Làm gì khi con trai lớp 7 nhận tin nhắn “18+” của bạn gái cùng lớp?

01/12/2017 - 08:13
Khi biết con trai lớp 7 nhận tin nhắn “người lớn” đầy khiêu khích của bạn gái cùng lớp, người mẹ đã vô cùng sốc. Chị Hồng Tâm, chuyên viên tư vấn học đường, cho rằng, việc đầu tiên người mẹ cần là làm lắng dịu cảm xúc của bản thân.
Con trai tuổi teen nhận tin nhắn "người lớn" đầy khiêu khích, nhiều mẹ choáng váng, lo lắng, không biết ứng xử thế nào. Ảnh minh họa

Như thông tin ở bài báo Choáng váng khi con trai lớp 7 nhận tin nhắn khiêu khích của bạn gái, chị H. có con trai học lớp 7 đã hoảng hốt khi con trai nhận được tin nhắn yêu đương của bạn gái với ngôn từ rất táo bạo, khiêu khích chỉ phù hợp với những cặp đôi 18 chứ không phải những đứa trẻ tuổi 13. Chị H. cảm thấy vô cùng lo lắng, sợ con trai còn non nớt, trẻ con bị cô bé “dụ”.

Theo chị Hồng Tâm, chuyên viên tư vấn học đường, trong hoàn cảnh này, người mẹ sẽ rất sốc và nhiều cảm xúc hỗn độn. Thế nên, việc mẹ cần làm không phải là với con mà là với chính mình.

Người mẹ cần trở về ôm con và làm lắng dịu cảm xúc của bản thân trước, khoan hành xử, tỏ thái độ gì với con. Điều này có thể sẽ rất khó nhưng người mẹ hãy hiểu rằng, ở khía cạnh nào đó, con trai đã trưởng thành, đã có những cảm xúc liên quan đến chuyện người lớn nên không phải chuyện ngày một ngày hai, nói vài ba câu, hay có một kế hoạch kiểm soát dạy dỗ là xong…

Người mẹ cần bình tĩnh, cần thoải mái, cần nhìn nhận con trai mình đang dần lớn, chấp nhận những cảm xúc của bản thân và nhận diện xem mình đang nghĩ gì, có phải mình nghĩ bạn gái kia sao lại như thế, bọn nhỏ bây giờ thật kinh khủng, không thể tưởng tượng được…

Người mẹ cần hiểu rõ những cảm xúc đó và xoa dịu nó, hãy làm việc với tư tưởng của chính mình rằng: Rõ ràng đoạn đối thoại với những ngôn từ “người lớn” không nên có. Tuy nhiên, nó không có gì là xấu xa, kinh hãi. Chỉ là các bé đang tò mò muốn biết về chuyện đó. Nên việc của chúng ta là chia sẻ, định hướng giúp các con làm chủ cảm xúc, biết nên làm gì phù hợp ở tuổi mình.

Việc của cha mẹ là chia sẻ, định hướng các con, giúp các con làm chủ cảm xúc. Ảnh minh họa

Sau đó, hãy trò chuyện với con như chưa biết chuyện gì, bằng kỹ thuật và trái tim của người mẹ, hãy khéo léo gợi mở để con trai nói về mối quan hệ của mình với bạn gái, cũng như cảm xúc giới tính hiện tại của mình. Tìm hiểu xem con đang nghĩ gì về những chuyện như vậy, và con đã xuất tinh lần đầu tiên chưa.

Có thể nói với con những câu khích lệ như con đang lớn, đã lớn và con sẽ trở thành một người đàn ông… Sau đó chỉ có con thấy rằng, người đàn ông trưởng thành có bao nhiêu giai đoạn và cần phải làm gì để thật sự trưởng thành… Nói chung, người mẹ sẽ cung cấp kiến thức về tuổi, về giới, về trách nhiệm, việc nên và không nên cho con trai, định hướng dần dần cách con trai cư xử và trò chuyện với bạn gái…

Khi mẹ con đã đủ thân mật, tìm dịp nào đó thích hợp để trò chuyện với con về mẩu tin nhắn bạn gái gửi (nếu người mẹ muốn). Nội dung chính nhất của người mẹ cần trao đổi chính là duy trì sự tò mò đối với câu chuyện của con trai và chia sẻ cảm xúc của mình cho con trai hiểu. Mẹ đã cảm thấy lo lắng cho con như thế nào? Vì trong mắt mẹ, con vẫn chỉ là cậu học trò lớp 7, là con trai bé nhỏ của mẹ… Để con trai hiểu mẹ hơn và sẽ chia sẻ với mẹ nhiều hơn.

Chuyên viên tư vấn học đường Hồng Tâm nhấn mạnh, chúng ta thường hành xử như những con sóng trên mặt đại dương. Nghĩa là khi chúng ta bắt ép con mình học thật nhiều, cấm con không được chơi với bạn bè, không được yêu đương… Quát mắng, la rầy đều là những con sóng, tất cả chỉ là biểu hiện của tình thương và sự lo lắng bên trong- là nước, là bản thể của đại dương thì chúng ta thường không cho đối phương biết.

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm