức cần thiết.

Các chương trình truyền thông cần tập trung hơn nữa vào vấn đề xã hội và định kiến giới về vấn đề tâm lý ưa thích con trai hơn con gái dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh trên cơ sở định kiến giới. Đối tượng truyền thông cần tập trung nhiều hơn vào nam giới, đặc biệt là nhóm thanh niên thông qua các kênh truyền thông sáng tạo và đa dạng hóa các hình thức truyền thông,  truyền thông kỹ thuật số và các nền tảng xã hội cùng với các chương trình truyền thông truyền thống.

Tại tọa đàm, Bà Naomi Kitahara, Trưởng Đại diện Quỹ dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc thực thi các chính sách và pháp luật về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh trên cơ sở định kiến giới. 

Bà Naomi Kitahara chia sẻ: "Tôi mong muốn có sự tham gia nhiều hơn nữa của nam giới trong việc chấm dứt lựa chọn giới tính khi sinh trên cơ sở định kiến giới. Như chúng ta đang kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ vào ngày 8 tháng 3, chúng ta cần biết rằng phụ nữ thường chịu nhiều áp lực từ gia đình về việc phải sinh con trai chứ không phải con gái. Chính vì vậy, sự thấu hiểu của nam giới có thể hỗ trợ cho phụ nữ có nhiều sự thay đổi. Việt Nam đã thực hiện rất nhiều chương trình kiểm soát mất cân bằng giới tính trong những năm vừa qua, nhưng tỉ lệ mất cân bằng giới tính vẫn còn cao, cụ thể gần đây nhất là cao thứ ba tại Châu Á. Chúng ta cần phải hành động bao gồm cả việc đo mức sinh của các cá nhân và các cặp vợ chồng trong việc lựa chọn số con và thời gian và khoảng cách mỗi lần sinh phù hợp với nguyên tắc của Diễn đàn Quốc tế về Dân số và Phát triển".

Năm 2019, tỷ số giới tính khi sinh tại Việt Nam là 111.5 trẻ trai trên 100 trẻ gái trong khi đó tỷ số này ở mức tự nhiên là từ 103-106 trẻ trai trên 100 trẻ gái. Dự báo, đến năm 2034 Việt Nam sẽ "dư thừa" 1.5 triệu nam giới từ lứa tuổi 15-49 và đến năm 2059 thì con số này là 2.5 triệu nam giới (bằng 9.5% dân số nam) nếu tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam không giảm.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm