pnvnonline@phunuvietnam.vn
Kỷ niệm 66 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Sống dậy niềm tự hào
Trong căn nhà đơn sơ nằm trong ngõ nhỏ thuộc phường Mường Thanh (TP. Ðiện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên), chiến sĩ Ðiện Biên Bùi Văn Tỉnh cùng đồng đội hàn huyên. Đều đã bước sang tuổi 90, mỗi dịp tháng 5 về, các ông vẫn không quên cuộc hẹn với đồng đội. Nhắc lại chuyện xưa luôn là câu chuyện mở đầu sau những lời hỏi thăm sức khỏe. Mỗi mẩu chuyện góp nhặt từ quá khứ, dù đã nghe đi, nghe lại nhiều lần, song cảm xúc bồi hồi, xúc động xen lẫn tự hào vẫn hiện rõ trên gương mặt mỗi người lính. Sau chiến thắng Ðiện Biên Phủ 1954, hàng trăm chiến sĩ tuổi đời mới đôi mươi đã quyết định ở lại xây dựng Ðiện Biên, điển hình là Ðại đoàn 316, Ðại đoàn 312 theo chỉ thị của Bác Hồ.
Sau 66 năm gắn bó, dựng xây, giờ nhìn lại, họ đều không khỏi ngỡ ngàng. Những chứng tích lịch sử như: Ðồi A1, hầm Ðờ-cát... vẫn còn đó, sừng sững giữa lòng thành phố, cùng họ chứng kiến sự đổi thay của mảnh đất này. "Cứ nghĩ lại quá khứ, mới thấy sự đổi thay của Ðiện Biên như một kỳ tích. Nhà tầng mọc lên san sát, đường sá to đẹp. Sân bay quân sự của Pháp ngày xưa giờ đã được mở mang thành sân bay thương mại. Ðời sống người dân được nâng lên", ông Bùi Văn Tỉnh tự hào.
Thiếu tướng Lưu Trọng Lư, Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh tỉnh Ðiện Biên, cho hay: Mặc dù năm nay, chiến sĩ Ðiện Biên Phủ đều đã bước vào cái tuổi "xưa nay hiếm", người ốm đau, người sức khỏe có phần giảm sút, cộng thêm dịch bệnh diễn biến phức tạp nên các cấp và tổ chức Hội Cựu Chiến binh không thể tổ chức những cuộc gặp gỡ quy mô lớn như mọi năm. Thế nhưng, các chiến sĩ Ðiện Biên Phủ vẫn có cách riêng, những cuộc hẹn nhóm để ngồi lại với nhau. Ðơn giản là dành cho nhau những lời thăm hỏi, động viên và sẻ chia mà theo cách nói của ông thì "rất đời giữa những người lính". Ngoài ra, để tạo dựng không khí giữa các tổ chức Hội, tỉnh Hội cũng phát động các phong trào thi đua lao động sản xuất, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, phòng chống dịch bệnh... Ðồng thời bố trí các cuộc thăm hỏi, tặng quà các chiến sĩ Ðiện Biên để bày tỏ tấm lòng biết ơn, sự tri ân đối với những cống hiến, hi sinh của họ.
Mở cửa đón khách an toàn
Sáng sớm một ngày đầu tháng 5 trên đỉnh đồi A1, trước ngôi mộ tập thể là hình ảnh đoàn khách 5 người đang thắp nhang, chắp tay thành kính. Những chân hương còn rực đỏ, khói nhang nghi ngút làm không gian trầm lắng hơn. Họ là những du khách hiếm hoi tham quan tại điểm di tích dịp này.
Thực hiện đúng sự chỉ đạo của Chính phủ và của tỉnh, đã gần 1 tháng nay, các điểm di tích lịch sử đóng cửa. Sau khi có chỉ đạo mới, ngày 27/4 vừa qua, Ban Quản lý di tích Ðiện Biên Phủ đã chính thức mở cửa trở lại phục vụ khách tham quan. Nếu như các năm trước, bình quân mỗi ngày dịp này tiếp đón trên dưới 1.000 lượt khách thì thời điểm này chỉ còn vài chục lượt, chủ yếu là khách nội tỉnh, trong nước.
Bà Phạm Thị Thảo, Phó Giám đốc Ban Quản lý di tích Ðiện Biên Phủ, cho biết: "Chúng tôi rất trân quý những tình cảm của du khách dành cho các di tích lịch sử Ðiện Biên Phủ, cũng như mảnh đất Ðiện Biên này. Với phương châm "có khách là còn phục vụ" và "an toàn là trên hết", mỗi cán bộ, nhân viên của đơn vị vẫn bận rộn theo cách riêng. Ðể đảm bảo cho cuộc tham quan của du khách an toàn, trước đó đơn vị đã huy động người dọn dẹp, vệ sinh toàn bộ các điểm di tích, nhất là tại các vị trí, khu vực du khách dễ tiếp xúc như: Ghế ngồi, cửa, cổng, các vật dụng công cộng... Mỗi ngày trước khi mở cửa, nhân viên vệ sinh phải có mặt trước 30 phút, đảm bảo công tác vệ sinh sạch sẽ; chuẩn bị khẩu trang, nước xịt sát khuẩn... Các nhân viên đều được trang bị khẩu trang, đồng thời hướng dẫn du khách đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, đo thân nhiệt trước khi vào tham quan. Ngoài ra Ban Quản lý di tích cũng có những yêu cầu về số lượng các đoàn khách không quá 30 người, đảm bảo khoảng cách giữa người với người tối thiểu 1 mét trong suốt quá trình tham quan.