Kinh nghiệm quốc tế trong áp dụng hạn ngạch giới

Nhu Thụy (Theo IPU)
12/04/2021 - 11:00
Kinh nghiệm quốc tế trong áp dụng hạn ngạch giới

Các nghị sĩ Quốc hội Afghanistan đến dự lễ nhậm chức tại Kabul, năm 2001 - Ảnh: news.un.org/

Nhiều phụ nữ đã thiết lập một mạng lưới giữa các đảng mang tên “Mạng lưới hỗ trợ”. Qua đó, buộc các đảng cam kết đảm bảo hạn ngạch với nguyên tắc luân phiên. Có nghĩa là các đảng luân phiên tên nam và nữ trong danh sách nhằm đảm bảo phụ nữ không chỉ chiếm 50% các ứng viên mà còn 50% đại biểu được bầu.

Theo Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), các quốc gia có hạn ngạch giới đã bầu chọn nhiều phụ nữ vào Quốc hội hơn so với những nước không có hạn ngạch. Chính sách hạn ngạch giới trong bầu cử hiện được thông qua và áp dụng tại hơn 130 quốc gia. Sự tuân thủ hạn ngạch giới cho nữ ứng cử viên được giám sát bởi các cơ quan độc lập, bao gồm ủy ban bầu cử, tòa án, các tổ chức phi chính phủ và các nhóm phụ nữ. Tuy nhiên, việc quy định hạn ngạch về giới cần gắn với việc trao quyền thật sự cho phụ nữ và phải đảm bảo rằng, phụ nữ sẽ có khả năng sử dụng quyền lực ấy một cách hiệu quả.

Theo IPU, hạn ngạch đóng vai trò như một lá chắn chống lại tình trạng tuột dốc số phụ nữ tham gia quốc hội. Tại Bỉ, Đạo luật Tobback - Smet tăng tỷ lệ nữ nghị sĩ Hạ viện (Quốc hội) từ 16% trước đây lên 25% năm 1999. Theo đạo luật trên, các đảng phái chính trị được yêu cầu đảm bảo ít nhất 1/3 danh sách ứng cử viên thuộc nhóm giới tính ít được đại diện, trong trường hợp này là phụ nữ. Nhờ đó, Hạ viện Bỉ đã chứng kiến tỷ lệ nữ nghị sĩ tăng lên 38% năm 2007 và hiện đạt hơn 41% trong Hạ viện và 50% tại Thượng viện.

Ở Thụy Điển, năm 1991, lần đầu tiên tỷ lệ nữ trong nghị viện giảm so với những năm 1920, từ 38% xuống 34%. Điều này cho thấy những điểm yếu của các đảng trong việc tuyển chọn ứng cử viên nữ. Nhiều phụ nữ đã thiết lập một mạng lưới giữa các đảng mang tên "Mạng lưới hỗ trợ". Qua đó, buộc các đảng cam kết đảm bảo hạn ngạch với nguyên tắc luân phiên. Có nghĩa là các đảng luân phiên tên nam và nữ trong danh sách nhằm đảm bảo phụ nữ không chỉ chiếm 50% các ứng viên mà còn 50% đại biểu được bầu. Việc áp dụng biện pháp này phụ thuộc vào sự sẵn sàng của lãnh đạo đảng trong việc lựa chọn các nữ ứng cử viên có chất lượng cao. Điều này dẫn đến tỷ lệ đại diện của phụ nữ trong Quốc hội Thụy Điển chiếm 47%.

Tại Indonesia, các nhà hoạt động đã kiên trì đấu tranh để có thể đưa quy định về hạn ngạch giới thành một điều luật và đã thành công. Khoảng 30% hạn ngạch tự nguyện cho mỗi bên đã được quy định trong Điều luật số 12 năm 2003. Điều luật nêu rõ, mỗi đảng phái chính trị trong cuộc bầu cử được phép đề cử ứng viên làm thành viên của Nghị viện cấp quốc gia, cấp tỉnh và cấp địa phương cho mỗi khu vực bầu cử, với tỷ lệ hiện diện của phụ nữ ít nhất là 30%.

Tuy nhiên, có một thực tế là đôi khi quy định về hạn ngạch giới không được thực hiện nghiêm túc. Để khắc phục tình trạng này, có một số khuyến nghị được đưa ra như: Cơ quan bầu cử có tính cam kết cao và hợp tác tìm cách khắc phục; phải thiết lập cơ sở dữ liệu bầu cử hoàn chỉnh, cho phép việc phân tích sâu liên tục các dữ liệu để kịp thời thiết kế lại chính sách và thu hẹp khoảng cách giới.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm