Lạm dụng truyền dịch, gặp biến chứng chết người

30/03/2017 - 09:24
Truyền dịch cũng như các loại thuốc khác cần có sự chỉ định và theo dõi của bác sĩ. Vì thế, mọi người không nên lạm dụng dịch truyền, vì dễ bị phù phổi cấp, suy tim, thậm chí tử vong.
Bị ốm phải vào bệnh viện điều trị nhưng sức khỏe bệnh nhân không khá lên. Để giúp người bệnh, bác sĩ đã chỉ định truyền đạm cho bệnh nhân. Thế nhưng, sau đó bệnh nhân bị sốc và tử vong.

Nạn nhân là ông Mạch Văn Hà, 58 tuổi, ở huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa. Ông Hà nhập viện trong tình trạng viêm dạ dày, viêm đa khớp dạng thấp, suy kiệt cơ thể. Sau 1 tuần điều trị, bệnh tình thuyên giảm nhưng thể lực còn yếu nên bác sĩ cho ông truyền đạm.

Sau 1 tiếng truyền, bệnh nhân có biểu hiện rét run, khó thở, mạch nhanh, huyết áp tụt. Các bác sĩ đã cấp cứu kịp thời nên bệnh nhân dần ổn định trở lại. Tuy nhiên, đến 22h ngày 27/3, bệnh nhân tái sốc và có biểu hiện giống ban đầu. Lần tái sốc này chỉ 30 phút nhưng bệnh nhân đã tử vong. Vụ việc đang tiếp tục được cơ quan chức năng làm rõ.
truyen.jpg
 Lạm dụng truyền dịch đe doạ đến tính mạng
Đây không phải lần đầu tiên xảy ra sự cố do truyền đạm và dịch-gồm đạm, vitamin... Trước đó, vào đầu năm 2017, ông Nguyễn Văn Toàn, 56 tuổi, ở huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, có biểu hiện đau bụng, chân tay khó cử động nên người nhà đã gọi y sĩ ở Trạm Y tế xã Đức Thanh, huyện Đức Thọ, đến điều trị.
 
Sau khi thăm khám và đo huyết áp, ông Toàn được truyền dịch. Truyền hết 1 chai thì bệnh nhân có biểu hiện đi ngoài, miệng rỉ máu, song y sĩ bảo không có việc gì và tiếp tục truyền. Hết chai dịch thứ 3, ông Toàn bị nôn, miệng và mũi có dịch màu đen rồi ngất lịm và tử vong.

ThS Nguyễn Trung Cấp, Phó khoa Cấp cứu hồi sức, BV Bệnh nhiệt đới TƯ, cho biết, hiện nhiều người, kể cả cán bộ y tế vẫn lạm dụng truyền dịch, đặc biệt là ở tuyến dưới. Tuy nhiên, không phải bệnh nào cũng được phép truyền dịch. Tùy theo loại bệnh và tình trạng cấp cứu mà bác sĩ có chỉ định dùng loại dịch truyền nào cho phù hợp.
 
Mục đích của truyền dịch là để bù đủ lượng dịch mà cơ thể bị mất để đảm bảo thể tích tuần hoàn duy trì huyết áp và lượng nước trong các mô của cơ thể. Theo ThS Cấp, về nguyên tắc, truyền dịch tốt cho sức khỏe nhưng không phải lúc nào cũng có thể truyền và đặc biệt là không được lạm dụng. Truyền dịch cũng có quy định chặt chẽ. Nó phụ thuộc rất nhiều yếu tố như thể bệnh, dịch được truyền, liều lượng, tốc độ… Với người bị mất nước, cần bù lượng dịch đã mất do mắc một số bệnh như: Tiêu chảy, bị bỏng nặng, sốt cao, ăn uống kém, suy kiệt, bệnh nhân sau phẫu thuật tiêu hóa và một số trường hợp đặc biệt... cần được truyền dịch nhưng phải theo chỉ định của bác sĩ.

Dễ bị sốc

“Nếu truyền dịch đúng thì tốt nhưng sai nguyên tắc sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Khi truyền dịch, người truyền có thể bị sốc. Sốc có thể xảy ra tức thì hoặc sau khi truyền. Nếu truyền nhiều, tốc độ dịch chảy nhanh, bệnh nhân còn có thể bị phù phổi cấp, suy tim. Khi bị sốc, bệnh nhân thường có biểu hiện như: Tức ngực, khó thở, co thắt thanh quản, co thắt phế quản, vật vã, tím tái, mạch nhanh, huyết áp tụt... Nếu không được cấp cứu kịp thời, bệnh nhân có thể tử vong. Thường việc truyền dịch chỉ ở các cơ sở y tế có điều kiện làm cấp cứu mới được phép thực hiện. Dù tỷ lệ sốc do truyền dịch chỉ 3/10.000 ca nhưng vẫn phải thật cẩn trọng", ThS Cấp cho hay.
 
Do những tai biến nguy hiểm trên mà các chuyên gia y tế khuyến cáo, mọi người không nên truyền dịch tại nhà vì không có người theo dõi, không có đầy đủ thuốc men và phương tiện cấp cứu chống sốc sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Khi ốm đau, nên đến cơ sở y tế để được bác sĩ tư vấn và có hướng điều trị đúng bệnh.
 
Về những biến chứng nguy hiểm của truyền dịch, ThS Cấp cho hay, với bất cứ dịch truyền nào đều có thể có các tai biến như nhiễm trùng hoặc việc đưa vào cơ thể một lượng nước lớn sẽ có thể gây rối loạn về chuyển hóa, gây các hiện tượng phù ở tim, thận…

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm