pnvnonline@phunuvietnam.vn
Lâm Đồng: Đẩy lùi tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống qua truyền thông sân khấu hoá
Một tiết mục sân khấu hoá truyền thông phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống của phụ nữ Lâm Đồng
Phát biểu trong buổi khai mạc Giao lưu "Tổ truyền thông cộng đồng chung tay đẩy lùi hủ tục lạc hậu" tỉnh Lâm Đồng (tổ chức ngày 2/8/2024), bà Cil Bri chỉ ra rằng, việc bài trừ tập tục lạc hậu là vấn đề nhạy cảm trong đời sống của cộng đồng. Sở dĩ, đời sống tinh thần của đồng bào DTTS được gắn kết chặt chẽ bởi truyền thống văn hoá, các phong tục tập quán, luật tục...
"Khi phong tục tập quán vượt ra ngoài giới hạn của văn hóa sẽ trở thành rào cản đối với sự phát triển của cá nhân, gia đình, dòng họ, tộc người và xã hội, thậm chí trở thành tệ nạn gây nguy hại đối với xã hội. Những thói quen sinh hoạt, những tập tục lạc hậu đã ăn sâu và vẫn còn in đậm trong nếp nghĩ của bà con vùng DTTS qua nhiều thế hệ. Bên cạnh những phong tục với nhiều nét đặc trưng mang giá trị văn hóa cần được bảo tồn, phát huy, còn có những tập tục lạc hậu làm hạn chế sự phát triển đời sống tinh thần của người dân, nền kinh tế, xã hội. Một số hủ tục đã, đang và vẫn len lỏi ăn sâu vào nếp nghĩ, cách làm của người dân phải kể đến như: tập tục ma chay, cưới hỏi dài ngày, uống rượu, tảo hôn-hôn nhân cận huyết thống, bạo lực gia đình, mê tín dị đoan, cờ bạc, "trọng nam, khinh nữ"…. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến đói nghèo hoặc làm trầm trọng thêm tình hình đói nghèo trong một bộ phận đồng bào DTTS; nhất là những tập tục lạc hậu trong ăn, ở, hôn nhân, sinh đẻ, chữa bệnh… gây ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ, việc duy trì nòi giống và chất lượng nguồn nhân lực", bà Cil Bri nhấn mạnh .
Trước thực tế này, Hội LHPN Lâm Đồng đã nỗ lực cùng cả hệ thống chính trị và nhân dân trong tỉnh chú trọng, tăng cường nhiều hoạt động nhằm đẩy lùi nạn TH - HNCHT, trong đó, Dự án 8 là một hoạt động được triển khai mạnh mẽ cả bề rộng lẫn chiều sâu. Để công tác truyền thông, nâng cao nhận thức đến người dân thực sự hiệu quả, ngoài truyền thông trực tiếp, hình thức sân khấu hoá luôn được các cấp Hội Phụ nữ Lâm Đồng quan tâm, đầu tư. Nhiều khi, chỉ cần một chương trình sân khấu hoá sinh động, chuyển tải thông điệp dễ nhớ, dễ thuộc, có ý nghĩa đến cộng đồng sẽ để lại nhiều ấn tượng và được người dân, hội viên phụ nữ dễ dàng ghi nhớ, tiếp thu.
Xác định rõ vai trò và thế mạnh của hình thức sân khấu hoá chống lại hủ tục lạc hậu của người dân. Hội LHPN Lâm Đồng coi hoạt động giao lưu các Tổ truyền thông cộng đồng chung tay đẩy lùi hủ tục lạc hậu chính là một trong những điểm nhấn trong chuỗi hoạt động thực hiện Dự án 8 của tỉnh. Hoạt động này có ý nghĩa thiết thực, góp phần tích cực vào việc tuyên truyền, vận động thay đổi "nếp nghĩ, cách làm" góp phần xóa bỏ các định kiến, khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hóa có hại và một số vấn đề xã hội cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em.
Các Tổ truyền thông cộng đồng với các tiết mục sân khấu hoá phòng chống TH - HNCHT tham dự Giao Lưu
Theo đánh giá của Hội LHPN Lâm Đồng, buổi Giao lưu "Tổ truyền thông cộng đồng chung tay đẩy lùi hủ tục lạc hậu" cũng chính là cơ hội để các thành viên đến từ các Tổ truyền thông trên địa bàn Lâm Đồng có cơ hội được học hỏi, trao đổi thông tin, trau dồi kinh nghiệm, nâng cao kỹ năng trong công tác truyền tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (TH-HNCHT). Đồng thời, qua đây, vận động người dân nói chung, phụ nữ nói riêng góp phần xóa bỏ định kiến giới, những tập tục văn hóa có hại trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi.
"Những tập tục lạc hậu trong tín ngưỡng, tâm linh dễ bị lợi dụng để truyền bá những điều trái với đạo lý và luật pháp, cản trở việc xây dựng thôn bản, gia đình văn hoá ở cộng đồng dân cư… Thực tế đó đặt ra yêu cầu, các hủ tục lạc hậu, đặc biệt là nạn TH - HNCHT cần được đưa ra khỏi đời sống xã hội của đồng bào dân tộc thiểu số", Phó Chủ tịch Hội LHPN Lâm Đồng khẳng định.
Ngày 2/8/2024, Hội LHPN tỉnh Lâm Đồng tổ chức Giao lưu "Tổ truyền thông cộng đồng chung tay đẩy lùi hủ tục lạc hậu" với sự tham gia của các Tổ truyền thông đến từ Hội LHPN các huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng, Di Linh, Lâm Hà, Đam Rông, Bảo Lâm.
Các đội tham dự giao lưu trải qua 3 phần thi: Chào hỏi – Tiểu phẩm – Kỹ năng tuyên truyền. Các phần thi được thể hiện thông qua hình thức sân khấu hóa với nội dung thể hiện nỗ lực giảm thiểu TH - HNCHT, phòng chống bạo lực gia đình, mê tín dị đoan, cờ bạc, rược chè, "trọng nam, khinh nữ", không thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang...
Kết thúc Giao lưu, Ban tổ chức đã trao: Giải Nhất cho Tổ truyền thông huyện Di Linh; giải Nhì cho Tổ truyền thông huyện Lâm Hà; 2 giải ba cho Tổ truyền thông huyện Bảo Lâm và Đam Rông; 3 giải khuyến khích cho Tổ truyền thông các huyện: Đơn Dương, Đức Trọng, Lạc Dương.
Ngoài ra, Tổ truyền thông huyện Lâm Hà còn được nhận giải Chào hỏi ấn tượng nhất; Tổ truyền thông huyện huyện Di Linh nhận giải Tiểu phẩm tuyên truyền hay nhất.