pnvnonline@phunuvietnam.vn
Kiểu giáo dục gia đình tệ nhất: Bố nói xấu mẹ, mẹ chê bai bà
Ảnh minh họa
Nuôi dạy trẻ giống như trồng một đóa hoa. Nếu muốn hoa nở rực rỡ thì trước hết phải cho hoa môi trường sống lành mạnh, cung cấp chất dinh dưỡng đầy đủ từ rễ đến ngọn. Điều này được ví với môi trường gia đình, chỉ có gia đình hòa thuận, hạnh phúc, các thành viên yêu thương lẫn nhau thì mới khiến trẻ trở thành rạng rỡ, tự tin, tỏa sáng. Ngược lại, một gia đình thường xuyên xích mích, bố nói xấu mẹ, mẹ nói xấu bà trước mặt con thì chỉ khiến cho trẻ bị khủng hoảng tâm lý.
Có một câu chuyện như này: Người mẹ và bà nội thường xuyên xích mích nhau về vấn đề nuôi dạy con. Ban đầu chỉ là những tranh cãi nhỏ, nhưng dần dần đôi bên trở nên căng thẳng, thường xuyên cãi vã to. Người bà chê con dâu nấu ăn không ngon, trẻ người non dạ mà hay cãi người lớn. Còn người mẹ cũng không vừa, chê mẹ chồng áp đặt, tư tưởng cổ hủ.
Có lần cả hai cãi nhau, làm đổ bát đĩa khi đang ngồi ăn cơm, khiến đứa cháu gái sợ hãi, rơm rớm nước mắt. Cũng vì vậy mà đứa cháu rất ghét bà nội, vì bà thường xuyên chê bai, nói xấu mẹ mình.
"Bà hay nói mẹ cháu nấu ăn tệ nhất. Bà hay chê lắm, cháu ghét bà", đứa cháu nói.
Hay một câu chuyện khác như sau: Một đứa trẻ nghe thấy mẹ mình nói chuyện với họ hàng bên ngoại về việc muốn đưa bà nội vào viện dưỡng lão. Bởi thấy bà "phiền phức". Sau này, trong một lần khó chịu với mé, đứa trẻ cũng bảo lại: "Sau này con đi làm kiếm nhiều tiền để đưa mẹ vào viện dưỡng lão"!
Nếu bạn hỏi rằng kiểu giáo dục gia đình tệ hại nhất là gì? Chắc chắn sẽ nhiều người chọn đáp án là "nói xấu người khác trước mặt trẻ", đặc biệt là người mà trẻ yêu quý, quan tâm. Hành động này khơi dậy sự căm ghét, khó chịu của trẻ.
Đừng nói xấu người khác trước mặt trẻ, kể cả là nói đùa
Trong một môi trường giáo dục gia đình tốt, điều tối kỵ nhất là "nói xấu" trước mặt con trẻ, dù chỉ là một câu nói đùa!
Vì sao lại vậy? Vì người nói vô tình nhưng người nghe hữu ý. Trái tim của đứa trẻ là trong trắng nhất. Một lời nói đùa của người lớn cũng có thể khiến trẻ hình thành cái nhìn tích cực hoặc tiêu cực về người khác.
Lời nói của ông bà, cha mẹ luôn tác động tinh tế đến sự trưởng thành của trẻ. Chỉ có môi trường gia đình tràn đầy năng lượng tích cực mới có thể giáo dục con cái những giá trị đúng đắn. Đặc biệt khi trẻ sống trong gia đình hai, ba thế hệ thì ông bà, cha mẹ càng cần phải chú ý lời ăn tiếng nói, đừng để trẻ nghe phải những lời tiêu cực.
Nếu thật sự quá mâu thuẫn và không thể hòa giải được thì cha mẹ cũng phải nhớ rằng: Không được nói điều gì xấu trước mặt con. Trong trường hợp cần thiết, hãy họp gia đình và đặt ra những quy tắc ứng xử, giao tiếp như luôn nói "cảm ơn" khi được giúp đỡ; luôn lắng nghe đối phương nói xong cả câu; không hài lòng điều gì nên góp ý thẳng, không nói xấu sau lưng; tuyệt đối không nói xấu trước mặt con;...
Ảnh hưởng của lời nói và việc làm của cha mẹ đối với con cái là rất quan trọng. Những gì bạn làm trước mặt con cái bây giờ là những gì con cái sẽ học được trong tương lai gần. Nếu thực sự không có cách nào để thanh lọc môi trường gia đình, vậy hãy bắt đầu bằng việc "quản lý" miệng của chính mình!