Lộ thông tin cá nhân của bệnh nhân thứ 17: Liệu có đúng luật?

Hải Yến
24/09/2020 - 17:45
Lộ thông tin cá nhân của bệnh nhân thứ 17: Liệu có đúng luật?

Hình ảnh bệnh nhân thứ 17 khi đang điều trị. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.

Trong khi chị của bệnh nhân thứ 17 bị nhiễm Covid-19 ở nước ngoài thì không ai ngoài gia đình và một vài người bạn biết thì ở Việt Nam, cô em N.H.N trở thành cái tên được cả nước biết đến.

Ngày 21/9, tạp chí The New Yorker của Mỹ đã đăng tải bài viết có tiêu đề "The public-shaming pandemic" (tạm dịch: Đại dịch làm nhục công cộng), đề cập câu chuyện của những người vô tình lây lan virus corona chủng mới phải đối mặt sự tấn công dữ dội, bôi xấu trên Internet.

Bài báo mở đầu bằng câu chuyện của fashionista N.N người Việt Nam và em gái tên N.H.N. Cả hai đều từng mắc Covid-19, trong đó, người em được xác định là bệnh nhân số 17 của Việt Nam. Cả hai đều nói về trải nghiệm nhiễm bệnh, bị dư luận công kích và những tổn thương phải hứng chịu.

Chỉ trích việc lộ thông tin cá nhân của bệnh nhân thứ 17: Việt Nam có thực hiện đúng luật?  - Ảnh 1.

Bài viết đăng trên The New Yorker gây "bão" mạng xã hội Việt

Trang báo đã so sánh việc bảo mật thông tin cá nhân của người bệnh ở Việt Nam với châu Âu. Cô chị điều trị tại nước ngoài và cho biết các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu có biện pháp bảo vệ quyền riêng tư rất chặt chẽ. Không ai ngoài gia đình và một vài người bạn biết rằng cô đã mắc Covid-19. Còn ở Việt Nam, cô em N.H.N trở thành cái tên được cả nước biết đến.

Đối với việc xác định thông tin cá nhân, địa chỉ, lịch trình đi lại chi tiết của trường hợp bệnh nhân số 17, ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội, nêu rõ, cơ quan này đã thực hiện theo đúng quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 và các Nghị định, văn bản có liên quan.

Cụ thể, thông tin cá nhân về bệnh nhân thứ 17 nói riêng và bệnh nhân Covid-19 nói chung khi công bố sẽ được viết tắt tên, đánh số bệnh nhân và sử dụng số này chứ không nêu tên. Các hình ảnh của bệnh nhân nếu có cũng phải che toàn bộ mặt để đảm bảo quyền nhân thân.

Về địa chỉ, nơi đi, đến, ở của bệnh nhân thì cần phải thông tin chi tiết để chính quyền địa phương có ngay biện pháp khoanh vùng, xử lý dịch và người dân xung quanh nắm được, có sự phối hợp trong phòng, chống dịch. Việc làm này vẫn được thống nhất trong các cuộc họp của Thường trực Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương và địa phương về phòng, chống dịch Covid-19.

"Thực hiện theo quy định của Luật, việc thông tin đối với các ca mắc bệnh truyền nhiễm, đặc biệt dịch bệnh Covid-19 phải đảm bảo chính xác, đầy đủ, lịch trình chi tiết để phục vụ cho việc truy vết, phòng chống lây nhiễm", ông Khổng Minh Tuấn khẳng định.

Vì sao bệnh nhân thứ 17 bị dư luận công kích?

Theo lời nhân vật trong bài báo trên tạp chí The New Yorker, dân mạng đã chế hình, tấn công tài khoản cá nhân của bệnh nhân thứ 17 rồi chửi bới. Những cuộc tấn công này đã làm tổn thương hai chị em bệnh nhân khi họ đang ở giai đoạn dễ bị tổn thương nhất.

Phát biểu với báo giới nước ngoài, cô chị cho rằng: "Nếu đây là Paris Hilton, sẽ không có nhiều ồn ào như vậy". Bài viết trên tạp chí The New Yorker đang trở thành tâm điểm chú ý trong cộng đồng mạng Việt Nam khi phần lớn người dùng mạng đều chỉ trích bệnh nhân số 17. Vì sao trong hàng trăm bệnh nhân mắc Covid-19 ở Việt Nam, cái tên N.H.N lại bị cộng đồng mạng tìm kiếm và công kích tại thời điểm cô bị nhiễm bệnh?

Nhìn lại thời điểm bệnh nhân thứ 17 mắc bệnh. Theo Công an cửa khẩu Nội Bài, N.H.N sử dụng hộ chiếu Anh để di chuyển đến các nước châu Âu, trong đó có Italy - nơi đang có dịch Covid-19 bùng phát mạnh tại thời điểm đó, song khi về nước ngày 2/3, người này lại sử dụng hộ chiếu Việt Nam để nhập cảnh.

Công an cửa khẩu Nội Bài đã kiểm tra kỹ từng trang của hộ chiếu nhưng không phát hiện có con dấu xuất nhập cảnh của Italy. Cùng với việc khai gian tờ khai y tế để vượt qua vòng kiểm dịch của CDC Hà Nội, N. đã được giải quyết nhập cảnh bình thường.

Chỉ trích việc lộ thông tin cá nhân của bệnh nhân thứ 17: Việt Nam có thực hiện đúng luật?  - Ảnh 2.

Khu phố Trúc Bạch (Hà Nội), nơi bệnh nhân thứ 17 sinh sống được phong tỏa ngay trong đêm. Ảnh: Báo Thanh niên

Sự thiếu trung thực của N.H.N đã khiến cô trở thành người đầu tiên ở Hà Nội nhiễm Covid-19. Rất nhanh chóng, cuộc họp khẩn của Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của Thành phố đã diễn ra vào 22h đêm 6/3 cùng với đó là hàng loạt các biện pháp ứng phó với dịch bệnh như phong tỏa khu phố, tìm kiếm các F1, F2...

Mặc dù Chủ tịch UBND TP Hà Nội ở thời điểm đó kêu gọi mọi người bình tĩnh và không hoảng sợ nhưng cả Hà Nội đã có một đêm không ngủ giữa thời bình.

Nhiều ý kiến cộng đồng mạng cho rằng, sự thiếu trung thực của bệnh nhân số 17 trong khai báo y tế cần bị lên án bằng hình phạt đích đáng. Một số ý kiến khác cho rằng, cơ quan chức năng đã quá nhẹ tay với cô gái này.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm