Quỹ Dân số Liên hợp quốc công bố Chương trình Quốc gia mới cho Việt Nam

TTXVN
04/02/2022 - 20:42
Quỹ Dân số Liên hợp quốc công bố Chương trình Quốc gia mới cho Việt Nam

Tư vấn, khám sức khỏe sinh sản miễn phí cho nữ công nhân lao động tại Khánh Hòa. (Ảnh: Thanh Vân/TTXVN)

Chương trình ưu tiên hỗ trợ các nhóm dân số có nguy cơ bị bỏ lại phía sau, trong đó có phụ nữ và trẻ em gái, trẻ vị thành niên và thanh niên, người cao tuổi, các dân tộc thiểu số, lao động di cư...

Theo thông tin từ Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), Ban Điều hành của cơ quan này vừa thông qua Chương trình Quốc gia mới cho Việt Nam, giai đoạn 2022-2026, với mục tiêu "không để ai bị bỏ lại phía sau trong nỗ lực đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững vào năm 2030."

Cụ thể, Ban Điều hành UNFPA đã thông qua văn kiện Chương trình Quốc gia lần thứ 10 dành cho Việt Nam với tổng ngân sách là 26,5 triệu USD nhằm hỗ trợ Việt Nam đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) vào năm 2030.

Chương trình ưu tiên hỗ trợ các nhóm dân số có nguy cơ bị bỏ lại phía sau, trong đó có phụ nữ và trẻ em gái, trẻ vị thành niên và thanh niên, người cao tuổi, các dân tộc thiểu số, lao động di cư, người khuyết tật và nạn nhân của bạo lực dựa trên cơ sở giới.

Với Chương trình Quốc gia chu kỳ 10, UNFPA cam kết hỗ trợ Việt Nam triển khai Kế hoạch Hành động Quốc gia vì các Mục tiêu Bền vững của Việt Nam (VNSG), Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2026 trong khuôn khổ Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030, tất cả đều chú trọng các động thái dân số và vấn đề về dân số.

Chương trình Quốc gia chu kỳ 10 được thiết kế trên cơ sở tham vấn rộng rãi với Chính phủ Việt Nam, các bên liên quan trong nước và quốc tế.

Chương trình gắn với Khung chiến lược hợp tác phát triển bền vững giữa Liên hợp quốc và Chính phủ Việt Nam (UNSDCF) có mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau” và đóng góp trực tiếp ở hai lĩnh vực: Phát triển xã hội bao trùm; quản trị và tiếp cận công lý, từ đó giảm bất bình đẳng và tính dễ bị tổn thương.

Nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của Chương trình Quốc gia chu kỳ 10, Trưởng Đại diện của UNFPA tại Việt Nam Naomi Kitahara cho biết những sáng kiến của UNFPA trong 5 năm tới sẽ nhằm đạt được những kết quả chuyển đổi trong Kế hoạch Chiến lược của UNFPA toàn cầu, hướng tới một Việt Nam không còn tình trạng tử vong mẹ do các nguyên nhân có thể ngăn ngừa.

Cùng với đó, chấm dứt việc chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu về kế hoạch hóa gia đình, xóa bỏ bạo lực giới và các hành vi có hại khác đối với phụ nữ và trẻ em gái. Bên cạnh đó, các phương pháp tiếp cận theo hướng lấy con người làm trung tâm sẽ được sử dụng, lồng ghép trong tất cả các lĩnh vực can thiệp của Chương trình.

Quỹ Dân số Liên hợp quốc công bố Chương trình Quốc gia mới cho Việt Nam - Ảnh 1.

Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người khuyết tật tại Trung tâm Bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè, TP.HCM. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Chương trình Quốc gia mới của UNFPA dành cho Việt Nam được xây dựng nhằm đạt được những mục tiêu cụ thể.

Đối với vị thành niên và thanh niên, đó là việc tạo môi trường thuận lợi để hỗ trợ phát triển toàn diện, thúc đẩy sự tham gia của thanh niên trong quá trình xây dựng các chính sách, chương trình quản lý thiên tai và thúc đẩy Chương trình hành động của Hội nghị Quốc tế về Dân số và Phát triển (ICPD).

Ở lĩnh vực già hóa dân số và bảo trợ xã hội, Chương trình hướng đến tăng cường hệ thống an sinh xã hội tích hợp và bao trùm, áp dụng phương pháp tiếp cận theo vòng đời, tiến bộ về giới để thích ứng vấn đề già hóa dân số, đáp ứng nhu cầu cá nhân của các nhóm dễ bị tổn thương nhất.

Với lĩnh vực tiếp cận bình đẳng với sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục, Chương trình tập trung vào các nhóm dễ bị tổn thương bao gồm người dân tộc thiểu số, trẻ vị thành niên và thanh niên, người cao tuổi và lao động di cư.

Những người này sẽ được tiếp cận bình đẳng hơn tới các dịch vụ, thông tin về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục toàn diện, tiến bộ về giới, kể cả khi có khủng hoảng nhân đạo.

Về dữ liệu cho xây dựng chính sách, Chương trình Quốc gia mới của UNFPA hướng đến tăng cường xây dựng chính sách và chương trình dựa trên đảm bảo quyền, bao gồm cả phân bổ ngân sách, giám sát, thông qua sản xuất, phân tích, sử dụng số liệu.

Trong mảng bạo lực giới, Chương trình Quốc gia mới của UNFPA tập trung thay đổi những thái độ có hại, đặc biệt là trong nhóm thanh niên, để giảm thiểu bạo lực, kể cả khi có khủng hoảng nhân đạo.

Để có thể đạt được những kết quả nêu trên, UNFPA cho biết sẽ hợp tác với Chính phủ, các tổ chức cấp quốc gia khác cũng như tổ chức xã hội nhằm thực hiện chương trình theo nguyên tắc quyền tự chủ quốc gia và các trách nhiệm giải trình chung.

UNFPA và Chính phủ Việt Nam, thông qua Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cơ quan điều phối, sẽ cùng chịu trách nhiệm quản lý chương trình, đồng thời sẽ lập kế hoạch, giám sát, đánh giá việc thực hiện chương trình theo phương pháp quản lý dựa trên kết quả.

Đối với hỗ trợ nhân đạo của UNFPA dành cho Việt Nam, UNFPA sẽ tập trung vào các dịch vụ tích hợp về sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục, ngăn chặn, ứng phó với bạo lực dựa trên cơ sở giới, hỗ trợ người cao tuổi.

Đặc biệt, các quyền, lựa chọn của phụ nữ và trẻ em gái, thanh thiếu niên, người cao tuổi bị tác động bởi các khủng hoảng nhân đạo cũng cần phải được ưu tiên để không ai bị bỏ lại phía sau.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm