Chọn đồ ở một cửa hàng ký gửi đồ cũ |
Hiện dịch vụ ký gửi đồ cũ đang phát triển tại nhiều thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM… Mỗi cửa hàng ký gửi có hàng trăm khách hàng thân quen với số lượng hàng hóa “khổng lồ”. Với mô hình này, thay vì chen chúc ở các phiên chợ đồ cũ với quá nhiều món đồ được bày bán thì nay, khách hàng có thể thoải mái lựa chọn những món đồ tuy đã qua sử dụng nhưng chất lượng vẫn được đảm bảo và quan trọng hơn hết là giá rất “mềm”.
Dịch vụ ký gửi đồ cũ hoạt động khá đơn giản: Các cửa hàng sẽ nhận đồ của những người không còn nhu cầu sử dụng, rồi sau đó bán cho những người có nhu cầu. Hay nói cách khác là cửa hàng sẽ làm nhiệm vụ trung gian “mua của người chán - bán cho người cần”. Thị trường tại Hà Nội, TPHCM… thực sự tạo nhiều thuận lợi cho người kinh doanh hàng ký gửi với ưu điểm: Số lượng lớn người trẻ thường xuyên mua sắm, tìm mặt bằng không quá khó, tận dụng mạng xã hội để bán trực tuyến và quảng bá hàng hóa...
Hầu hết đồ được ký gửi đều là các mặt hàng thời trang như quần áo, giày dép, túi xách, mỹ phẩm…, do nhiều chị em phụ nữ có thói quen chỉ sử dụng một vài lần nên các mặt hàng còn khá mới. Tất nhiên, các cửa hàng nhận đồ ký gửi cũng có quy định cụ thể về những mặt hàng khách được ký gửi. Tùy thuộc vào thời tiết mà các cửa hàng nhận đồ ký gửi cho phù hợp, nhất là với nhóm hàng quần áo… Chẳng hạn, khi thời tiết mát mẻ thì các cửa hàng có thể nhận đồ ký gửi là những loại quần áo dài tay, váy… Vào dịp hè, lúc thời tiết oi bức thì chú trọng nhận đồ mỏng, bikini. Bên cạnh đó, các mặt hàng quần áo cũng phải làm đảm bảo 3 yếu tố “không mùi, không dính màu, không bị ố” thì khách hàng mới được ký gửi.
Những món đồ khi được các cửa hàng mua vào sẽ do khách hàng tự định giá, tùy vào chất lượng của từng món đồ. Tuy nhiên, vì là đồ đã qua sử dụng nên các mặt hàng được ký gửi có giá khá “mềm”, thường dao động từ vài chục đến vài trăm ngàn đồng/sản phẩm. Trong trường hợp khách đưa ra giá quá cao thì nhân viên cửa hàng nhận đồ ký gửi sẽ tư vấn để có mức giá hợp lý. Thông thường, các cửa hàng nhận đồ ký gửi đều có những quy định cụ thể đối với khách hàng để tránh những rắc rối không đáng có xảy ra.
Sau khoảng thời gian quy định, người ký gửi sẽ nhận được số tiền bán được từ sản phẩm, sau khi đã trừ phí dịch vụ. Trước kia, nhiều cửa hàng dựa vào giá trị của sản phẩm để tính lợi nhuận cho mình. Nhưng giờ đây, các mặt hàng đều được “quy” về một mức, khoảng 40% giá trị món đồ. Nghĩa là nếu món hàng đó được định giá 100.000 đồng, thì khách hàng ký gửi đồ được nhận 60.000 đồng khi món đồ được bán được, 40.000 đồng thuộc về cửa hàng nhận đồ ký gửi. Cũng có “nhà kho” tính theo thời hạn bán được sản phẩm, sản phẩm càng để lâu phí sẽ cao hơn do tiệm phải tốn công sức bảo quản, lưu kho. Thời gian ký gửi đồ thường kéo dài từ 30 đến 60 ngày.
Vì lượng khách hàng ngày càng lớn và để đảm bảo chất lượng sản phẩm nhận vào nên nhiều cửa hàng ký gửi hạn chế lượng hàng ký gửi. Có cửa hàng chỉ nhận 20 món hàng/ngày/người. Với dịch vụ này, người ký gửi cũng không lo đồ đạc bị thất lạc, bởi nhân viên tiệm đã đánh số, tạo mã cho sản phẩm. Trong trường hợp làm mất thẻ, khách hàng cần liên hệ ngay với cửa hàng để được cấp lại. Đặc biệt, nhiều cửa hàng nhận ký gửi đồ cũng quy định rõ, nếu đến thời điểm nhận lại hàng mà chưa bán được thì các cửa hàng có quyền quyên góp trực tiếp cho các tổ chức từ thiện hoặc bán đồng giá 10.000 đồng/sản phẩm.
ĐỊA CHỈ CHO BẠN Tại Hà Nội: Consignista, số 90 Vọng Hà, Q.Hoàn Kiếm, ĐT: 0916.988585.
|
Huỳnh Minh Toàn, Chủ cửa hàng 2nd Change (Q.1, TP.HCM) Hiện nay, lượng khách có nhu cầu ký gửi đồ rất nhiều bởi chị em phụ nữ khi mua bộ đồ, giày dép… chỉ sử dụng vài lần rồi thôi. Hiện mỗi tháng, cửa hàng nhận từ 3.000 đến 5.000 món đồ ký gửi. Bên cạnh đó, khách hàng có nhu cầu mua đồ đã qua sử dụng cũng rất thích vì chất lượng đồ còn tốt. Tuy nhiên, cũng có hạn chế là mỗi món đồ ký gửi là “độc nhất” nên gây khó khăn cho người mua đồ vì không có nhiều kích cỡ để lựa chọn. Tuy lợi nhuận từ việc bán hàng ký gửi cũng ổn nhưng người bán tốn rất nhiều thời gian cho sản phẩm, chưa kể chất lượng không đồng đều giữa các mặt hàng... nên rủi ro cao hơn bán sản phẩm mới. |
Lê Thị Ngọc (Q.11, TP.HCM) Thực tế, nhiều lúc mình mua quần áo, giày dép chỉ sử dụng vài lần rồi “chất đống” trong tủ. Với dịch vụ này, mình có thể thoải mái ký gửi các món đồ còn mới nhưng không có nhu cầu sử dụng nữa để chuyển đến tay những người có nhu cầu. Hiện các cửa hàng nhận đồ ký gửi có dịch vụ khá chuyên nghiệp. Việc ký gửi hầu như không có gì rắc rối vì giữa chủ tiệm và khách hàng đã đưa ra những quy định cụ thể về chất lượng đồ, giá tiền, ngày nhận tiền hoặc đồ và mức phí dịch vụ. Nếu như hết thời gian ký gửi mà món đồ của mình vẫn chưa bán được thì mình có thể gửi lại món đồ này sau đó khoảng 2 tháng. |