Theo ông Lê Quang Trung, lao động nước ngoài khi muốn vào làm việc tại Việt Nam phải đảm bảo đủ 4 tiêu chí là có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có trình độ chuyên môn, tay nghề và sức khỏe phù hợp với yêu cầu công việc; không phải là người phạm tội hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật nước ngoài; giấy phép lao động do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp, trừ các trường hợp theo quy định tại Điều 172 của Bộ luật Lao động.
“Thời gian qua, dư luận phản ánh rất nhiều về những trường hợp lao động nước ngoài không đủ tiêu chuẩn nhưng vẫn hoạt động “chui” tại Việt Nam, đặc biệt là họ thường đi vào cũng với các dự án đầu tư, Bộ cũng rất quan tâm đến việc này. Quan điểm của chúng tôi là sẽ thắt chặt hơn công tác quản lý, kiểm soát, kiên quyết loại bỏ những trường hợp lao động “chui”, lao động nước ngoài không đủ tiêu chuẩn”, ông Trung nhấn mạnh.
Theo ông Trung, hiện nay, Việt Nam vẫn chưa có thỏa thuận gì với các nước trong khu vực về việc cho phép lao động phổ thông đến Việt Nam làm việc. Theo Luật lao động Việt Nam, các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân, nhà thầu trong nước chỉ được tuyển lao động là công dân nước ngoài vào làm công việc quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia và lao động kỹ thuật. Các doanh nghiệp chỉ được tuyển lao động ngoài nước khi ở các vị trí này lao động Việt Nam chưa đáp ứng được theo nhu cầu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Ngoài ra, Luật Lao động quy định rõ, các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân, nhà thầu nước ngoài trước khi tuyển dụng lao động là công dân nước ngoài vào làm việc trên lãnh thổ Việt Nam phải giải trình nhu cầu sử dụng lao động và được sự chấp thuận bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. “Hằng năm, Bộ LĐ-TB&XH vẫn có văn bản nhắc nhở, chỉ đạo, hướng dẫn sở LĐ-TB&XH các địa phương thanh tra, kiểm tra và thực hiện nghiêm các quy định về việc thuê lao động là người nước ngoài trên địa bàn”, ông Trung cho biết thêm.
Theo vị đại diện Cục Việc làm, hiện nay Bộ LĐ-TB&XH vẫn đang hoàn thiện thể chế, chính sách về lao động, việc làm, tiền lương, bảo hiểm xã hội… để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới.
Khoản 15 Điều 1 Nghị định số 88/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 22 Nghị Định số 95/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động việt nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định về vi phạm quy định về người nước ngoài làm việc tại Việt Nam như sau:
1. Trục xuất người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam có một trong các hành vi sau đây:
a) Làm việc nhưng không có giấy phép lao động theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp không thuộc diện cấp giấy phép lao động;
b) Sử dụng giấy phép lao động đã hết hạn.
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động không thông báo tình hình sử dụng lao động là người nước ngoài cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động hoặc báo cáo nhưng chưa đảm bảo những nội dung, thời hạn theo quy định của pháp luật.
3. Phạt tiền người sử dụng lao động sử dụng lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam mà không có giấy phép lao động hoặc không có giấy xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động hoặc sử dụng người lao động nước ngoài có giấy phép lao động đã hết hạn theo một trong các mức sau đây:
a) Từ 30.000.000 đồng đến 45.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người;
b) Từ 45.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 20 người;
c) Từ 60.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng với vi phạm từ 21 người trở lên.
4. Hình thức xử phạt bổ sung: Đình chỉ hoạt động từ 01 tháng đến 03 tháng đối với người sử dụng lao động có hành vi vi phạm quy định tại Khoản 3 Điều này.
|