Cô giáo 14 năm tuổi nghề có 24 công trình, sản phẩm khoa học

An Khê
10/04/2021 - 08:39
Cô giáo 14 năm tuổi nghề có 24 công trình, sản phẩm khoa học

Bằng sự cống hiến hết mình cho sự nghiệp giảng dạy và nghiên cứu khoa học, nhà giáo Đặng Thị Minh Thu đã được ghi nhận bằng 24 giải thưởng, bằng khen, chứng nhận sáng kiến khoa học...

Sau 14 năm gắn bó với công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học, cô giáo Đặng Thị Minh Thu (trường THPT Ngô Sĩ Liên, Bắc Giang) đã chủ trì và tham gia nhiều công trình, đề tài khoa học được áp dụng vào thực tiễn.
Tâm đắc với đề tài STEM

Năm 2016, cô Đặng Thị Minh Thu công bố đề tài "Nghiên cứu, xây dựng hệ thống các bài thực hành hóa học ở trường THPT theo mô hình định hướng sản phẩm". Đây là đề tài được áp dụng vào thực tế giúp cho học sinh có cách nhìn trực quan hơn giữa cuộc sống và hóa học. Đề tài đã được Trung ương đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tặng Bằng khen "Tri thức trẻ vì giáo dục" năm học 2016-2017.

Say mê nghiên cứu, năm học 2017-2018, cô tiếp tục tham gia đề tài khoa học cấp tỉnh "Nghiên cứu nâng cao năng lực tự học cho học sinh lớp 10 thông qua chuyên đề môn Toán học, Vật Lý, Hóa học" với vai trò là thành viên chính và thư ký khoa học. Với đề tài này, cô cùng nhóm các thầy cô giáo đã giúp cho các học sinh nâng cao năng lực tự học, tiếp thu bài giảng theo phương pháp mới.

Năm học 2018-2019, cô Thu tiếp tục tham gia đề tài khoa học cấp ngành "Ứng dụng công nghệ AI chatbot xây dựng trợ lý giáo viên ảo nhằm hỗ trợ đổi mới phương pháp dạy – học, xây dựng bản đề mô với bộ môn hóa học lớp 10".

Đồng thời, cô cũng vừa đạt giải Nhì sáng tạo kỹ thuật cấp tỉnh năm 2019-2020 và đạt giải Ba cuộc thi sáng tạo kỹ thuật cấp quốc gia. Giải pháp sáng tạo cô tham gia được đăng trong Sách Vàng sáng tạo Việt Nam 2020 với đề tài "Phát triển các kỹ năng STEM cho học sinh THPT thông qua hoạt động nghiên cứu khoa học theo định hướng giáo dục mới" cùng nhóm phát triển đề tài.

Chia sẻ về đề tài khoa học này, cô Thu cho biết: "Tôi tâm đắc nhất với đề tài về STEM. Trước xu thế đổi mới phương pháp dạy học theo định hướng giáo dục mới thì bằng kinh nghiệm dạy học được đúc rút từ nhiều năm và các kiến thức mới theo xu thế thời đại, bản thân tôi nhận thấy sử dụng hoạt động nghiên cứu khoa học và tổ chức các cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật với nhiều chủ đề khác nhau sẽ là tiền đề để phát triển các kỹ năng STEM cho học sinh".

Đề tài xây dựng được khung 29 dự án STEM (STEM: Khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học) tích hợp liên môn toán, lý, hóa, sinh học, công nghệ, địa lý, robot, máy thông minh, có bảng mô tả cụ thể, chi tiết cách thực hiện 8 dự án nghiên cứu khoa học theo định hướng giáo dục STEM. Thẩm định chất lượng của dự án nghiên cứu khoa học thông qua các cuộc thi của tỉnh, quốc gia đã chứng minh cho tính khả thi và thực tiễn của các dự án. Kết quả là 15/29 dự án trong khung hệ thống dự án đều đạt giải từ cấp thành phố, cấp tỉnh và cấp quốc gia. 3 dự án được đưa vào ứng dụng thực tiễn đời sống như dự án mộc bản, dự án máy bắt bọ xít, dự án bộ chỉ thị...

Cô giáo 14 năm tuổi nghề có 24 công trình, sản phẩm khoa học - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương tặng bằng khen cho các tác giả có dự án đoạt giải Ba hội thi Sáng tạo Kỹ thuật toàn quốc lần thứ 15 (cô Đặng Thị Minh Thu thứ 2 từ trái qua)

Nhân duyên với ngành sư phạm

Nhà giáo Đặng Thị Minh Thu sinh ra ở thị trấn Bố Hạ, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang, cô tốt nghiệp trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội vào năm 2006. Gia đình cô có truyền thống làm trong ngành giáo dục cho nên cô đã tiếp nối truyền thống ấy để trở thành một nhà giáo. Ngày 1/9/2008, cô bắt đầu công tác tại trường THPT Ngô Sĩ Liên (Bắc Giang) dạy chuyên môn Hóa.

Chia sẻ về những khó khăn khi vừa dạy học, vừa nghiên cứu đề tài, lại vừa phải làm trọn vẹn vai trò của người phụ nữ của gia đình, cô Thu cho biết, chuyên môn Hóa do cô giảng dạy là một môn học khó cho nên sẽ không có nhiều thời gian để dành cho hoạt động nghiên cứu khoa học, cũng không có hỗ trợ tài chính để có thể đầu tư làm thực nghiệm các đề tài lớn. Bên cạnh đó các công việc tề gia nội trợ chăm sóc con cái vẫn phải hoàn thành tốt.

Điều khiến cô có nhiều động lực nhất có lẽ là sự đồng tình ủng hộ của Ban Giám hiệu nhà trường đã hỗ trợ cô cả về thời gian và không gian làm việc, "đây là một điều đáng quý nhất ở trường THPT Ngô Sĩ Liên so với các trường THPT khác", cô Thu chia sẻ. Cô cũng cho biết, bên cạnh sự tạo điều kiện của nhà trường, thì trong gia đình, người bạn đời của cô cũng luôn ủng hộ cô trong công việc.

Hiện nay, cô Đặng Thị Minh Thu vẫn đang nghiên cứu các đề tài về hoạt động hướng nghiệp theo mô hình giáo dục STEM vì các học sinh thân yêu. Nói về nguồn sức mạnh chính tạo động lực cho quá trình nghiên cứu khoa học của mình, cô cho hay: "Học sinh không phải là chiếc bình rỗng phải nhồi nhét cho đầy kiến thức mà là một ngọn đèn cần được thắp sáng. Người Thầy trong thời đại hiện nay đã có một vị trí mới, cao hơn, khó khăn bội phần, là luôn làm mới mình và ở bên cạnh người học. Hiểu theo cả theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng: Giúp người học chiếm lĩnh, giúp người học tự đào tạo điều này có nghĩa là người thầy vừa là thầy vừa là nhà nghiên cứu khoa học".

Bằng sự cống hiến hết mình cho sự nghiệp giảng dạy và nghiên cứu khoa học, nhà giáo Đặng Thị Minh Thu đã được ghi nhận bằng 24 giải thưởng, bằng khen, chứng nhận sáng kiến khoa học... từ cấp trung ương đến cấp tỉnh/thành, cấp ngành. Tuy nhiên, đối với cô, giá trị thực sự nằm ở lớp học sinh ngày một lớn lên, mang những kiến thức từ phương pháp giảng dạy khoa học mà cô và đồng nghiệp đã nghiên cứu để tự tin bước vào đời.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm