pnvnonline@phunuvietnam.vn
Kỳ lạ tình trạng không có vân tay của 4 thế hệ trong cùng một gia đình
Apu Sarker (Bangladesh) và ít nhất 4 thành viên khác trong gia đình mắc phải tình trạng không có vân tay. Ảnh: BBC
Apu Sarker (hay còn gọi Apu), 22 tuổi, hiện đang sống tại quận Rajshahi (Bangladesh) là một trong những thành viên của gia đình mắc phải tình trạng không có vân tay. Những người đàn ông trong gia đình, cha, ông nội, anh em trai của Apu đều mắc cùng căn bệnh cực kỳ hiếm này.
Câu chuyện bắt đầu từ ông nội của Apu. Khi đó, vấn đề không có vân tay chưa được xem là chuyện nghiêm trọng. Cho đến hiện nay, căn bệnh này được xem là một tình trạng chỉ có thể gặp ở vài gia đình trên toàn thế giới. Chia sẻ với BBC, Apu cho biết: "Lúc ấy tôi và gia đình không nghĩ vấn đề không có vân tay sẽ di truyền và ảnh hưởng đến những thế hệ sau".
Trong nhiều thập kỷ qua, vân tay được xem là dữ liệu sinh trắc học được thu thập nhiều nhất trên thế giới. Vân tay được sử dụng trong nhiều lĩnh vực, từ thủ tục sân bay đến bỏ phiếu, mở điện thoại thông minh và xác minh danh tính.
Không có vân tay: tưởng chừng không ảnh hưởng đến cơ thể nhưng lại dẫn đến nhiều tình trạng bất cập
Năm 2008, khi Apu còn nhỏ, chính quyền Bangladesh đã áp dụng thẻ căn cước quốc gia cho tất cả người lớn và cơ sở dữ liệu yêu cầu phải có dấu vân tay. Vì không có vân tay, các nhân viên đã đóng dấu dòng chữ "NO FINGERPRINT" (KHÔNG CÓ VÂN TAY) vào thẻ của Apu.
Năm 2010, hộ chiếu và bằng lái xe tại Ấn Độ bắt buộc phải có dấu vân tay. Sau nhiều lần cố gắng, Apu đã có thể lấy được hộ chiếu bằng cách xuất trình giấy chứng nhận của hội đồng y tế. Tuy nhiên, Apu chưa bao giờ sử dụng nó, một phần vì lo sợ những vấn đề mình có thể gặp phải ở sân bay. Hơn nữa, xe máy là phương tiện di chuyển cần thiết để đi làm, Apu hiện vẫn chưa được cấp bằng lái xe. "Tôi đã nộp phí, thi đậu nhưng họ không cấp bằng vì tôi không cung cấp được dấu vân tay", Apu chia sẻ.
Vì vấn đề không có giấy phép lái xe, Apu thường xuyên phải nộp phạt khi cảnh sát giao thông kiểm tra giấy tờ. Dù mang theo giấy tờ y tế để chứng minh tình trạng của mình, Apu vẫn không nhận được thông cảm và phải đóng phạt. Tuy nhiên, rắc rối vẫn chưa dừng lại ở đó.
Vào năm 2016, chính phủ Ấn Độ yêu cầu xác thực dấu vân tay với cơ sở dữ liệu quốc gia để mua thẻ sim cho điện thoại di động. Và tất nhiên, Apu không thể đối chiếu vì bản thân không có vân tay. Hiện tại, Apu và những người đàn ông khác trong gia đinh đang sử dụng sim điện thoại của mẹ Apu.
Những phát hiện từ nghiên cứu về tình trạng cực kỳ hiếm này
Tình trạng hiếm gặp ảnh hưởng đến gia đình Apu được gọi là Adermatoglyphia. Người ta biết đến tình trạng này lần đầu tiên vào năm 2007 khi Peter Itin, một bác sĩ da liễu người Thụy Sĩ, được một phụ nữ ở nước này liên lạc, thông báo đang gặp khó khăn khi nhập cảnh vào Mỹ. Cô gái lúc đó 20 tuổi, khuôn mặt khớp với bức ảnh trên hộ chiếu nhưng các nhân viên hải quan không thể lấy dấu vân tay của cô vì cô không có vân tay.
Khi kiểm tra, giáo sư Itin phát hiện cô gái trên và 8 thành viên khác trong gia đình cô có cùng một tình trạng kỳ lạ - ngón tay phẳng và giảm số lượng tuyến mồ hôi ở bàn tay. Làm việc với những cộng sự khác của mình, giáo sư Itin đã xem xét DNA của 16 thành viên trong gia đình. Kết quả cho thấy, 7 người có vân tay và 9 người không có.
Giáo sư Itin cho biết, tình trạng này là biệt lập và hiếm gặp, chỉ ghi nhận ở một vài gia đình trên toàn thế giới. Năm 2011, nhóm nghiên cứu của Itin đã tiến hành nghiên cứu trên gen SMARCAD1 và phát hiện gen này đã bị đột biến ở 9 thành viên không có vân tay của gia đình phụ nữ trên. Đây là nguyên nhân gây ra tình trạng không có vân tay. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, vấn đề gen chưa được nghiên cứu sâu và tình trạng này cũng không ảnh hưởng đến sức khỏe người mắc ngoài ảnh hưởng đến bàn tay.
Sau khi phát hiện, các nhà nghiên cứu đã lấy tên Adermatoglyphia để đặt cho tình trạng này. Adermatoglyphia ảnh hưởng đến nhiều thế hệ trong một gia đình và có tính di truyền do gây ra bởi đột biến gen. Giáo sư Itin xác định tình trạng của gia đình Apu có thể là Adermatoglyphia thứ phát. Tuy nhiên, cần làm thêm nhiều xét nghiệm di truyền và nghiên cứu để xác định chính xác.
Vừa qua, sau khi làm thủ tục và xuất trình các giấy tờ y tế, Apu đã nhận được một loại thẻ căn cước mới do chính quyền Bangladesh cấp. Loại thẻ này sử dụng dữ liệu quét võng mạc và nhận diện khuôn mặt để xác minh danh tính. Tuy nhiên, Apu vẫn chưa lấy được bằng lái xe hoặc mua sim điện thoại và quá trình xin cấp hộ chiếu vẫn là một vấn đề nan giải đối với anh.