Kỳ công lo bữa tối, dọn cơm ra tôi như bị dội nước lạnh

06/04/2017 - 16:00
Sau những kỳ công suy nghĩ nấu món gì để chiều tối chồng con đi làm, đi học về ăn, chị như bị "dội gáo nước lạnh". Chị bỗng giận mình bởi thời trẻ vì mải mê công việc mà bỏ bê bữa cơm gia đình.

Chị mới nghỉ hưu và thấy mình rảnh rỗi, dư thừa thời gian không biết làm gì ngoài chuyện chợ búa, cơm nước cho gia đình. Thế nhưng, sau những kỳ công suy nghĩ nấu món gì để chiều tối chồng con đi làm, đi học về ăn, chị như bị "dội gáo nước lạnh" vì cơm canh dọn ra nhưng chờ mãi mọi người mới về.

Chồng thì chưa nghỉ hưu và sau giờ tan sở đi lai rai với bạn bè vài chai bia. Con trai lớn đã đi làm nhưng mê tập gym đến gần 9 giờ tối mới về. Con gái sau thì đang học đại học nhưng bận học Anh văn, tập yoga… đến hơn 9 giờ cũng mới về. Thi thoảng, có người về sớm hơn thì tự ăn cơm trước thành ra bữa ăn tối của gia đình lệch giờ nhau, chỉ trừ ngày chủ nhật là đông đủ.

1399535552_tm2.jpg
Chị như bị "dội gáo nước lạnh" vì cơm canh dọn ra nhưng chờ mãi mọi người mới về.  

Trước tình hình ấy, chị yêu cầu các thành viên phải lập lại trật tự về giờ giấc và cố gắng về ăn cơm tối nếu được. Chỉ có ông chồng bớt nhậu về sớm hơn, còn lại 2 đứa con cũng có sinh hoạt riêng nên cố lắm cũng được 1, 2 ngày về sớm cho vui lòng mẹ.

Tuy giận chồng, giận các con nhưng chị hiểu ra rằng, sở dĩ gia đình mình không tạo được thói quen về ăn cơm chung vào buổi tối là do chính mình.
Chả là thời còn trẻ, con cái còn nhỏ, chị bận bịu việc cơ quan, hay phải đi công tác nên ít có thời gian nấu ăn và tiện đâu mua đồ ăn sẵn về hoặc rủ cả nhà ra quán cơm gần nhà ăn cho khỏe.

Lúc đầu chồng chị cũng cằn nhằn không thích ăn cơm quán nhưng biết vợ bận và mệt mỏi nên nhắm mắt làm ngơ. Các con ăn cơm hàng cháo chợ riết cũng quen và không cảm thấy bữa ăn gia đình quan trọng, là nơi gắn kết yêu thương, sẻ chia mọi điều.
Bây giờ các cháu đã lớn, đã xem chuyện ăn cơm quán và mạnh ai nấy ăn là bình thường.

Vì thế, dù chị có tỏ ra buồn bực, giận dỗi thì các thành viên trong gia đình cũng không thể một sớm một chiều thay đổi thói quen, nếp nghĩ theo ý mình được. Thậm chí, bị nhắc nhở, bị nhắn tin nhắc về sớm ăn cơm, chồng con còn có cảm giác bị quấy rầy...

Chị chia sẻ với Thanh Tâm rằng chị rất khổ tâm và cảm thấy bị stress sau khi về hưu. Vậy mà chồng con cũng không hiểu, sẻ chia với mình, kể cả khi chị đã hết lòng, đặt tình yêu thương vào từng món ăn và mong gặp họ đủ đầy vào mỗi bữa ăn tối.

11.jpg
 Bữa tối quây quần sum vầy là mong muốn của chị. Ảnh minh họa: Internet

Rõ ràng, cha mẹ phải gương mẫu, nhất là các ông bố phải dũng cảm từ bỏ thói quen cá nhân, thích tụ tập ngoài đường và thường xuyên có mặt trong bữa ăn, trừ lý do bất khả kháng. Để bữa ăn gia đình luôn nóng, luôn ngon miệng thì vợ chồng phải biết cách sắp xếp thời gian làm việc, đi chợ, nấu ăn sao cho khoa học.

Nếu duy trì được nếp nhà với bữa ăn gia đình đầy đủ thành viên thì sẽ tạo thành thói quen và dù đi đâu, làm gì, từng thành viên cũng cố thu xếp trở về đúng giờ. Bởi lẽ, thói quen này là văn hóa riêng là nét đẹp của cuộc sống và nó gắn kết các thành viên với nhau, tạo ra chất keo bền vững cho hạnh phúc, bình yên của mỗi mái ấm.

Theo Thanh Tâm, chị hãy kiên nhẫn, hãy đặt tình yêu thương của mình trong mỗi bữa ăn, rồi chồng và các con sẽ dần dần quay về quỹ đạo của bữa cơm gia đình. Chắc chắn, họ sẽ sớm nhận ra, bữa cơm gia đình được tạo nên từ bàn tay mẹ nấu vừa ngon, sạch, bổ dưỡng lại đong đầy tình cảm sâu nặng có ý nghĩa lớn hơn tất cả.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm