Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XV dự kiến diễn ra trong khoảng 1,5 tháng

PVH
10/07/2025 - 15:48
Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XV dự kiến diễn ra trong khoảng 1,5 tháng

Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng (bên phải)

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 47, chiều 10/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc tổng kết Kỳ họp thứ 9 và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XV.

Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng cho biết: Về chuẩn bị Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XV, dự kiến Kỳ họp diễn ra trong khoảng 1,5 tháng với 30 ngày làm việc.

Do số lượng nội dung lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng tại Kỳ họp thứ 10 rất lớn, nhiều nội dung khó, phức tạp nên Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đề xuất tiếp tục tổ chức Kỳ họp thứ 10 theo 2 đợt họp để có thời gian cho các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan hữu quan tiếp thu, giải trình các ý kiến của đại biểu Quốc hội, chỉnh lý, hoàn thiện các dự thảo luật, nghị quyết. (Thời gian nghỉ giữa 2 đợt họp khoảng từ 7 - 9 ngày).

Về nội dung, dự kiến đến thời điểm này gồm 21 nội dung thuộc công tác lập pháp, 9 nhóm nội dung về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác.

Theo ông Lê Quang Tùng, dự kiến kỳ họp sẽ dành 14,25 ngày để thực hiện công tác lập pháp, xem xét, thông qua 19 dự án luật và cho ý kiến với 2 dự án luật đã trình Quốc hội tại các Kỳ họp thứ 8, thứ 9.

Ngoài ra, hiện nay, Chính phủ đã có văn bản đề nghị trình Quốc hội 21 dự án luật khác tại Kỳ họp thứ 10 sắp tới, như: Luật An ninh mạng; Luật Thương mại điện tử; Luật Quản lý thuế; Luật An toàn thực phẩm...

Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XV dự kiến diễn ra trong khoảng 1,5 tháng- Ảnh 1.

Toàn cảnh phiên họp

Về các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác, dự kiến Kỳ họp này xem xét các báo cáo của Chính phủ về: Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2025; quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2026; thực hiện kế hoạch đầu tư công; Xem xét kết quả tổng kết 5 năm triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về phê duyệt chủ trương đầu tư các Chương trình mục tiêu quốc gia, giai đoạn 2021 - 2025; xem xét, quyết định việc triển khai thực hiện giai đoạn 2026 - 2030: Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Đồng thời thảo luận dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XV của Quốc hội; xem xét các báo cáo công tác nhiệm kỳ 2021 - 2026 của: Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước. Xem xét, thông qua Nghị quyết về tổng kết công tác nhiệm kỳ 2021 - 2026; Góp ý kiến về các dự thảo Văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng...

Để sớm chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng cho Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XV, Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đề nghị Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan có liên quan chủ động tiến hành rà soát tổng thể để xác định đầy đủ các nội dung trình Quốc hội tại Kỳ họp; hạn chế đề nghị bổ sung, điều chỉnh chương trình kỳ họp trong thời gian diễn ra Kỳ họp.

Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XV dự kiến diễn ra trong khoảng 1,5 tháng- Ảnh 2.

Các đại biểu tham dự phiên họp

Về báo cáo tổng kết Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng cho biết: Tại kỳ họp này, Quốc hội đã hoàn thành khối lượng nhiệm vụ lập pháp nhiều nhất từ trước đến nay, cụ thể: Quốc hội đã thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp; 34 luật; 13 nghị quyết quy phạm pháp luật khác và cho ý kiến đối với 6 dự án luật.

Bên cạnh đó, Quốc hội xem xét, quyết định công tác tổ chức, nhân sự và các vấn đề quan trọng khác thuộc thẩm quyền; trong đó thông qua Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 34 nghị quyết về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã của 34 tỉnh, thành phố; theo đó, sau sắp xếp, cả nước có 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh gồm 06 thành phố trực thuộc trung ương và 28 tỉnh (giảm 29 tỉnh, tương đương 46,03%)3.321 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 2.621 xã, 687 phường và 13 đặc khu (giảm 6.714 đơn vị, tương đương 66,91%).

Đồng thời xem xét thống nhất rất cao việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 và Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031. Theo đó, Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XVI và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031 được quyết định là ngày Chủ nhật 15/3/2026.

Đồng thời, Quốc hội đã xem xét, thông qua Nghị quyết về thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia để chủ động chuẩn bị cho cuộc bầu cử trong toàn quốc vào tháng 3/2026 và nhiều nội dung quan trọng khác.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm