Kinh tế góp phần tạo nên sự phát triển lành mạnh của nền báo chí cách mạng Việt Nam

PV
14/06/2024 - 10:40
Kinh tế góp phần tạo nên sự phát triển lành mạnh của nền báo chí cách mạng Việt Nam

Hội thảo Kinh tế báo chí truyền thông Việt Nam trong bối cảnh phát triển kinh tế số” diễn ra ngày 14/6 tại Hà Nội.

“Trong lĩnh vực báo chí, kinh tế góp phần tạo nên sự phát triển lành mạnh của nền báo chí Cách mạng Việt Nam. Nếu không có sự hỗ trợ đắc lực của kinh tế, không thể có một cơ quan báo chí mạnh được”, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng chia sẻ tại Hội thảo Kinh tế báo chí truyền thông Việt Nam trong bối cảnh phát triển kinh tế số” diễn ra ngày 14/6 tại Hà Nội.

Hội thảo do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức. Đây là dịp các đại biểu thảo luận về bức tranh kinh tế báo chí Việt Nam; Đổi mới cơ chế quản lý để phát triển kinh tế báo chí truyền thông số và Bài toán kinh tế báo chí truyền thông Việt Nam, những gợi mở và kết nối ý tưởng.

Hội thảo cũng đã nhận được hơn 50 tham luận của các học giả hàng đầu về kinh tế và báo chí, truyền thông đến từ Việt Nam và nhiều nước trên thế giới như Đức, Áo, Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia…, chuyên gia đến từ các tập đoàn Google, Viettel, VieOn, Le Bross… Các tham luận và ý kiến đã tiếp cận phong phú theo nhiều góc độ, nhiều chiều cạnh về vấn đề kinh tế báo chí truyền thông trong bối cảnh kinh tế số.

Kinh tế góp phần tạo nên sự phát triển lành mạnh của nền báo chí cách mạng Việt Nam- Ảnh 1.

Toàn cảnh hội thảo

Gỡ những "nút thắt" liên quan đến kinh tế báo chí truyền thông

Chia sẻ tại Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho biết: Có thể thấy, kinh tế báo chí là một vấn đề vừa mang tính kinh viện vừa mang hơi thở của cuộc sống. Tại hội thảo, các ý kiến của đại diện các cơ quan, các diễn giả, nhà khoa học, lãnh đạo các cơ quan báo chí sẽ là những cái nhìn khách quan, đầy đủ các khía cạnh liên quan đến kinh tế báo chí truyền thông hiện nay. Qua đó, đề xuất và kiến nghị với cơ quan chỉ đạo báo chí, cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí và cơ quan có thẩm quyền những kiến giải tháo gỡ những "nút thắt" liên quan đến kinh tế báo chí truyền thông.

"Thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã nỗ lực điều hướng quảng cáo sang báo chí với việc lập danh sách Whitelist với thông điệp "Làm nội dung sạch sẽ nhận được quảng cáo, và quảng cáo sẽ tìm đến những nội dung sạch". Việc triển khai đã có kết quả bước đầu, song cần tiếp tục đẩy mạnh triển khai để phát huy hiệu quả như kỳ vọng", Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng thông tin thêm.

Kinh tế góp phần tạo nên sự phát triển lành mạnh của nền báo chí cách mạng Việt Nam- Ảnh 2.

Các đại biểu trình bày tham luận tại Hội thảo

Đánh giá về tầm quan trọng của phát triển kinh tế báo chí, PGS.TS Bùi Chí Trung, Phó Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông nhấn mạnh: "Việc phát triển kinh tế báo chí truyền thông không chỉ cần nhìn từ một vài trường hợp cụ thể, từ riêng một lĩnh vực hay loại hình riêng biệt mà cần được nhìn nhận ở quy mô tổng thể, chiến lược và toàn diện của hệ thống báo chí quốc gia, gắn với bối cảnh phát triển kinh tế số mạnh mẽ hiện nay. Từ đó có bước phát triển đột phá nhằm thực hiện tốt vai trò, chức năng báo chí cách mạng, của hệ thống truyền thông Việt Nam chuyên nghiệp và nhân văn".

PGS.TS. Đặng Thị Thu Hương, Phó Hiệu trưởng trường Đại học KHXH&NV (ĐHQG Hà Nội) đề xuất: Sự khác biệt về môi trường chính trị - xã hội khiến chúng ta không thể "bê" nguyên xi các lý thuyết của thế giới để áp dụng vào việc điều hành, tổ chức, quản lý hoạt động kinh tế báo chí ở Việt Nam. Trong quá trình chuyển đổi số, bên cạnh việc hỗ trợ cho các cơ quan báo chí, Chính phủ cần nghiên cứu tổng thể về kinh tế báo chí trong bối cảnh truyền thông số, đồng thời, xây dựng các nền tảng số Việt Nam, để Việt Nam không bị lệ thuộc hoàn toàn vào các nền tảng số sẵn có của nước ngoài.

Hội thảo quốc tế với chủ đề: "Kinh tế báo chí truyền thông Việt Nam trong bối cảnh phát triển kinh tế số" được tổ chức trong 1 ngày làm việc, với 3 phiên họp, thảo luận.

Các phiên thảo luận làm rõ vấn đề:

+ Những thành công, hạn chế, những vấn đề bất cập trong kinh tế báo chí tại Việt Nam.

+ Những mô hình, ý tưởng, cơ chế phát triển kinh tế báo chí, đúc kết từ những bài học kinh nghiệm quốc tế và những bước tiến mới tại Việt Nam.

+ Phân tích về những dự báo, vấn đề cần quan tâm chú trọng trong hoạt động kinh tế báo chí truyền thông trong bối cảnh phát triển kinh tế số trong thời gian tới.

+ Sự đồng hành của hệ thống cơ sở đào tạo báo chí truyền thông trong lĩnh vực kinh tế báo chí nói riêng cũng như trong sự phát triển bền vững lâu dài của báo chí Việt Nam.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm