Chân dung 10 nữ khoa học đầu tiên nhận giải thưởng Kovalevskaia Việt Nam

An Khê
06/03/2021 - 07:15
Chân dung 10 nữ khoa học đầu tiên nhận giải thưởng Kovalevskaia Việt Nam

Nhà giáo ưu tú Bùi Thị Tý (trái) và PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Chi (phải) và nguyên Phó Chủ tịch nước, nguyên Chủ tịch Ủy ban Giải thưởng Kovalevskaia Việt Nam.

Giải thưởng mang tên nhà nữ Toán học lỗi lạc người Nga - Kovalevskaia - bắt đầu được xét trao cho các nhà khoa học nữ Việt Nam thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên từ năm 1985. Đến nay đã có 17 nhà khoa học và 44 tập thể nữ khoa học nhận được giải thưởng ý nghĩa này.

1. Nhà giáo ưu tú Bùi Thị Tý

Nhà giáo ưu tú Bùi Thị Tý sinh năm 1936 tại Nam Định, bà học chuyên ngành toán học và nhận giải thưởng Kovalevskaia năm 1985 khi đang công tác tại Trường THPT Chuyên Nguyễn Huệ Hà Tây (nay là TP Hà Nội). Bà được phong Nhà giáo ưu tú năm 1985 và nghỉ hưu năm 1993 khi giữ chức vụ Phó Hiệu trưởng trường PTTH chuyên Nguyễn Huệ. Bà là Đại biểu Quốc hội 4 khóa: IV, V, VI, VII và là Ủy viên Ban chấp hành Liên hiệp Công đoàn tỉnh Hà Tây khóa 1968 – 1971.

Chân dung 10 nữ khoa học đầu tiên nhận giải thưởng Kovalevskaia - Ảnh 1.

Nhà giáo ưu tú Bùi Thị Tý (trái) và PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Chi (phải) và nguyên Phó Chủ tịch nước, nguyên Chủ tịch Ủy ban Giải thưởng Kovalevskaia Việt Nam

Nhà giáo ưu tú Bùi Thị Tý có nhiều đề tài nghiên cứu khoa học áp dụng vào thực tế giảng dạy như Đề tài Bất đẳng thức; Cực trị của một biểu thức hoặc một hàm số áp dụng bài toán cực trị vào đời sống thực tế trong sản xuất; Áp dụng định lý đảo về dấu tam thức bậc 2;…

 Các giải thưởng bà được trao tặng: Bằng Lao động Sáng tạo năm 1984; Danh hiệu Nhà giáo ưu tú năm 1985; Bằng khen của Bộ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo năm 1991; Bằng khen của Ủy ban Thiếu niên Nhi đồng tỉnh Hà Sơn Bình năm 1988; Bằng khen của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam năm 1988; Hầu hết các năm công tác và đều đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua, giáo viên giỏi có nhiều sáng kiến kinh nghiệm trong giảng dạy… 10 năm liền 1978-1988 đạt danh hiệu "Người phụ nữ mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc".

 2. PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Chi

PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Chi sinh năm 1935 tại vùng quê Thạch Thất, Hà Nội. Bà mất năm 2016. Sinh thời, bà công tác trong ngành Dược và nhận giải thưởng Kovalevskaia năm 1985 khi đang là Phó Tổng Giám đốc Liên hiệp các xí nghiệp Dược Việt Nam.

Năm 1968 bà chủ nhiệm đơn vị nghiên cứu chuyên đề sản phẩm ong và chiết xuất dược liệu. Trên 25 năm tham gia nghiên cứu chuyên đề đã chủ trì 11 đề tài về sản phẩm ong đưa vào sản xuất và đã đóng góp vào giá trị tổng sản lượng của xí nghiệp. Đã chủ trì 74 công trình nghiên cứu khoa học ứng dụng vào sản xuất của xí nghiệp và làm ra nhiều mặt hàng có uy tín trên thị trường.

Các giải thưởng bà được trao tặng: Huân chương lao động hạng Ba; Huy chương "Vì sự nghiệp chăm sóc sức khỏe cộng đồng"; Được tặng 17 bằng Lao động Sáng tạo và 1 Huy chương Vàng cho các sản phẩm từ nghiên cứu khoa học.

3. PGS.TS. Nguyễn Thị Báu

Cố PGS.TS.Nguyễn Thị Báu sinh năm 1938 tại Nha Trang (Khánh Hòa). Năm 1975 bà đạt học vị Tiến sĩ tại Mạc tư Khoa, Liên Xô cũ (nay là Matxcơva, Liên bang Nga) và được phong học hàm Phó Giáo sư năm 1991. Bà nhận Giải thưởng Kovalevskaia năm 1986 khi đang làm Phó Viện trưởng Viện Công nghiệp Dệt sợi, Bộ Công nghiệp. Sau này bà trở thành Viện trưởng và là Phó Chủ nhiệm Chương trình nghiên cứu trọng điểm Nhà nước 1991-1995.

Trong quá trình làm việc và nghiên cứu khoa học, bà đã nghiên cứu ra những nguyên liệu mới, công nghệ mới từ các nguồn trong nước và nhập khẩu nhằm sử dụng hợp lý các loại nguyên liệu đó. Bà cũng thực hiện thành công nhiều đề tài nghiên cứu khoa học đạt kết quả tốt có ứng dụng vào sản xuất như: Cải tiến quy trình công nghệ nâng cao chất lượng sợi; Nghiên cứu sử dụng các loại nguyên liệu mới như bông Sơn La, sợi Visco…; Nâng cao chất lượng sợi sản xuất từ bông Liên Xô.

Các giải thưởng bà được trao tặng: Huy chương "Vì sự nghiệp công nghiệp"; Bằng Lao động Sáng tạo của Tổng Công đoàn Việt Nam cùng nhiều Bằng khen của Bộ Công nghiệp nhẹ, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.

4. PGS.TS. Nguyễn Thị Thế Trâm

PGS.TS. Nguyễn Thị Thế Trâm sinh năm 1930 tại Bình Định. Bà nhận giải thưởng Kovalevskaia năm 1986 khi đang là Viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang từ năm 1975 đến tháng 10/1997

Chân dung 10 nữ khoa học đầu tiên nhận giải thưởng Kovalevskaia - Ảnh 2.

PGS.TS. Nguyễn Thị Thế Trâm (áo trắng bên trái)

Với cương vị Viện trưởng, trong 23 năm bà đã tổ chức quản lý tốt, đoàn kết và phối hợp đồng bộ các hoạt động từ viện đến các tỉnh khu vực miền Trung, xây dựng được đội ngũ cán bộ, đã hướng dẫn và đào tạo nhiều cán bộ trẻ nối tiếp sự nghiệp công tác y học dự phòng khu vực miền Trung, đưa Viện Pasteur Nha Trang ngang tầm Quốc tế.

Bà cùng cán bộ trẻ đã nghiên cứu 60 đề tài khoa học (tập thể và cá nhân) trong lĩnh vực vệ sinh dịch tễ và miễn dịch học. Thành tích trong đào tạo nổi bật của bà là hướng dẫn 10 nghiên cứu sinh bảo vệ xuất sắc luận án Tiến sĩ và hướng dẫn nhiều Thạc sĩ.

Các giải thưởng bà được trao tặng: Huân chương Độc lập Hạng ba ; Huân chương Lao động hạng Hai; Huân chương Lao động hạng Ba; Huân chương Kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ hạng Hai ; Bằng khen Hội đồng Bộ trưởng năm 1981 và 2004 ; Bằng khen Phụ nữ tài năng toàn quốc năm 1985 ; Chiến sĩ thi đua toàn quốc 1981 -1986; Thầy thuốc Nhân dân năm 1997; Huy hiệu 65 tuổi Đảng; cùng nhiều huy chương và bằng khen khác.

 5. GS.TS.Nguyễn Thị Thu Cúc

GS.TS. Nguyễn Thị Thu Cúc sinh năm 1945 tại Mỹ Đức (Hà Nội). Bà giành giải thưởng Kovalepskaia năm 1987. Bà là giảng viên trường Đại học Cần Thơ, nghiên cứu khoa học, đồng thời là Phó Chủ tịch Hội Côn trùng học Việt Nam.

Bà đã từng đào tạo cho 39 Thạc sĩ và 3 Tiến sĩ, tham gia nghiên cứu hoàn thành 1 đề tài cấp nhà nước, chủ nhiệm 2 đề tài cấp bộ, 5 đề tài cấp tỉnh, chủ nghiệm 18 đề tài hợp tác quốc tế, 18 đề tài cấp trường; công bố 111 bài báo khoa học và biên soạn hàng chục cuốn sách nghiên cứu khoa học ứng dụng trong lĩnh vực vi sinh vật.

Các danh hiệu bà được trao tặng: Nhà giáo ưu tú, Nhà giáo nhân dân; Danh hiệu chiến sĩ thi đua vào các năm 1985, 1986, 1987, 1988, 1989, 1990, 1991;… Bà được tặng thưởng nhiều huy chương vì sự nghiệp giáo dục, sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc…; Huy chương "Vì sự nghiệp truyền hình trong lĩnh vực khuyến nông"; Huy chương "Vì sự nghiệp phát triển nông nghiệp và nông thôn"; Huy chương Vì sự nghiệp nông dân; Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp Khoa học và công nghệ"; Các giải thưởng: Bông lúa vàng năm 2004, 2010; Cúp vàng "Vì sự phát triển cây ăn quả tại Việt Nam"; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo (1982, 1991, 1999, 2002 và 2005);…

6. PGS.TS. Nguyễn Thị Dần

PGS.TS. Nguyễn Thị Dần sinh năm 1930 tại Bình Định. Bà nhận giải thưởng Kovalevskaia năm 1987 trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học Nông hóa, Thổ nhưỡng khi đang làm Trưởng bộ môn Nghiên cứu Đất cơ bản, Viện Thổ nhưỡng Nông hoá, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Thành tích nghiên cứu khoa học nổi bật của bà là chủ trì 5 đề tài cấp nhà nước, 12 đề tài cấp ngành và cấp Bộ, thực hiện 25 đề tài, dự án cấp cơ sở, viết được 22 báo cáo khoa học hàng năm và cho các hội nghị, hội thảo. Tham gia biên soạn 5 cuốn sách khoa học kỹ thuật, 11 tài liệu phổ biến khoa học kỹ thuật và giáo trình; Công bố 47 công trình đã được đăng tải trên các Tạp chí Khoa học trong và ngoài nước.

Các công trình điển hình có nhiều đóng góp vào sản xuất đó là "Đặc tính lý hoá đất đỏ vàng, biện pháp canh tác và cơ sở khoa học" và đề tài "Cải tạo, sử dụng, nâng cao độ màu mỡ đất cát biển Việt Nam". Bà tham gia dự án "Xây dựng mô hình thử nghiệm cải tạo đất thoái hoá" tại huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang; Đào tạo, hướng dẫn 2 Tiến sĩ và 7 Thạc sỹ.

Các giải thưởng bà được trao tặng: Huy chương Kháng chiến hạng Nhất; nhiều Huy chương "Vì sự nghiệp phát triển nông nghiệp", "Vì sự nghiệp khoa học và công nghệ". Nhận nhiều Bằng khen của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam; của Bộ Nông Nghiệp, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Tổng Công đoàn Việt Nam, và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho những nghiên cứu khoa học suất sắc của mình. 

7. GS.TS. Phạm Thị Trân Châu     

PGS.TS. Phạm Thị Trân Châu sinh năm 1938 tại tỉnh Quảng Nam. Bà nhận giải thưởng Kovalevskaia năm 1998 khi đang công tác tại khoa Sinh học, Đại học Tổng hợp Hà Nội. Hiện tại bà là Ủy viên Hội đồng Tư vấn khoa học, Viện Vi sinh vật và Công nghệ sinh học, Đại học quốc gia Hà Nội. Bà là Đại biểu Quốc hội khóa IX và X.

Chân dung 10 nữ khoa học đầu tiên nhận giải thưởng Kovalevskaia - Ảnh 3.

GS.TS. Phạm Thị Trân Châu

Trong các công tác khác, bà giữ nhiều vai trò quan trọng như Chủ tịch Hội Hóa Sinh – Sinh học phân tử Việt Nam; Thành viên Ủy ban giải thưởng Kovalepskaia Việt Nam; Ủy viên Hội đồng Qũy hỗ trợ sáng tạo tài năng nữ của Tổng Liên đòan Lao động Việt Nam…

Bà đã nghiên cứu 22 đề tài, trong đó có 16 đề tài cấp Nhà nước; có: 98 công trình công bố trên các Tạp chí chuyên ngành trong và ngoài nước; có 50 báo cáo khoa học ở các hội nghị khoa học quốc gia và quốc tế.

Các giải thưởng, Huân/Huy chương của bà bao gồm danh hiệu Nhà giáo ưu tú, Huân chương lao động hạng Nhì, Ba; nhiều Huân chương "Vì sự nghiệp hòa bình, sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc"; các huy chương trong sự nghiệp giáp dục, sự nghiệp khoa học… cùng nhiều bằng khen của Hội đồng Bộ trưởng, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội... về công tác nghiên cứu, giảng dạy và quản lý.

8. GS.TS. Võ Hồng Anh

GS.TS. Võ Hồng Anh sinh năm 1942 tại Quảng Bình, bà mất năm 2009. Bà nhận giải thưởng Kovalevskaia năm 1988 khi đang công tác tại Viện Khoa học Kỹ thuật Hạt nhân, Viện Năng lượng nguyên tử Quốc gia.

Bà bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Toán - Lý về "Lý thuyết Plasma" tại Hội đồng Khoa học Viện Nghiên cứu vật lý hạt nhân thuộc Trường Đại học Tổng hợp Moskva, Liên Xô. Năm 1979, bà được cử sang Liên Xô, chính thức làm việc tại Viện Liên hợp Nghiên cứu hạt nhân Dubna, sau đó bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Toán - Lý với đề tài "Lý thuyết tác động tham số của bức xạ điện tử mạnh lên các tinh thể..." tại Hội đồng Khoa học Viện Liên hiệp nghiên cứu hạt nhân Dubna năm 1982. Bà đã công bố trên 50 công trình khoa học, phần lớn ở nước ngoài, trong số đó có cuốn sách về Lý thuyết tương tác của bức xạ cường độ mạnh lên chất rắn – được xuất bản ở nước Nga.

Chân dung 10 nữ khoa học đầu tiên nhận giải thưởng Kovalevskaia - Ảnh 4.

GS.TS. Võ Hồng Anh

Trong gần 40 năm làm công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học, bà đã thỉnh giảng, trao đổi nghiên cứu, dự hội nghị khoa học ở Liên Xô, Nhật Bản, Mỹ, Pháp, các nước Đông Âu, Ý, Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia... 

Bà được Viện Liên hợp Nghiên cứu Hạt nhân Dubna, Nga khen thưởng niên khóa 1979-1983. Được tặng Huy chương "Vì sự nghiệp Khoa học và công nghệ" và Huy chương "Vì sự nghiệp Khuyến học" cho những đóng góp của mình trong việc nghiên cứu khoa học và công tác khuyến học. Cùng nhiều bằng khen của Bộ Khoa học và công nghệ, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam…

9. PGS.TS. Lê Thị Kim

PGS.TS. Lê Thị Kim sinh năm 1937 tại Hà Nội. Bà đạt học vị Tiến sĩ năm 1973 tại Bungari và học Phó Giáo sư năm 1990. Bà nhận giải thưởng Kovalevskaia năm 1989 khi đang giữ chức vụ Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Dâu tằm tơ Trung ương.

Các thành tích nghiên cứu khoa học nổi bật của bà là Nghiên cứu nuôi tằm ăn lá sắn ở một số tỉnh miền núi; Nghiên cứu kỹ thuật nuôi tằm lưỡng hệ tằm con nuôi tập trung, tằm lớn nuôi dưới đất tại Mỹ Đức, Hà Tây; Kỹ thuật trồng dâu đồi trên núi Ba vì Hà Tây; Nghiên cứu các công thức lai đơn lai kép đối với tằm độc hệ nuôi trong điều kiện nhiệt độ cao ẩm độ cao; Nghiên cứu phòng trừ bệnh tằm gai; Lai tạo các giống tằm lưỡng hệ cho vụ xuân thu; Nghiên cứu ảnh hưởng của thức ăn đến kết quả nhân giống tằm. Nghiên cứu ảnh hưởng của tia cực tím đến sức sống của trứng tằm; Nghiên cứu các công thức sử lý HCL và ướp lạnh trứng tầm; Nghiên cứu nuôi tằm công nghiệp các giống tằm lưỡng hệ trong vụ hè.

Các kết quả nghiên cứu trên đã đươc ứng dụng vào sản xuất. Một số kết quả nghiên cứu đã được báo cáo tại hội nghị dâu tằm quốc tế tại Thái Lan, Ấn Độ, Trung Quốc và Bungari. Bà đã hướng dẫn 20 kỹ sư dâu tằm tơ, 1 Thạc sỹ và 2 Tiến sỹ. Có 27 công trình trong nước; 2 công trình tại nước ngoài.

Bà đã nhận được nhiều Huân chương "Vì sự nghiệp phát triển nông nghiệp", "Vì sự nghiệp Khoa học và công nghệ".

10. GS.BS. Vũ Thị Phan

GS.BS. Vũ Thị Phan sinh năm 1932 tại tỉnh Ninh Bình, bà mất năm 2014. Bà nhận giải thưởng Kovalevskaia năm 1989 khi đang giữ chức vụ Viện trưởng Viện Sốt rét – Ký sinh trùng và Côn trùng Trung ương, Bộ Y tế. Bà là Đại biểu Quốc hội khóa IV và V. Khi nghỉ hưu, bà làm Cố vấn chương trình Phòng chống Sốt rét Quốc gia và tiếp tục giảng dạy tại đại học Y Hà Nội.

Thành tích trong nghiên cứu khoa học nổi bật của bà là trực tiếp nghiên cứu và chỉ đạo nhiều đề tài cấp Bộ và một số chương trình cấp Nhà nước trong lĩnh vực sốt rét, côn trùng. Bà đã công bố 67 công trình từ các đề tài khoa học về dịch tễ học và phòng chống sốt rét; Chủ biên, biên soạn và tham gia biên soạn 09 cuốn sách và Atlas về bệnh sốt rét và phòng chống sốt rét, trong đó sách "Dịch tễ học bệnh sốt rét và phòng chống sốt rét ở Việt Nam" đã được dịch ra tiếng Pháp.

Các giải thưởng, huân/huy chương và các danh hiệu của bà bao gồm: Thầy thuốc nhân dân; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất; Huân chương Chiến thắng hạng Ba; Huy chương Chiến sĩ Điện Biên (năm 1985); Nhận 4 Bằng khen và Huy chương Lao động Sáng tạo của Tổng Công đoàn; Bằng khen Lao động xuất sắc của Liên Xô năm 1980; Huy chương "Vì Sức khỏe của Tổ chức Y tế thế giới", Huy chương "Vì sức khỏe  của  nhân dân"; Huy chương "Vì Thế hệ trẻ"...


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm