Kỷ niệm 115 năm Ngày sinh bà Nguyễn Thị Thập (1908 - 2023): Cánh chim khao khát tự do

Nhà văn Trầm Hương
23/01/2023 - 08:16
Kỷ niệm 115 năm Ngày sinh bà Nguyễn Thị Thập (1908 - 2023): Cánh chim khao khát tự do

Sau Hội nghị Liên đoàn Dân chủ Thế giới ở Vienne (Áo) năm 1956, bà Nguyễn Thị Thập thăm các nước Liên Xô, Ba Lan, Ấn Độ. Trong ảnh, bà Nguyễn Thị Thập (thứ 2 từ phải sang) được phụ nữ Ba Lan tiếp đón nồng nhiệt. Ảnh tư liệu gia đình

Cống hiến cả cuộc đời cho Cách mạng, vượt qua bao gian khổ, thử thách để hoàn thành sứ mạng nhưng dường như bà vẫn cảm thấy chưa yên tâm, chưa đủ cống hiến để ra đi. Trái tim bà vẫn nồng nhiệt với cuộc đời...
Thời thiếu nữ

Nhờ nhà văn Đoàn Giỏi mà thế hệ chúng tôi được biết cuộc đời bà khá đầy đủ, qua hồi ký "Từ đất Tiền Giang". Đó là những trang viết vô cùng quý báu, sống động, tái hiện cuộc đời hoạt động của một người phụ nữ đã trải qua những năm tháng đau thương, oanh liệt của đất nước và đời người.

Bà Nguyễn Thị Thập sinh năm 1908 tại xã Long Hưng - Châu Thành - Mỹ Tho trong một gia đình nông dân nghèo, đông con. Người cha đặt tên cho đứa con gái thứ mười là Nguyễn Thị Ngọc Tốt. Năm mười hai tuổi, Tốt đã mồ côi mẹ. Dù không được học nhiều nhưng cô bé rất mê say đọc sách. Sách vở đã hun đúc cho cô niềm mơ ước được thoát khỏi cuộc sống chật hẹp, nhiều bất công mà những người phụ nữ thời đó cam chịu. 

Vì lời hứa hôn của người cha, năm mười bảy tuổi, cô gái vừa chớm xuân đã phải gạt nước mắt đi lấy chồng. Người chồng ấy cô không hề yêu thương… Việc sinh cho nhà chồng đứa con trai vẫn không cứu vãn được hạnh phúc của cô. Cô sống trong cuộc đời của người vợ chưa từng nếm hương vị hạnh phúc nhưng niềm khao khát hạnh phúc vẫn âm ỉ cháy trong cô. Khi nỗi đau khổ đã đi đến chai đá, sau những đêm dài trăn trở, người vợ trẻ đã đi đến quyết định ly hôn. Vì chuyện "lộn nài bẻ ống", người mẹ đành gạt nước mắt để con lại cho nhà chồng…

Cánh chim khao khát tự do - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Thập cùng con gái Lê Ngọc Thu và con trai Lê Văn Quang ở Hà Nội Ảnh tư liệu gia đình

Cuộc đời sôi nổi

Trái tim sôi nổi, cánh chim khao khát tự do khiến bà dễ dàng hòa nhập với phong trào Cách mạng ở quê hương. Những ngày đầu tiên ấy thật khó quên… Đó là đêm bà diễn thuyết trước hàng trăm đồng bào lắng nghe trên gò cao cánh đồng Long Hưng. Bà tham gia đội tự vệ trong đoàn biểu tình chống sưu cao, thuế nặng. Năm ấy bà mới vừa hai mươi tuổi… Trước sự rình rập của mật thám, một đêm mưa gió tầm tã, năm 1933, bà trốn lên Sài Gòn hoạt động, làm công nhân, một hình thức "vô sản hóa" để vận động thợ thuyền, ở hãng dầu Téc-xa-cô dưới Phú Xuân, Nhà Bè. Trong một cuộc diễn thuyết kêu gọi công nhân chống cúp phạt, bà bị chủ hãng gọi lính đến bắt. Nhờ sự che chở của anh em công nhân, bà và nữ đồng chí Ngõa thoát ra ngoài. Bà trở về Sài Gòn, tiếp tục hoạt động Cách mạng, gắn bó với vùng Bàn Cờ, được nhân dân đùm bọc, cưu mang trong những ngày Cách mạng còn trong bóng tối.

Do uy tín và năng lực công tác, bà được cử làm đại diện công nhân vào Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn. Tháng 4/1935, bà được bầu làm Xứ ủy viên dự khuyết Đảng bộ Nam kỳ. Và trước đó, bà còn là đại diện công nhân vào Thành ủy Sài Gòn-Chợ Lớn. Bà kể thời sôi nổi đó: "Nay đến cơ sở này, mai đến cơ sở khác, tôi bận rộn túi bụi ngày đêm. Lại còn các cuộc họp với các đồng chí lãnh đạo để nhận định, báo cáo tình hình mà kịp thời ra các chủ trương cho sát, đúng". Sau đó, bà bị địch bắt do mật thám cài người vào nội bộ phá hoại tổ chức. Bà đã can đảm chịu đựng mọi nhục hình tra tấn ở bót Catina rồi khám Lớn Sài Gòn.

Cánh chim khao khát tự do - Ảnh 2.

Năm 1982, Bà Nguyễn Thị Thập (đứng) vẫn tiếp tục công tác tổng kết lịch sử phong trào đấu tranh của Phụ nữ Nam bộ và xây dựng Nhà truyền thống Phụ nữ Nam bộ, sau này là Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ

Tại phiên tòa đại hình, bà cùng trên ba mươi anh chị em chính trị phạm khác lần lượt đứng lên tố cáo chế độ thống trị dã man, hà khắc của bọn thực dân Pháp đối với người bản xứ. Bất bình trước sự kết án của phiên tòa, họ đã đồng thanh hô vang phản đối. Bà bị kết án 5 năm tù mà đi vào phòng giam còn hát vang bài "Quốc tế ca". Ra tù, bà trở về quê hương tiếp tục hoạt động, rồi lại bị bắt vào khám đường Mỹ Tho.

Trở về quê hương, bà gặp ông Lê Văn Giác, một chiến sĩ cộng sản từ địa ngục Côn Đảo trở về. Cuộc hội ngộ này đã dẫn tới mối hôn nhân đầy hạnh phúc dù ngắn ngủi. Họ đã biết nhau từ lâu qua những lời ca ngợi của những người cùng hoạt động. Nhưng thực sự phải trải qua hơn sáu năm tù, ông Giác từ Côn Đảo trở về, họ mới được gặp nhau. Tình yêu đã tiếp thêm cho bà sức mạnh và lòng tin vào đại cuộc. Rồi bà sinh một bé gái kháu khỉnh. Một mình nuôi con, vừa công tác, bà lại mang thai… Trong một chuyến công tác, bà bị cò mật thám Trần Chánh ở Mỹ Tho vây bắt. Giữa lúc bà định nhảy xuống sông, mạng đổi mạng với kẻ thù thì bà con nông dân mang gậy gộc, giáo mác từ thôn xóm tràn ra đường vây bắt tên mật thám, giải thoát cho bà. Họ mở còng sắt giúp bà trốn đi. Người mẹ lòng đau như xé, đành để lại đứa con nhỏ cho cô chồng, giữa lúc bụng mang dạ chửa bắt đầu những năm lưu đày tự giác trên chính quê hương…

Khởi nghĩa Nam kỳ diễn ra, bà trong Ban chỉ huy cánh quân đánh đồn Tam Điệp. Lúc ấy, đã gần ngày sinh nhưng bà vẫn lấy khăn rằn nịt bụng, xông xáo chỉ huy như thời con gái… Khởi nghĩa thất bại, chồng bà tự sát trước mặt kẻ thù, tỏ rõ ý chí bất khuất của người cộng sản. Tự sát không thành, ông bị xử tử hình, bị đày đi Côn Đảo và bị thủ tiêu. Trong lúc ấy bà phải cải trang, nhờ nữ đồng chí Tám Thẩm mạo hiểm vượt sông, về Bến Tre, lẩn tránh mật thám sinh con. Đứa bé được tám ngày, bà nhận được tin chồng hy sinh. Nuốt nước mắt, bà đành nhờ Tám Thẩm bồng con, gửi cho bên chồng nuôi dưỡng. Bà tiếp tục thay tên đổi họ, cải trang lẩn tránh kẻ thù. Giặc treo giải thưởng cho ai bắt được bà. Bà sống kiếp làm thuê, lênh đênh trên những con thuyền, mua bán đủ thứ để kiếm sống, vừa tìm đường dây nối lại tổ chức. Đứa con bà mới sinh ra cũng bị săn đuổi ráo riết. Bên nội đành gửi bé cho một nông dân nghèo. Đến mười bốn năm sau, khi Hiệp định Genève được ký kết, mẹ con bà mới được trùng phùng…

Cánh chim khao khát tự do - Ảnh 3.

Chân dung bà Nguyễn Thị Thập Ảnh hoilhpn.org.vn

Trái tim người mẹ

Chồng và anh trai bà đã hy sinh trong khởi nghĩa Nam kỳ. Con trai đầu hy sinh trong kháng chiến chống Pháp. Đứa con trai sau mười bốn năm chia cắt được trùng phùng lại xa mẹ thêm tám năm nữa sang CHDC Đức học kỹ thuật điện ảnh, vượt Trường Sơn vào Nam công tác cũng hy sinh. Cô con gái duy nhất lựa chọn một hạnh phúc mà bà không mong muốn. Trái tim người mẹ bao lần rướm máu nhưng bà đã can đảm chịu đựng.

Trong cuộc chiến đấu một mất một còn với kẻ thù tàn bạo và hung hãn nhất thế giới, toàn dân ta không có gia đình nào không ít nhiều gánh chịu mất mát, hy sinh để giữ lấy sống còn, giành lại độc lập, thống nhất Tổ quốc. Gia đình tôi trong cảnh ấy, lẽ nào tôi không đứng vững được trên vị trí công tác của mình…”.

Bà Nguyễn Thị Thập

Sau Hiệp định Paris, tại Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ IV (1974), bà xin nghỉ công tác Hội để chỉ đạo tổng kết lịch sử phong trào phụ nữ Việt Nam. Bà được bầu làm Chủ tịch danh dự của Hội. Sau đó, bà trở về quê hương Nam bộ, cùng một số cán bộ phụ nữ lão thành như bà Ngô Thị Huệ, Nguyễn Thị Lựu, Trương Thị Thu, đại tá Hồ Thị Bi, Nguyễn Thị Ráo… tổ chức tổng kết truyền thống đấu tranh Cách mạng của phụ nữ Nam bộ. Bà cùng với tổ sử phụ nữ Nam bộ đã dành phần cuối đời cho việc sáng lập và xây dựng Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ.

Tháng 10/1995, nhân kỷ niệm ngày bà 87 tuổi, dường như dự cảm rằng mình sẽ đi xa, bà trao lại cho Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ đồng tiền vàng của Bác Hồ tặng cho bà trong một chuyến công tác. Được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, bà đã ra hiệu cho những người thân: Số tiền ấy một phần được trích ra tặng cho những gia đình đã từng che chở, đùm bọc bà trong những năm tháng hoạt động bí mật, phần còn lại tặng người đã chăm sóc bà trong hơn mười năm trời bà ngã bệnh. Mỗi khi đến thăm bà, dù bà không nói được, chúng tôi đoán những gì bà muốn gửi gắm qua cách bàn tay ra dấu và ánh mắt.

Cống hiến cả cuộc đời cho Cách mạng, vượt qua bao gian khổ, thử thách để hoàn thành sứ mạng nhưng dường như bà vẫn cảm thấy chưa yên tâm, chưa đủ cống hiến để ra đi. Trái tim bà vẫn nồng nhiệt với cuộc đời. Vào 4 giờ chiều ngày 19/3/1996, trái tim người mẹ ấy đã vĩnh viễn ngừng đập! Bà ra đi mang theo kho tàng quý giá về cuộc đời bà và những người cùng thời - bởi lẽ bà đã từng là chứng nhân và góp phần viết nên những trang sử của đất nước, bằng cả trái tim người mẹ tiễn đứa con mình yêu quý đi về nơi tuyến lửa và vĩnh viễn chia ly...

Bà Nguyễn Thị Thập (sinh ngày 10/10/1908) là người phụ nữ đầu tiên được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng, 1 trong 10 nữ đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng… Bà là người đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam dài nhất, từ năm 1956 đến năm 1974.
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm