pnvnonline@phunuvietnam.vn
Làm dâu nhà nghèo
Ảnh minh họa
Vẫn biết, của cải không làm nên hạnh phúc nhưng nếu điều kiện gia đình nhà trai sung túc thì các con cũng đỡ vất vả, chật vật. Làm cha làm mẹ, ai chẳng mong con lấy được người điều kiện khá giả. Hiểu lòng bố mẹ, chị Giang thưa: "Bố mẹ yên tâm. Những gì con cảm nhận được từ gia đình ấy là nếp nhà gia giáo, ý chí vượt khó vươn lên. Điều ấy cho con cảm giác bình yên. Chúng con có công việc, có thu nhập, nhất định sau này chúng con sẽ khá giả". Nghe vậy, bố mẹ chị chỉ còn biết ủng hộ con gái, chúc phúc cho các con.
Đó là câu chuyện của 15 năm về trước. Còn bây giờ, 2 người em chồng của chị Giang đều đã trưởng thành, tốt nghiệp đại học, xây dựng gia đình riêng. Vợ chồng chị Giang cũng mua được căn chung cư gần trăm mét vuông ở Hà Nội.
Mỗi khi có dịp anh chị em quây quần, hoặc về quê với ông bà nội bọn trẻ, câu chuyện rôm rả nhất trong gia đình nhà chồng chị Giang là "ôn nghèo kể khổ", mà tâm điểm, chính là kỉ niệm của cô dâu Hà Nội những ngày đầu về làm dâu miền Trung.
Chị Giang nhớ lại, vẫn biết quê nghèo thì điều kiện không được như thành phố nhưng lúc chưa cưới, về thăm quê chốc lát rồi ra Hà Nội luôn nên chị chưa ấn tượng gì mấy. Chỉ sau hôm đón dâu về quê, ở lại gần 1 tuần với bố mẹ chồng và các em chồng, chị Giang mới thấm thế nào là "thiếu điều kiện".
Chị Giang kể, buổi sáng đầu tiên ở nhà chồng, thức dậy đi vệ sinh cá nhân, chị nhìn lên dây phơi khăn mặt, tất cả 4 chiếc khăn của bố mẹ chồng, hai em chồng đều đã cũ sờn, úa vàng, duy có chiếc khăn của vợ chồng chị là mới tinh.
Nhìn sang chiếc giỏ nhựa đựng bàn chải đánh răng, cái nào cũng cùn, mòn vẹt, dễ đến nửa năm chưa thay. Đồ đạc trong bếp, cái gì cũng cũ. Dù nhà đang nấu bếp gas nhưng chị đoán, để tiết kiệm, bố mẹ chồng vẫn nấu củi hoặc bếp than tổ ong nên xoong nồi mới đen sì như thế…
"Tự dưng, nhìn xung quanh, mắt tôi cay xè. Chồng tôi ra ngoài là một anh chàng điển trai, giỏi giang, có năng lực. Hình ảnh anh ấy lịch thiệp, năng động ở ngoài xã hội thật sự có gì đó cứ khiến mình cám cảnh, khi nghĩ đến hoàn cảnh gia đình và tuổi thơ vất vả của anh ấy", chị Giang bộc bạch.
Trước ngày vợ chồng chị Giang trở lại Hà Nội sau đám cưới, bố mẹ chồng đưa ra một chiếc phong bì, trong đó đựng đủ các loại tiền bà con trong làng, họ hàng mừng cưới.
Mẹ chồng chị Giang dặn dò: "Bố mẹ chẳng có gì ngoài cho các con cái chữ. Vì vẫn còn phải lo cho 2 em ăn học nên bố mẹ không có điều kiện dư dả hỗ trợ các con. Ở quê giàu nghèo gì cũng dễ thở, chứ ở thành phố, ra khỏi cửa nhà là cần tiền nên các con bảo ban nhau làm ăn, yêu thương, động viên nhau, đừng bao giờ vì khó khăn mà quay sang chì chiết, xung đột nhau.
Đây là số tiền sau khi bố mẹ đã trả các khoản để lo công việc vừa rồi, số còn lại không nhiều nhưng là chút vốn bố mẹ cho các con dắt lưng".
Mẹ chồng đẩy ra, con dâu dúi vào, nhất định không ai chịu nhận số tiền trong phong bì. Cuối cùng, chị Giang quyết định: "Mẹ cho chúng con xin số tiền đủ thuê nhà 1 tháng đầu để chúng con lấy lộc, lấy phúc của bố mẹ. Số còn lại, bố mẹ giữ lo cho các em ăn học.
Chúng con giờ chưa có điều kiện để phụ giúp bố mẹ nhưng chúng con sẽ cố gắng tự lập để làm gương cho các em". Chị nói xong, cả mẹ chồng và con dâu đều nước mắt ngắn dài.
Chị Giang thừa nhận, lấy chồng nhà nghèo, không được sự trợ giúp kinh tế của bố mẹ, vợ chồng sẽ phải cố gắng gấp đôi, gấp ba. Nhưng chị cũng khẳng định, hoàn cảnh giàu nghèo của nhà chồng không làm nên hạnh phúc của chúng ta.