Kinh nghiệm 'bỏ túi' dành cho các mẹ bầu khi bị chuột rút

22/02/2019 - 16:52
Trước khi mang thai, tôi đã được các chị em có kinh nghiệm “bổ sung” cho rất nhiều kiến thức, nào là mang thai vất vả lắm, thường xuyên nôn ọe này, người luôn ở trạng trái lâng lâng như say xe, rồi sẽ bị phù chân..., hay thậm chí là giảm cả trí nhớ nữa.
Đây là câu chuyện của thai phụ Trần Thanh Hương 27 tuổi (Nam Định) và tình huống chị gặp phải khá phổ biến đối với các bà mẹ mang thai.
 
Chị kể: tôi đã chuẩn bị tinh thần rất kỹ lưỡng, vậy mà thật may mắn làm sao, tôi trải qua 3 tháng đầu – thời gian khủng khiếp với đa số các chị em – một cách nhẹ nhàng và thoải mái. Tôi ăn uống được, ngủ được, không hề có cảm giác buồn nôn hay chóng mặt như người ta vẫn nói. Người ta thì sụt cân vì nghén, còn tôi thì tăng những 2 cân liền. Tôi thở phào nhẹ nhõm, hóa ra là mang thai cũng đơn giản thôi, đâu có đến nỗi khủng khiếp lắm đâu.
 
Thế nhưng đắc ý chưa lâu thì sự cố ập đến với tôi. Tối hôm đó, tôi đang nằm mơ những giấc mơ đẹp, thì bỗng thấy bắp chân trái co rút thành một khối cứng, đau đến mức tôi phải bật khóc. Chồng tôi bật dậy, lắp bắp hỏi: “Sao, sao thế em?”. Tôi chỉ bắp chân, chỉ khóc mà không nói lên được thành lời. Chồng tôi phải xoa bóp chân cho tôi mãi tôi mới trở lại trạng thái bình thường được.
 
 
cach-massage-chan-giam-chung-phu-ne-cho-me-bau-3.jpg
 
 
Ngay ngày hôm sau, tôi xin nghỉ phép để đi khám bệnh. Lắng nghe tôi mô tả chứng bệnh của mình xong xuôi, bác sỹ cười và bảo tôi hãy lấy máu để làm xét nghiệm trước đã. Nộp phí, lấy máu xong, khoảng nửa tiếng sau thì có kết quả xét nghiệm, tôi vội vàng đưa cho bác sỹ xem. Hóa ra, tôi bị chuột rút là do hạ canxi máu và cần phải bổ xung canxi gấp.
 
 Những nguyên nhân gây và cách phòng tránh
 
Có rất nhiều bà mẹ tương lai gặp hiện tượng chuột rút khi mang thai, đa phần bị ở bắp chân. Đó là hiện tượng phản ứng sinh lý tự nhiên, do một số bất thường trong cơ thể gây ra, cụ thể như:
 
Thiếu canxi: Như  chúng ta đã biết, xương của thai nhi được hình thành nhờ nguồn cung canxi từ người mẹ, do vậy, phụ nữ mang thai cần phải đảm bảo dung nạp lượng canxi từ 1200mg đến 1500mg mỗi ngày. Nếu người mẹ không có đủ canxi, sẽ dẫn đến hạ canxi đường huyết, mà canxi là nguyên nhân quan trọng khiến cơ bắp bị co rút, tế bào phân liệt. Do mức canxi đường huyết ban đêm thường thấp hơn ban ngày, nên hiện tượng chuột rút thường xảy ra vào ban đêm.
 
Thai phụ đi bộ quá nhiều hoặc đứng quá lâu: Việc này sẽ làm gia tăng gánh nặng cho cơ bắp ở chân, dẫn đến hiện tượng chuột rút. Cũng không nên cho rằng ngủ càng nhiều là càng tốt. Thời gian ngủ quá dài sẽ khiến tuần hoàn máu trong cơ thể chậm đi, giảm quá trình trao đổi chất, gây hiện tượng chuột rút.
 
Do lạnh: Nếu nhiệt độ trong phòng vào đêm đông thấp, đắp chăn không đủ ấm hoặc thò chân ra ngoài, hoặc nằm nghiêng quá lâu cũng dẫn đến bị chuột rút.
 
Để phòng tránh việc thiếu canxi, phụ nữ mang thai nên chú ý ăn nhiều thực phẩm có hàm lượng canxi phong phú, như vừng, sữa và các sản phẩm từ sữa, sườn, và tôm nguyên vỏ. Hản sản có hàm lượng chất đạm cao, rất có lợi cho sự phát triển của thai nhi, đồng thời giảm hiện tượng co rút cơ bắp. Khi bổ xung canxi, cũng cần chú ý hàm lượng Vitamin D nạp vào cơ thể bằng cách tắm nắng thường xuyên để giúp hấp thụ tối đa canxi. Mỗi ngày, phụ nữ mang thai nên uống một cốc nước cam tươi để bổ sung khoáng chất.
 
Nếu chỉ dựa bổ sung canxi từ nguồn thực phẩm thì có lúc chưa đủ nhu cầu cho thai phụ. Do vậy, thai phụ cũng nên lựa chọn viên canxi uống, mỗi ngày chỉ cần uống một viên, hoặc hai ngày một viên là đủ. Khi uống canxi có thể gây hiện tượng táo bón, thai phụ nên uống nhiều nước, ăn nhiều rau xanh và các thực phẩm nhuận tràng khác.
 
Ngoài ra, áp dụng các biện pháp sau đây cũng sẽ làm giảm hiện tượng chuột rút ở thai phụ: tránh đi bộ hoặc đứng quá lâu, khi ngủ cần giữ ấm bàn chân và bắp chân, khi nằm nghỉ cần gác chân cao hơn một chút, thường xuyên tự massage chân để tăng cường tuần hoàn máu. Trước khi đi ngủ mỗi tối, có thể dùng nước ấm ngâm chân trong 10 phút, sẽ giúp phòng tránh hiện tượng chuột rút và có lợi cho chất lượng giấc ngủ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm