Nhiều chi tiết kiến trúc của nhóm thiết kế nên Vinpearl Đà Nẵng đã ảnh hưởng rất rõ phong cách Tân cổ điển Anh mà Stamford Raffles và kiến trúc sư George Drumgoole Coleman từng đặt nền móng đầu tiên ở Singapore hồi đầu thế kỷ 19.
Thấy thấp thoáng cách tư duy và xử lý không gian của những thầy phong thủy đến từ một thành bang mà “feng shui” (phong thủy) đã trở thành một nguyên tắc, nguyên lý của sự tích tụ các giá trị, kết nối các nguồn lực và phát triển rực rỡ.Có phải vì thế mà các khoảng không đẹp nhất của Vinpearl Đà Nẵng không chỉ là hướng biển hay kết nối với Sơn Trà, Tiên Sa, Mỹ khê, Cù Lao Chàm…
Với không chỉ riêng tôi, có lẽ biểu cảm nhất và luôn khiến người ta phải dừng lại lâu hơn chính là những góc nhìn quay vào bờ, hướng núi Ngũ Hành Sơn, rất khác biệt, nếu không muốn nói là độc nhất vô nhị ở các resort dọc miền duyên hải Việt Nam.
Đứng giữa vòm cửa cong cong, vọng nhìn bóng núi, tôi cứ tưởng tượng như mình đang lạc bước động Huyền Không, Vân Thông, lặng ngắm biển trời từ Vọng Hải Đài, ngước nhìn sông Cẩm Lệ, Trường Sơn từ Vọng Giang đài hay đang lắng nghe một tiếng chuông vang ngân ở chùa Tam Thai.
Cứ như là trời đất cho tôi thêm cơ hội để quan sát, chứng nghiệm những chuyển động, biến dịch viên miễn, vi diệu của xứ sở này, của Kim-Mộc-Thủy-Hỏa-Thổ, của ngũ hành tương sinh, tương khắc.
Hướng nhìn bóng núi bạc đầu phôi thai từ Trời Đất ngàn năm... Chỉ ở nơi đây, với địa thế và cấu trúc độc đáo này, mới đưa người ta trải qua cảnh giới thần tiên ấy.