pnvnonline@phunuvietnam.vn
Kiều bào "vướng dịch" đau đáu khi đón Tết xa quê
Tết đến càng thêm nhớ nhà
Gần 20 năm sống xa quê hương, chị Đinh Thị Bích Ngọc - Phó Chủ tịch Hiệp hội Người Việt Nam tại Macau (Trung Quốc) - hầu như năm nào cũng cùng gia đình về Việt Nam ăn Tết.
"Tết cổ truyền là dịp đoàn viên rất quan trọng của mỗi người Việt, mỗi gia đình Việt. Điều này càng trở nên đặc biệt hơn với những người con xa quê hương như tôi. Những ngày cuối năm, không khí tất bật, hối hả càng tăng thêm nỗi khắc khoải nhớ nhà, nhớ quê hương trong tôi. Tôi nhớ mùi vị bánh chưng, nhớ mùi khói bếp, nhớ những phiên chợ tấp nập bán mua, nhớ những sắc hoa đào đỏ thắm và những chùm quất vàng ươm... Hơn hết vẫn là cảm giác thèm được cùng nhau quây quần bên mâm cơm Tết với người thân, gia đình", chị Ngọc chia sẻ.
Khi dịch Covid-19 đang hoành hành thì mong mỏi về một ngày Tết ở quê hương vẫn khó thực hiện hơn với chị Ngọc và nhiều người Việt đang sinh sống ở Macau. Năm nay là 2 năm thứ hai chị Ngọc không về ăn Tết cùng gia đình, cảm giác buồn và khao khát được ở bên bố mẹ, những người thân yêu vào giây phút thiêng liêng nhất trong năm cứ trào dâng.
Chị Hoàng Hải Hà, Chủ tịch Ladies of all nations international UK-VN (Hiệp hội phụ nữ các quốc gia Anh - Việt Nam) cho biết, chị định cư tại Anh từ năm 2004, cho đến nay chưa có cơ hội ăn Tết tại quê nhà một phần do công việc bận rộn, một phần do lịch học của các con tại trường khác với ở Việt Nam.
Trước khi dịch Covid-19 xảy ra, vợ chồng chị Hà đã có kế hoạch đưa các con về quê ăn Tết nhưng lại không thực hiện được do nước Anh phong tỏa toàn quốc. Năm nay, mặc dù rất nhớ gia đình và muốn được sống trong không khí Tết cổ truyền, thưởng thức hương vị riêng của phố phường những ngày giáp Tết, song việc đi lại giữa các nước còn nhiều hạn chế do ảnh hưởng của dịch bệnh nên gia đình chị quyết định chọn ở lại Anh ăn Tết.
"Mỗi năm đến gần Tết lại thấy nhớ nhà nhiều hơn, nhớ người thân, bố mẹ, anh chị em đến phát khóc. Cái cảm giác thực sự rất khó tả, vì Tết là một dịp rất thiêng liêng với người Việt Nam chúng ta.
Ngày Tết, tôi nhớ nhất món xôi giấc, vì mỗi đêm giao thừa nhà tôi thường thắp hương món này. Sau thời khắc giao thừa chuyển sang năm mới, cả nhà sẽ ngồi bên mâm cơm, cùng nhau vừa ăn xôi gấc vừa chuyện trò để lấy may mắn và no đủ cả năm. Bố mẹ cũng sẽ lì xì đầu năm cho anh chị em mình. Đó là phong tục mà mình thích nhất!", chị Hà chia sẻ.
Dù đã lâu chưa về Việt Nam ăn Tết nhưng năm nào nhà chị Hà cũng đón Tết như phong tục ở Việt Nam.
"Trước Tết khoảng 1 tuần, gia đình tôi sẽ cùng bạn bè tập trung gói bánh chưng, trang trí nhà cửa bằng hoa mai, hoa đào, làm cơm cúng ông bà tổ tiên. Ngày mùng 1 đầu năm luôn sắp xếp thời gian đi lễ chùa cầu bình an cho gia đình. Tất nhiên sẽ không quên chuẩn bị bao lì xì mừng tuổi cho các cháu nhỏ", chị Hà nói.
Nước Anh đã trở lại cuộc sống bình thường, năm nay gia đình chị Hà sẽ tham gia biểu diễn văn nghệ và trình diễn áo dài tại chương trình Tết của cộng đồng người Việt Nam và Đại sứ quán Việt Nam ở Vương quốc Anh tổ chức.
"Còn những hoạt động khác, những phong tục Tết gia đình tôi đều duy trì đều đặn hàng năm để các con hiểu được nét đẹp truyền thống và đặc sắc riêng của Tết. Rất vui là các con tôi đều yêu Tết và năm nào bọn trẻ cũng háo hức phụ bố mẹ trang hoàng nhà cửa. Chỉ cần thấy bố mẹ mua hoa đào về nhà là các con biết Tết đã gõ cửa", chị chia sẻ.
Mong quê hương sớm chiến thắng dịch bệnh!
Cận Tết Nhâm Dần, chị Lê Thương, Phó Chủ tịch Hội người Việt TP Higashi Osaka, Nhật Bản, có cảm giác buồn nhiều hơn so với mọi năm. Bởi vì hơn 12 năm xa quê hương, đây là lần đầu tiên chị không về nước ăn Tết cùng với gia đình và người thân của mình.
"Thực ra với người xa quê như tôi thì cũng đã kiềm chế được cảm xúc nhưng đâu đó vẫn có một niềm mong mỏi được về quê nhà tự tay dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị mâm cơm cúng gia đình - đó là điều ý nghĩa nhất", chị bộc bạch.
Chị Thương chia sẻ chị nhớ không khí chuẩn bị những ngày Tết. "Quê tôi ở Quảng Bình nên không khí ngày Tết vẫn đậm chất quê. Tôi nhớ cảm giác luộc bánh chưng ngày 30 và cùng trông nồi bánh chưng đón giao thừa", chị kể.
Những ngày Tết ở Nhật, chị Thương thường tổ chức Tết cho kiều bào, tham dự lễ Tết do các hội đoàn tổ chức, dẫn các con đi chùa xin lộc … Ngoài ra, chị sẽ gọi điện chúc Tết người thân tại quê nhà, nấu những món ăn dân tộc để các con nhớ về cội nguồn.
"Dịch Covid-19 gây ra nhiều đau thương và mất mát cho cả Việt Nam và thế giới. Tôi mong ước dịch bệnh sớm qua đi để những người con xa quê được trở về quê hương, gia đình nhà nhà đoàn tụ. Cầu mong năm Nhâm Dần 2022 an lành đến mọi nhà!", chị Thương bày tỏ.
Dịch bệnh Covid-19 phức tạp và lịch biểu diễn kín nên đây là năm thứ 3, nghệ sĩ Ninh Đức Hoàng Long (Budapest, Hungarry) không về Việt Nam ăn Tết cùng với gia đình.
"Nói chung là buồn và nặng lòng lắm. Tôi thật sự rất nhớ Việt Nam và gia đình. Năm nào giao thừa gọi điện về nhà cũng rớm nước mắt. Tôi nhớ nhất là cảm giác được quây quần tụ họp gia đình, ngồi xem Táo Quân đợi giao thừa và được đi lễ chùa sáng sớm mùng một", Hoàng Long chia sẻ.
Ninh Đức Hoàng Long chia sẻ thêm, định cư tại Hungarry, có năm Tết anh vẫn phải đi thi, có năm thì đi biểu diễn. Nếu Tết ta trùng vào ngày nghỉ thì anh có thể ở nhà nấu mâm cỗ giao thừa, còn thường thì phải theo lịch làm việc và sinh hoạt ở đây.
"Năm mới sắp tới chỉ mong mọi người giữ gìn sức khỏe. Việt Nam mau chiến thắng dịch bệnh", Hoàng Long chia sẻ.