pnvnonline@phunuvietnam.vn
Kinh nghiệm của một số quốc gia trong tăng thuế thuốc lá để giảm số người hút thuốc

Ảnh minh họa
Tăng thuế giúp giảm tỉ lệ hút thuốc lá
Chia sẻ tại Hội thảo Chia sẻ thông tin về hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá do Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) vừa tổ chức, ThS. Phan Thị Hải, Phó Giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá, khẳng định thuế là giải pháp hữu hiệu vừa đạt mục tiêu kép về giảm tỉ lệ sử dụng, giảm bệnh tật và tử vong, đồng thời giúp tăng cho ngân sách nhà nước.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tăng thuế và giá thuốc lá là giải pháp quan trọng, đóng góp khoảng 60% hiệu quả trong việc giảm tỉ lệ sử dụng thuốc lá. WHO ước tính khi tăng thuế để giá tăng 10% thì sẽ giảm tiêu dùng khoảng 4%-5%. Đặc biệt, có thể giảm tới 10% hoặc hơn ở trẻ em và người nghèo.

Tại Hội thảo Chia sẻ thông tin về hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá, các chuyên gia đã đưa ra nhiều đề xuất về tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với các sản phẩm thuốc lá
Tại Thái Lan, quốc gia này áp dụng thuế thuốc lá theo tỷ lệ % tính trên giá bán buôn (khác với thuế Việt Nam theo tỷ lệ % tính trên giá xuất xưởng). Từ năm 1993 đến năm 2017, Chính phủ Thái Lan đã thực hiện 11 lần tăng thuế (trung bình 2 năm tăng 1 lần) từ mức thuế 55% lên 90% trên giá bán buôn (tương đương với việc tăng từ 120% lên 700% nếu tính trên giá xuất xưởng như cách tính thuế của Việt Nam).
Từ năm 2018, Thái Lan chuyển sang áp dụng hệ thống thuế hỗn hợp với các sản phẩm thuốc lá. Việc đánh thuế thuốc lá cao và tăng thuế liên tục đã đem lại những kết quả rất tích cực như: Giảm tỷ lệ hút thuốc lá, tỷ lệ hút thuốc lá của người trưởng thành trong toàn quốc đã giảm từ 32% (1991) xuống còn 17,4% (2021); Tăng thu ngân sách, thu ngân sách từ thuế thuốc lá của Thái Lan đã tăng gấp hơn 4 lần, từ 500 triệu USD (1993) lên 2,1 tỷ đô (2021). Những năm từ 2018 – 2022, mặc dù sản lượng thuốc lá ở mức thấp nhất trong vòng 20 năm nhưng thu ngân sách từ thuốc lá ở Thái Lan vẫn ở mức cao.
Còn tại Philippines đã áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá theo hệ thống thuế tuyệt đối. Trước năm 2012, mức thuế thấp và hệ thống thuế đa tầng bộc lộ nhiều hạn chế đã khiến cho giá thuốc lá ở Philippines thời kỳ này luôn ở mức thấp, trong khi thu nhập bình quân đầu người tăng đã làm tăng sức mua. Tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở nam giới Philippines trước năm 2012 là 47,7% và ở nữ giới là 9% (2009). Từ năm 2013-2017, Philippines tăng mạnh thuế suất đều đặn qua các năm. Đến năm 2017, chỉ áp dụng một mức thuế chung (khoảng 0,75 USD/bao thuốc).
Từ 2018-2023, thuế suất tiếp tục tăng đều mỗi năm, đạt gần 1 USD/bao thuốc vào 2023. Từ sau 2023, mức thuế tiếp tục điều chỉnh tăng mỗi năm 5%. So với năm 2012, thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá cao cấp tại quốc gia này tăng 110% và thuốc lá phổ thông tăng hơn 700%.

Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá tại Philippines, giai đoạn 2012 - sau 2023. Nguồn: The ASEAN Tobacco Atlas 2024
Tăng thuế thuốc lá ở Philippines đã giúp giảm 30% tỷ lệ hút thuốc lá và tăng thu thuế hơn 400%. Phần lớn doanh số gia tăng từ thu thuế thuốc lá được dành cho y tế, chủ yếu là vào Chương trình Bảo hiểm y tế quốc gia.
Bài học kinh nghiệm với Việt Nam
ThS Phan Thị Hải cho biết, kinh nghiệm ở Thái Lan và Philippines cho thấy, khi thuế tăng thì tiêu thụ giảm, tỷ lệ hút thuốc giảm nhưng thu thuế của chính phủ vẫn tăng cao. Khi so sánh tỷ lệ thuế, tiêu dùng và doanh thu thuế của của Thái Lan, Philippines và Việt Nam, có thể thấy tổn thất lớn về doanh số thu thuế do áp thuế thuốc lá thấp ở Việt Nam.
Cụ thể, sản lượng thuốc lá tiêu thụ ở Thái Lan ít hơn 1/2 so với sản lượng tiêu thụ ở Việt Nam (1,7 tỷ bao so với 4,2 tỷ bao) nhưng doanh số thu thuế từ thuốc lá lại cao gấp 3 lần (2,1 tỷ USD so với 767 triệu USD). Tương tự, sản lượng thuốc lá tiêu thụ ở Philippines thấp hơn đáng kể so với Việt Nam (3,35 tỷ bao so với 4,2 tỷ bao) nhưng doanh thu từ thuế cũng cao gấp hơn 4 lần (2,9 tỷ USD so với 767 triệu USD).
Điều này cho thấy tỷ lệ thuế Việt Nam còn rất thấp và nếu tăng thuế thì nguồn thu ngân sách sẽ tăng lên rất đáng kể. "Từ những kết quả phân tích về lợi ích của tăng thuế thuốc lá và những kinh nghiệm thực tế về cải cách thuế thuốc lá tại các quốc gia cho thấy việc tăng thuế thuốc lá là một chính sách "Cùng thắng - (win - win)" vì vừa phát huy được hiệu quả trong giảm mức tiêu dùng vừa mang lại nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Xét về tổng thể, tăng thuế thuốc lá mang lại lợi ích cho toàn xã hội về cả sức khỏe và kinh tế", ThS Hải cho biết.

Bộ Y tế và WHO khuyến nghị cần bổ sung mức thuế tuyệt đối với sản phẩm thuốc lá ở mức ít nhất 5.000 đồng/bao vào năm 2026
Tuy nhiên, để chính sách thuế có thể phát huy được tác dụng hữu hiệu, cần thiết phải phải tăng mạnh mức áp thuế và tăng liên tục như kinh nghiệm của Philippines, Thái Lan...
So sánh với thực tế trong nước những năm qua cho thấy nếu chỉ tăng thuế một lần và ở mức thấp thì tiêu dùng chỉ giảm trong ngắn hạn rồi lại tăng trở lại. Do đó, thuế thuốc lá phải tăng đều qua các năm để đảm bảo theo kịp mức tăng thu nhập và lạm phát.
Không chỉ thế, so với các nước, mức thuế thuốc lá hiện nay ở Việt Nam còn rất thấp (36% giá bán lẻ, 2022), thấp hơn so với mức trung bình của các quốc gia có cùng mức thu nhập (59%) và chỉ bằng 1/2 so với hầu hết các nước ASEAN (Thái Lan 78,6%, Philippines 71,3%, Singapore 67,5%, Indonesia 62,3%) trong khi theo khuyến cáo của WHO và Ngân hàng Thế giới, tỷ trọng thuế thuốc lá trên giá bán lẻ phải đạt từ 75% trở lên mới thực sự có tác động làm giảm tiêu dùng.
Bởi vậy, Việt Nam cần có chính sách tăng mạnh thuế thuốc lá và tăng đều liên tục qua các năm để đạt mục tiêu kép vừa tăng doanh thu thuế từ thuốc lá vừa giảm được mức tiêu dùng thuốc lá trong cộng đồng.
Để đảm bảo đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá theo Chiến lược quốc gia về phòng chống tác hại thuốc lá tới năm 2030 đã được Thủ tướng phê duyệt, Bộ Y tế và WHO khuyến nghị cần bổ sung mức thuế tuyệt đối với sản phẩm thuốc lá ở mức ít nhất 5.000 đồng/bao vào năm 2026 và tăng dần đạt 15.000 đồng/bao vào năm 2030, bên cạnh thuế tỷ lệ hiện tại là 75%.