Kỹ năng thoát hiểm khi cháy rạp phim - bar karaoke

21/09/2016 - 11:50
Sau sự việc 1 cô gái dùng áo ngực che miệng thoát khỏi đám cháy trên phố Nguyễn Khang, Hà Nội gây ra những tranh luận trái chiều, đã có nhiều độc giả của Báo PNVN quan tâm đến việc nếu chẳng may gặp hỏa hoạn ở những nơi khó thoát hiểm thì cần phải làm gì.
1_htrg.jpg
 

Nơi vui chơi đang giống nơi "tử địa"

Đã có nhiều người từng chia sẻ rằng khi bước chân vào rạp chiếu phim, quán bar, quán karaoke…, đã có lúc, họ từng xuất hiện ý nghĩ dại dột rằng: “Nếu ở đây chẳng may xảy ra cháy nổ thì mình chắc chỉ có chết!”.

Lý do rất rõ ràng là hiện nay, ở hầu hết những nơi rạp chiếu phim, quán bar, quán karaoke… đều là những địa điểm có lối đi nhỏ hẹp. Đây thường là nơi tập trung người nhiều. Không gian trong từng phòng luôn khép kín, hầu như không có cửa sổ, không có cửa mở thông sang các phòng khác. Nội thất trong phòng thường là những vật liệu nhẹ, dễ cháy như thảm trải sàn,  xốp tường, xốp cách âm, phông màn... Ánh sáng trong phòng luôn thiếu, tù mù. Nhiều nơi, người chủ các cơ sở này (đa số là tư nhân), khi đầu tư xây dựng đã đặt yếu tố lợi nhuận lên trên hết dẫn đến việc ít quan tâm đến yếu tố kỹ thuật lẫn độ an toàn khi lắp đặt, trong đó có việc “lơ là” tiêu chí an toàn phòng chống cháy nổ… Thậm chí, hiện nay còn có tình trạng rất nhiều quán bar, vũ trường ở Hà Nội đang hoạt động “chui”, hoạt động “trá hình” dưới giấy phép của các nhà hàng ăn uống…

Những điều này đồng nghĩa với việc nếu xảy ra cháy nổ, hỏa hoạn, đám cháy sẽ lan rất nhanh, dễ bùng to và cơ hội thoát hiểm của khách hàng, của khán giả luôn luôn bị hạn chế, thu hẹp, thậm chí nếu không nói quá lên là “bế tắc hoàn toàn”.

luxury_bar.jpg
Quán bar Luxury tại Hà Nội từng bị ngọn lửa thiêu rụi
Phải làm gì để thoát hiểm?

Theo Thạc sĩ Trần Văn Hùng – chuyên gia về kỹ năng sống của Lớp học xanh Sơn Nam cho biết, khi xảy ra hỏa hoạn ở những nơi khó thoát hiểm như quán bar, quán karaoke, rạp chiếu phim hay trong phòng kín… thì mỗi người cần phải nhớ được những kỹ năng cơ bản như tránh khói, tìm nước, cẩn thận nắm cửa, cúi mình, lăn, tam giác sự sống...; Cụ thể:

Kỹ năng 1: Khi ngửi thấy mùi khét, khói hoặc trông thấy lửa cháy thì chỉ nghĩ đến việc thoát thân, tuyệt đối không chần chừ mang theo đồ đạc hoặc cố nán lại gọi điện cho cứu hỏa.

Kỹ năng 2: Khi có cháy, lửa rất nguy hiểm tuy nhiên không làm tử vong nhanh bằng khói. Khói phát ra trong đám cháy rất độc và có tới 75% các vụ chết trong đám cháy là do hít phải khói. Khói sẽ khiến người bị kẹt ngất ngay tại chỗ. Do đó, nếu bị mắc kẹt trong đám cháy ở nơi phòng kín, khó thoát thân, bạn cần đặc biệt chú ý đến bất kỳ vật gì liên quan đến nước ở quanh mình (có thể là cốc nước, tách trà, chai nước, thậm chí có trường hợp khẩn cấp, ta phải tự dùng đến nước tè của mình). Sau đó, nhanh chóng lấy vải (có thể là giấy ướt, khăn giấy, áo sơ mi, áo lót…) đổ nước vào đó và bịt lên mũi, miệng. Vải có thấm nước sẽ trở thành bộ lọc tốt nhất giúp ta hạn chế việc hít khí độc vào phổi. Trong trường hợp có thể kiếm được nhiều nước, hãy nhúng thêm áo của mình vào và khoác lên người. Hoặc lấy vải ướt bịt chặt các khe cửa để ngăn khói, lửa.

xemcacbechiendauvoigiaclua.jpg

Kỹ năng 3: Trong trường hợp đẩy cửa, có 1 chi tiết nhỏ cần đặc biệt nhớ là khi chạm tay để mở, tuyệt đối không được dùng cả lòng bàn tay để nắm cánh cửa đẩy ra mà dùng mu bàn tay chạm vào trước. Điều này sẽ giúp ta dự đoán được liệu bên ngoài phía hành lang, đám cháy đang lớn đến mức độ nào. Nếu nắm cửa quá nóng, tức là bên ngoài đám cháy rất to và sẽ không làm tay ta bị bỏng. Rất nhiều trường hợp, bên ngoài cháy to, ta nắm cửa bằng cả bàn tay sẽ gây bỏng ngay lập tức. Rất nhiều trường hợp, người kẹt trong đám cháy, chỉ vì bị bỏng tay mà không thể thoát thân được, chỉ vì sau đó khi được cứu hộ bằng thang, dây thừng… bàn tay họ bị bỏng, không thể hỗ trợ họ nắm chặt vào được nữa và không thể thoát ra.  

Kỹ năng 4: Nếu nắm cửa không quá nóng, cửa đã được mở, ta cần xác định vị trí của ngọn lửa, hướng gió, vị trí nguồn khói để chọn hướng di chuyển hoặc góc lánh nạn hợp lý nhằm giảm sự ảnh hưởng từ ngọn lửa như sức nóng, khói thổi. Khi cửa đã mở, cũng cần phải nhớ luôn đứng xoay lưng về cánh cửa để phòng khi đám cháy bên ngoài quá lớn, cửa sẽ sập vào luôn và giúp ta nhanh chóng được đẩy vào trong, tạm thời cách ly với đám cháy lớn từ phía hành lang bên ngoài.

Kỹ năng 5: Khi di chuyển trong phòng kín có cháy, vừa bịt mũi, miệng vừa cúi đầu thật thấp để tránh tạo gió thổi bùng đám cháy lớn thêm. Đôi khi, chỉ được phép bò, trườn trên sàn phòng, sẽ tránh được đám khói, khí độc đang bay ở phía trên. Càng nằm sát đất bao nhiêu, bạn càng dễ thoát khỏi đám cháy.

Kỹ năng 6: Khi tóc hoặc quần áo bị bén lửa, phải tạm dừng mọi di chuyển, sau đó nằm áp người xuống và lăn người qua lại hoặc lăn tròn.

Kỹ năng 7: Nếu kẹt trong phòng không thể thoát ra ngoài, hãy nhớ đến tam giác sự sống. Khi xảy ra cháy, dẫn đến thay đổi áp suất trong phòng và bên ngoài dễ dẫn đến sập nhà, sập phòng. Vì vậy, cần phải nhanh chóng chọn những nơi có vị trí tam giác chính là các góc nhà, góc phòng để làm nơi ẩn nấp. Khi không may phòng sập, đây sẽ là vị trí ít bị đè bẹp nhất.

Kỹ năng 8: Trong đám cháy, tuyệt đối bạn không được quay lại nơi mình vừa thoát ra với mục đích để cứu con thú cưng, đồ vật quý giá… Trong thời điểm ấy, mạng người là quan trọng nhất và ta cần phải biết chấp nhận hy sinh mọi thứ khác quanh mình.

img_20160422_151433_edit.jpg
Cuối cùng, theo chia sẻ của Thạc sĩ Trần Văn Hùng thì với cô con gái anh, trước khi đến bất kỳ một nơi nào đó như chung cư hay nơi công cộng nào đó, việc đầu tiên cháu làm là luôn quan sát vị trí hướng dẫn cửa/cầu thang thoát hiểm, nơi để bình chữa cháy… Và, trước đó, cháu đã có ý thức đọc để biết về cách sử dụng bình cứu hỏa để phòng khi chẳng may bị rơi vào trường hợp khẩn cấp thì có thể nhanh chóng biết cách tìm lối thoát, cứu mạng sống cho mình. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm