pnvnonline@phunuvietnam.vn
Lâm Đồng: Vai trò, trách nhiệm của người có uy tín ngày càng được phát huy
Trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng hiện có 451 người có uy tín. Ảnh minh họa: Văn Báu
Đây là chia sẻ của bà Cil Bri, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Lâm Đồng, tại Hội thảo "Phát huy vai trò của người có uy tín, chức sắc, chức việc các tôn giáo, cá nhân tiêu biểu trong tuyên truyền, vận động thực hiện bình đẳng giới tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi", khu vực miền Trung - Tây Nguyên, vừa được Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Tỉnh uỷ Lâm Đồng tổ chức.
Theo bà Cil Bri, người uy tín có vai trò quan trọng đối với cộng đồng các dân tộc thiểu số. Đối với đồng bào các dân tộc ở Lâm Đồng, người có uy tín cao được cộng đồng kính phục, là những người có khả năng vận dụng những phong tục tập quán để giải quyết những vấn đề phức tạp nảy sinh trong đời sống cộng đồng.
Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số là cầu nối giúp gắn kết giữa cấp ủy Đảng, chính quyền, tổ chức Hội với hội viên, phụ nữ và Nhân dân. Đặc biệt, người có uy tín đã cùng với cấp uỷ, chính quyền và tổ chức Hội giải quyết nhiều khiếu kiện, tranh chấp đất đai, không để các phần tử xấu tuyên truyền, kích động, gây rối mất trật tự an ninh tại cơ sở, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Tỉnh Lâm Đồng có dân số hơn 1,3 triệu người với 47 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó tổng số đồng bào dân tộc thiểu số là hơn 352.900 người, chiếm 25% toàn tỉnh; có 16 tổ chức tôn giáo trực thuộc được Nhà nước công nhận đang hoạt động, với tổng số tín đồ khoảng 826.000 người, 1.867 chức sắc, 3.894 chức việc và 451 người có uy tín.
Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Lâm Đồng cho biết, trong những năm qua, Hội LHPN các cấp trên địa bàn tỉnh thực hiện công tác vận động người có uy tín tham gia các hoạt động Hội, đặc biệt trong tuyên truyền, vận động thực hiện bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số, miền núi tại địa phương và coi đây là "cánh tay nối dài" của chính quyền, là cầu nối giữa đồng bào dân tộc thiểu số với cấp ủy, chính quyền, góp phần tạo dựng lòng tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng, Nhà nước.
Các cấp Hội tích cực phối hợp với chính quyền, các ban ngành, đoàn thể ở địa phương và tranh thủ phát huy tiếng nói, sự ảnh hưởng của người có uy tín, chức sắc, chức việc các tôn giáo, cá nhân tiêu biểu trong việc tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hội viên, phụ nữ chấp hành chính sách, pháp luật về dân tộc, tôn giáo; nâng cao cảnh giác "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch, phòng ngừa, tố giác tội phạm, không nghe, không tin, không theo kẻ xấu xúi giục.
Hàng quý, Hội LHPN tỉnh Lâm Đồng đã biên soạn tài liệu bằng tiếng Việt và dịch sang tiếng K'Ho để tuyên truyền rộng rãi đến cán bộ, hội viên nòng cốt, cốt cán, người có uy tín, hội viên phụ nữ dân tộc thiểu số kịp thời tiếp cận với các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như của Hội; xây dựng chuẩn mực đạo đức theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh làm tài liệu tuyên truyền đến 441 chi Hội phụ nữ dân tộc ở cơ sở.
Tiếp tục triển khai Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn. Các cấp Hội tổ chức nhiều hoạt động hiệu quả, trong đó có trên 200 lượt người có uy tín tại cộng đồng và các tổ truyền thông đều có người có uy tín tham gia. Bên cạnh đó, công tác xây dựng, bồi dưỡng, thăm hỏi, biểu dương và khen thưởng lực lượng nòng cốt của tổ chức Hội là người có uy tín, chức sắc, chức việc cũng được các cấp Hội quan tâm.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn một số khó khăn, thách thức. Cụ thể, kỹ năng nghiệp vụ, công tác vận động hội viên, phụ nữ và nhân dân của một số người có uy tín còn lúng túng; khả năng truyền đạt những thông tin, chính sách của Đảng đến nhân dân có lúc chưa đạt yêu cầu đề ra.
Để phát huy ảnh hưởng của người uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, theo Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Lâm Đồng, trong thời gian tới, các cấp Hội LHPN trên địa bàn sẽ thường xuyên quan tâm chỉ đạo thực hiện đồng bộ, thống nhất; quán triệt các văn bản hướng dẫn của cấp trên để bầu chọn người có uy tín; phương pháp tranh thủ người có uy tín phải linh hoạt dựa trên năng lực thực tế của từng người và điều kiện cụ thể của địa phương, dân tộc.
Đồng thời, tranh thủ người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tham gia tuyên truyền vận động nhân dân phải gắn vào nhiệm vụ chính trị cụ thể của địa phương. Thường xuyên cập nhật, cung cấp thông tin cần thiết về tình hình thời sự chính trị, kinh tế, xã hội trong, ngoài nước và của địa phương, tình hình âm mưu thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo chống phá chính quyền để nâng cao nhân thức cho người có uy tín.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Lâm Đồng cho rằng, các cấp ủy, chính quyền cơ sở cần tăng cường sự lãnh đạo, định hướng nhiệm vụ, nội dung hoạt động đối với người có uy tín; thường xuyên cung cấp thông tin, tình hình phát triển kinh tế - xã hội, chủ trương, chính sách mới cho người có uy tín.
Quan tâm, thực hiện tốt chế độ, chính sách với người có uy tín, đảm bảo "Đúng - Đủ - Kịp thời" để động viên, khuyến khích người có uy tín phát huy khả năng vốn có của mình để góp phần cùng cấp ủy, chính quyền thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế - xã hội của địa phương.