'Làm mẹ đơn thân, tôi không quá ủng hộ'

22/04/2017 - 08:41
Hiện một số vấn đề liên quan đến giới và việc làm, giới và tuổi nghỉ hưu của nữ, giới và các xu hướng gia đình như làm mẹ đơn thân, quan hệ của người đồng tính… vẫn nhiều tranh luận. Báo PNVN đã có cuộc trò chuyện với GS.TS Lê Thị Quý về những vấn đề này.

PV: - Thưa bà, nói đến vấn đề giới trong lao động, cách đây không lâu, Bộ LĐ-TB&XH có thông tư quy định về danh mục 77 công việc không được sử dụng lao động nữ. Từ đó đến nay, nhiều ý kiến vẫn cho rằng, quy định này là không phù hợp, không công bằng, là tước đi quyền - cơ hội của những phụ nữ có mong muốn được làm công việc đó. Theo bà, ý kiến đó có phù hợp?

GS Lê Thị Quý: - Thông tư 26 của Bộ LĐ-TB&XH ban hành danh mục 77 công việc không được sử dụng lao động nữ cũng là một bất ngờ đối với tôi vì tôi không được tham gia hỏi ý kiến hay soạn thảo.

Tuy nhiên, tôi cho rằng, mục đích của thông tư này là tốt, xuất phát từ việc bảo vệ sức khỏe, đời sống của bà mẹ, trẻ em và giống nòi Việt Nam. Chỉ có điều, thông tư này cần phải hướng trách nhiệm vào phía những người sử dụng lao động chứ không phải vào quyền lao động của phụ nữ, tức là buộc những người sử dụng lao động phải có biện pháp an sinh và an toàn. Mặt khác, chúng ta cũng phải chuẩn bị tốt những điều kiện tương ứng trước khi ban hành thông tư.

gs-le-thi-quy.jpg
Việc  ra đời những danh mục cấm trong hoàn cảnh hiện nay cũng có những điểm chưa phù hợp khi nước ta còn nghèo, điều kiện tìm kiếm việc làm của phụ nữ còn khó khăn, có nhiều mặt  ta chưa đủ điều kiện để thực hiện nó.  

Trước đây, khi đất nước đang có chiến tranh, vì mục đích giải phóng đất nước, chúng ta không thể đưa ra một quy định là cấm phụ nữ vác các thùng đạn nặng phục vụ bộ đội, cấm phụ nữ tham gia giết giặc, làm đường cho xe qua hay coi kho trong rừng sâu vì những việc đó rất ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của phụ nữ… Phụ nữ  cùng với nam giới đã làm tất cả những việc có thể để phục vụ chiến tranh và hình tượng phụ nữ Việt Nam anh hùng đã rực sáng.
Ngày nay, tình hình đã khác. Việc phụ nữ (và cả nam giới) phải tiếp tục lao động quá nặng nhọc, thậm chí nguy hiểm để kiếm sống là một nỗi day dứt cho tất cả những người dân và Nhà nước. Đất nước còn nghèo và đến nay, những ý kiến phản đối Thông tư 26 vẫn thật đáng để cho chúng ta suy nghĩ. 

PV: - Cũng trong lĩnh vực lao động, tuổi nghỉ hưu của phụ nữ là 55, 60  hay 62 vẫn đang gây nhiều tranh cãi, cân nhắc. Theo ý kiến cá nhân bà, phương án nào là hợp lý?

GS Lê Thị Quý: - Căn cứ vào Luật Bình đẳng giới, trước hết, phụ nữ phải được quyền bình đẳng với nam giới trong tuổi nghỉ hưu. Việc phụ nữ được nghỉ hưu sớm vào tuổi 55 có thể được hiểu là một sự ưu tiên nhưng không được xâm phạm quyền bình đẳng giới của họ. Tức là nếu người nào muốn được nghỉ vào tuổi 60 như nam giới thì Nhà nước phải đảm bảo quyền này. Nên hiểu đây là một cơ chế mở. Về nguyên tắc, phụ nữ có quyền được nghỉ như nam giới nhưng những người làm việc nặng nhọc, người có hạn chế về sức khoẻ, có nhu cầu nghỉ sớm sẽ được nghỉ vào tuổi 55. Bởi vậy, bình đẳng giới thể hiện trong luật nên quy định thống nhất cùng độ tuổi lao động, cùng độ tuổi kết hôn, cùng độ tuổi về hưu.

1546_giao_su_le_thi_quy.jpg
Theo GS.TS Lê Thị Qúy: "Nếu nhìn từ những yếu tố giới tính thì trong suốt quá trình làm việc, phụ nữ luôn bị thiệt thòi nhiều so với nam giới".  

Ví dụ: con đường thăng tiến của nam là thuận tiện, liên tục nhưng với phụ nữ thì bị ngắt quãng bởi “thiên chức” sinh đẻ, cho con bú sữa mẹ và “xã hội chức” là chăm sóc các thành viên trong gia đình, nội trợ và chịu nhiều áp lực. Một phụ nữ sinh 1 con, trung bình mất 5 năm mang thai, sinh đẻ và chăm sóc, sinh 2 đứa mất 10 năm. Nếu phụ nữ càng thành đạt, dễ bị mang tiếng là “khinh chồng”, “gà mái gáy thay gà trống”. Đến giai đoạn con cái cứng cáp, gia đình ổn định,  phụ nữ có thời gian, công sức để phấn đấu cho công việc thì lại hết độ tuổi đào tạo, quy hoạch, đề bạt. Nếu để phụ nữ về hưu ở độ tuổi 55 là cực kỳ bất bình đẳng giới đối với nhóm phụ nữ trí thức, phụ nữ làm chính trị, nhà báo, làm nghệ thuật, hành chính...

PV: - Còn trong lĩnh vực gia đình, có ý kiến cho rằng, khi phụ nữ rửa bát thì đàn ông phải quét nhà, việc nhà phải phân chia theo kiểu 50-50 mới là bình đẳng giới nhưng cũng có ý kiến cho rằng làm vậy là cứng nhắc. Theo quan điểm của bà thì thế nào?

GS Lê Thị Quý: - Theo tôi, việc phân chia 50-50 là không cần thiết. Nhưng người nào đặt tất cả việc nhà lên vai phụ nữ là gia trưởng, là sử dụng bạo lực lao động với họ. Thay đổi được nhận thức liên quan đến “việc nhà” mới là quan trọng nhất. Cần nhớ rằng, phụ nữ đã phải lao động sản xuất như nam giới, thậm chí có nhiều người kiếm tiền giỏi hơn. Nếu nam giới, sau giờ làm mệt mỏi, muốn giảm stress bằng việc tụ tập, ngồi quán bia, cà fê hoặc về nhà nằm dài đọc báo, xem tivi… ngay cả khi vợ đi làm về muộn  mà không nghĩ rằng phụ nữ cũng cần phải giải stress, cũng cần được nghỉ ngơi; Họ trút tất cả việc nhà lên đầu vợ, khiến phụ nữ quá sức, làm việc như một nô lệ triền miên thì tất yếu sẽ nảy sinh thất vọng, mâu thuẫn với chồng.

Gia đình lý tưởng là vợ chồng yêu thương  nhau, nam giới có ý thức san sẻ, cùng gánh vác, cùng có trách nhiệm một cách phù hợp. Ví dụ, hôm nào vợ đi làm về muộn, chồng về sớm thì nấu cơm trước và ngược lại. Khi vợ nấu nướng thì chồng có thể lau dọn nhà cửa, sửa chữa đồ đạc, dạy con học… Xong việc cùng nghỉ ngơi, sinh hoạt văn hóa tinh thần. Tình cảm yêu thương sẽ vì thế mà nhân lên rất nhiều và các thành viên sẽ được hưởng “lạc thú gia đình”.

home12-1-f6841.jpg
GS Lê Thị Quý: “Nếu thực sự biết yêu thương vợ con, muốn gia đình êm ấm, nam giới sẽ có ý thức san sẻ, cùng gánh vác, cùng có trách nhiệm một cách phù hợp”. (Ảnh minh họa)

PV: - Sau cùng, khi nói về xu hướng gia đình, có luồng ý kiến cho rằng, nên ủng hộ, cởi mớ với làm mẹ đơn thân, quyền kết hôn của người đồng tính…  vì là “quyền con người” và phù hợp với xu thế phát triển tất yếu. Tuy nhiên, cũng có những luồng ý kiến quan ngại, phản đối. Bà thì nghĩ sao?

­GS Lê Thị Quý: - Tôi đồng ý rằng đó là những hiện tượng của xã hội. Tuy nhiên, tôi không quá ủng hộ. Nói về hình thái gia đình làm mẹ đơn thân, trong bài này, tôi chưa đề cập đến đối tượng “bắt buộc” (goá chồng, ly thân, phụ nữ không có cơ hội…) mà muốn đề cập đến đối tượng chủ động lựa chọn. Đây là quan điểm của chủ nghĩa Nữ quyền, khuyến khích phụ nữ tự tin, tự lập, muốn tự do, chống lại sự phụ thuộc, áp bức của nam giới trong đó có áp bức về tình dục từ thế kỷ XVIII khi mà chủ nghĩa gia trưởng đang thịnh hành...

Ngày nay, xã hội Việt Nam đã cởi mở hơn, đã có những chính sách, có sự ủng hộ của xã hội với phụ nữ. Song vẫn còn có những quan điểm mẹ đơn thân tạo thành những gia đình khiếm khuyết chưa phù hợp với văn hoá Việt, làm ảnh hưởng  đến tính bền vững của gia đình. Tôi nghĩ, phụ nữ chỉ cần làm mẹ đơn thân tức là họ đã  tước đi quyền làm cha, làm chồng của đàn ông, biến đàn ông thành người truyền giống đơn thuần và điều này đồng nghĩa với việc một số đàn ông đã coi phụ nữ cũng chỉ là cái máy đẻ. Thật đáng buồn khi quan hệ giữa hai giới lại trở thành như vậy.

Nếu đồng ý cho người đồng tính kết hôn, việc duy trì nòi giống sẽ thực hiện thế nào? Việc dạy dỗ con cái trong sự thiếu hụt vai trò giới của người cha (hoặc người mẹ thực sự) sẽ thực hiện, bù đắp thế nào? Nó có ảnh hưởng gì đến tình bền vững của gia đình, xã hội? Đó là những câu hỏi mà thực sự chúng ta chưa trả lời được.

- Xin cảm ơn bà!

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm