Kiến nghị Quốc hội giám sát tối cao vấn nạn xâm hại trẻ em trong năm 2019

07/06/2018 - 17:00
Theo đại biểu Quốc hội Đặng Thị Phương Thảo (Nam Định), những nội dung giám sát gửi xin ý kiến trong chương trình giám sát năm 2019 của Quốc hội tuy lớn nhưng vẫn còn nhiều vấn đề gây nhức nhối xã hội. Đó là nạn bạo hành, xâm hại trẻ em diễn biến ngày càng phức tạp.

Hôm nay, 7/6, Quốc hội thảo luận về các chương trình giám sát dự kiến thực hiện trong năm 2019. Phát biểu thảo luận tại hội trường, đại biểu Đặng Thị Phương Thảo (Nam Định) cho rằng vấn nạn bạo hành, xâm hại trẻ em cần được cân nhắc bổ sung trong chương trình giám sát tối cao năm tới của cơ quan lập pháp.

 

“Nạn bạo hành và xâm hại trẻ em liên tục được đề cập trong các phiên chất vấn vừa qua. Các đại biểu cũng đã phân tích rất sâu về vấn đề này, các Bộ trưởng và Phó Thủ tướng cũng đã thể hiện sự quan tâm của Chính phủ đến đối tượng trẻ em”, nữ đại biểu nhấn mạnh.

dang-thi-phuong-thao.jpg
Đại biểu Đặng Thị Phương Thảo cho rằng vấn nạn xâm hại trẻ em diễn biến phức tạp. Ảnh: Quốc hội

Bà Phương Thảo dẫn số liệu đáng giật mình từ Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em - Bộ LĐTB&XH. Theo đó tính đến cuối năm 2017, ở Việt Nam trung bình mỗi năm có hơn 2.000 trẻ bị bạo lực, bị xâm hại ở mức độ nghiêm trọng cần được can thiệp và con số này ngày càng gia tăng.

 

Số liệu của Bộ Công an nghiên cứu trên 2.000 học viên các trường giáo dưỡng cho thấy khoảng 50% em có tuổi thơ từng sống trong tình trạng hà khắc của bố mẹ. Tính riêng 5 tháng đầu năm 2018 đã xảy ra 682 vụ xâm hại tình dục, trong đó xâm hại tình dục trẻ em chiếm đến 84%.

 

Điều đáng nói, theo đại biểu Phương Thảo là nước ta có đến trên 15 cơ quan và tổ chức bảo vệ trẻ em và Bộ LĐTB&XH là cơ quan đầu mối, song tình trạng này vẫn rất phức tạp.

 

Giải quyết vấn nạn này, đại biểu Đặng Thị Phương Thảo cho rằng hiện chưa hiệu quả. “Tôi băn khoăn rằng, khi kết thúc hội nghị, vấn đề này lại lắng xuống. Lúc đó sự quan tâm bảo vệ dành cho các em có còn được đúng mức, đúng với tính chất quan trọng của nó được hay không? Quốc hội cần thực hiện để bảo vệ quyền lợi của trẻ em phải kịp thời, mạnh mẽ và quyết liệt hơn nữa”, đại biểu Phương Thảo nhấn mạnh.

"Do đó, để khắc phục, giải quyết vấn đề một cách triệt để, tôi đề nghị cần phải bổ sung nội dung liên quan tới tình trạng bạo hành và xâm hại trẻ em vào chương trình giám sát tối cao của Quốc hội năm 2019", đại biểu Phương Thảo kiến nghị.

 

Việc đưa nội dung này vào chương trình dự kiến, theo đại biểu Đặng Thị Phương Thảo là cần thiết và cần phải được tiến hành càng sớm càng tốt. Qua đó cũng sẽ góp phần đảm bảo sự quan tâm của toàn xã hội đối với trẻ em - lực lượng nòng cốt tương lai của nền kinh tế cả nước trong thời kỳ dân số vàng.

Theo số liệu của Liên hợp quốc, dân số của nước ta đang có gần 24 triệu trẻ em dưới 15 tuổi, chiếm 1/4 dân số. Hiện mỗi ngày, trung bình có hơn 4.000 trẻ được sinh ra. Việt Nam đã bước vào thời kỳ dân số vàng được hơn 10 năm thì còn khoảng 30 năm nữa là kết thúc thời kỳ này. Trong khi chỉ cần khoảng thời gian hơn 20 năm, trẻ em đã phát triển, trưởng thành và trở thành nguồn nhân lực quý giá cho đất nước.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm