Truyện cổ Chăm chứa đựng nhiều nét văn hóa đặc trưng riêng biệt, khơi gợi thế giới khác lạ cho độc giả nhỏ tuổi. Mỗi câu chuyện hấp dẫn mang một thông điệp giản dị, sâu sắc mà cổ nhân Chăm để lại cho hậu thế. Những câu chuyện dài ngắn khác nhau, thân quen hay lạ lẫm, nhưng mỗi lần đọc, người đọc sẽ phát hiện thêm những điều kì thú mới.
Nhà thơ Hồ Việt Khuê, người đồng hương và bạn thân của nhà giáo Kinh Duy Trịnh cho biết: "Trong thời gian dạy học, thầy giáo Kinh Duy Trịnh cùng các thành viên khác trong Ban biên soạn sách Tiếng Chăm đã cho ra đời bộ sách giáo khoa gồm 15 quyển, dùng cho giáo viên, học sinh tại các trường Tiểu học ở vùng có đồng bào Chăm sinh sống. Về hưu, thầy giáo Trịnh có nhiều thời gian hơn cho công việc tâm huyết là sưu tầm, dịch thuật các văn bản Chăm cổ. Truyện cổ Chăm dành cho thiếu nhi là một phần rất nhỏ trong số các văn bản Chăm cổ mà nhà giáo Kinh Duy Trịnh đang chuyển ngữ, nhằm gìn giữ và lan tỏa vẻ đẹp văn hóa Chăm".
Thầy Kinh Duy Trịnh chia sẻ: “Những truyện cổ Chăm tôi chọn dịch mang những thông điệp rất gần gũi với trẻ em về trí thông minh, lòng dũng cảm, đức tính thật thà, tinh thần đoàn kết, ca ngợi tính cần cù siêng năng, trân trọng tình cảm gia đình, biết tránh xa lòng tham, thói nuốt lời, tính bội bạc… Với Truyện cổ Chăm, tôi hi vọng các em không chỉ nhận những bài học tốt đẹp, mà còn bước vào thế giới cổ tích lấp lánh điều kì diệu, nuôi dưỡng trái tim nhân hậu, giàu thương yêu”.
Ấn bản Truyện cổ Chăm sẽ góp phần làm kho tàng truyện cổ các dân tộc Việt Nam thêm phong phú, đa dạng sắc màu.