Như Báo Phụ nữ Việt Nam đã đưa tin, Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định 355/QĐ-TTg về mức lãi suất cho vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) theo quy định tại Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội.
Quyết định 355 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/4/2019. Theo đó, mức lãi suất cho vay ưu đãi của NHCSXH chỉ là 4,8%/năm (0,4%/tháng) áp dụng với các khoản vay dư nợ trong năm 2019 để mua, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở theo quy định tại Nghị định 100 về phát triển và quản lý nhà ở xã hội.
Lãi suất nợ quá hạn được tính bằng 130% lãi suất khi cho vay.
Theo NHCSXH Việt Nam, đến hết năm 2018, có 59 tỉnh, thành phố thực hiện cho vay, với dư nợ đạt 905 tỷ đồng và cơ bản hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch giao.
Trong đó, các tỉnh thành có nhu cầu vay vốn ưu đãi rất cao đều có kết quả cho vay tốt như Hà Nội cho vay 62 tỷ đồng; Đà Nẵng 50 tỷ đồng, Hà Tĩnh 54 tỷ đồng, Khánh Hòa 52 tỷ đồng…
Năm 2019, chương trình cho vay nhà ở xã hội được ngân sách nhà nước bố trí cho NHCSXH số vốn 663 tỷ đồng, cùng với 50% do NHCSXH tự huy động được thì tổng nguồn vốn cho vay của chương trình là 1.326 tỷ đồng.
NHCSXH cho biết, đối với trường hợp mua, thuê mua nhà ở xã hội, mức vốn cho vay tối đa bằng 80% giá trị hợp đồng mua, thuê mua nhà ở xã hội.
Trường hợp xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở: Mức vốn cho vay tối đa bằng 70% giá trị dự toán hoặc phương án tính toán giá thành và không vượt quá 70% giá trị tài sản bảo đảm tiền vay.
Có tiếp cận vốn vay qua Tổ tiết kiệm vay vốn của Hội LHPN cấp xã, phường
Trao đổi với PV Báo Phụ nữ Việt Nam, ông Hoàng Liên Sơn, Phó Giám đốc NHCSXH chi nhánh Hà Nội, cho biết: Để tiếp cận tới nguồn vốn vay ưu đãi mua nhà ở xã hội, người dân có thể liên hệ với UBND các xã, phường, thị trấn, thông qua các tổ tiết kiệm vay vốn để tiếp cận thông tin, tìm hiểu, hoàn thiện về các thủ tục, hồ sơ vay.
Khi vay vốn tại NHCSXH, người vay vốn phải đáp ứng được các điều kiện cụ thể để được vay. Trong đó, người dân đặc biệt quan tâm và băn khoăn tới điều kiện phải thực hiện gửi tiền tiếp kiệm hàng tháng tại NHCSXH. Ông Hoàng Liên Sơn lý giải: Theo Nghị định 100 và hướng dẫn của NHCSXH Việt Nam, người vay phải thực hiện gửi tiết kiệm với thời gian gửi tối thiểu 12 tháng, kể từ ngày ký Hợp đồng tín dụng với NHCSXH. Mức gửi hàng tháng tối thiểu bằng mức trả nợ hàng tháng của người vay vốn.
Ông Sơn lấy ví dụ: Một người vay vốn được phê duyệt 300 triệu đồng trong thời hạn 25 năm, mức trả nợ sẽ là 1 triệu đồng/tháng. Như vậy, sau khi ký hợp đồng tín dụng, người vay này sẽ phải gửi tiết kiệm tại NHCSXH với mức 1 triệu đồng/tháng, với thời gian tối thiểu 12 tháng.
Bên cạnh đó, người vay có đủ vốn tự có tối thiểu 20% giá trị Hợp đồng mua bán, Hợp đồng thuê mua nhà ở xã hội đối với vay vốn để mua/thuê mua nhà ở xã hội; NHCSXH cho vay tối đa 80%. Ngoài ra, người vay phải đáp ứng đủ các điều kiện khác về hồ sơ chứng minh về đối tượng, thu nhập, hợp đồng mua nhà…
Ông Hoàng Liên Sơn cho biết thêm: Trong điều kiện hiện nay, nguồn vốn cho vay vẫn còn hạn chế, trong khi nhu cầu vay của người dân mua nhà ở xã hội là rất lớn. Vì vậy, sẽ căn cứ nguồn vốn, số lượng người vay, trên cơ sở đó tiến hành bình xét, chấm điểm và lựa chọn đối tượng vay từ cấp cơ sở xã, phường, thị trấn; rồi tiến hành xét cho vay theo thang điểm từ cao xuống thấp, theo quy định tại Nghị định 100.
Về phương thức cho vay, NHCSXH thực hiện cho vay trực tiếp tại trụ sở chi nhánh NHCSXH cấp tỉnh hoặc Phòng giao dịch cấp huyện, có ủy thác một số nội dung cho các tổ chức chính trị - xã hội gồm: Hội LHPNVN, Hội cựu chiến binh, Hội nông dân, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.
Với nguồn vốn vay ưu đãi lãi suất thấp này, nhiều đối tượng khó khăn có thêm cơ hội mua được nhà ở. Theo quy định, các đối tượng được vay mua nhà ở xã hội gồm: Người có công với cách mạng theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng; Người thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị;
Người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp;
Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân trong cơ quan, đơn vị thuộc công an nhân dân và quân đội nhân dân;
Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức (phải thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập thường xuyên theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân).
Điều kiện để vay vốn mua nhà ở xã hội: - Phải thực hiện gửi tiền tiết kiệm hằng tháng tại NHCSXH với thời gian gửi tối thiểu 12 tháng kể từ ngày ký Hợp đồng tín dụng với NHCSXH. Mức gửi hằng tháng tối thiểu bằng mức trả nợ hàng tháng của người vay vốn; - Có đủ vốn tự có tối thiểu 20% giá trị Hợp đồng mua bán/ Hợp đồng thuê mua NƠXH đối với vay vốn để mua/thuê mua nhà ở xã hội; tối thiểu 30% giá trị dự toán hoặc phương án tính toán giá thành đối với vay vốn để xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở; - Có đủ hồ sơ chứng minh về đối tượng, thực trạng nhà ở, điều kiện cư trú, thu nhập để được hưởng chính sách nhà ở xã hội theo quy định; - Có nguồn thu nhập và khả năng trả nợ theo cam kết với NHCSXH; - Có giấy đề nghị vay vốn để mua/ thuê mua nhà ở xã hội/ xây dựng mới/ cải tạo, sửa chữa nhà để ở, trong đó có cam kết của cá nhân và các thành viên trong hộ gia đình chưa được vay vốn hỗ trợ ưu đãi nhà ở xã hội tại ngân hàng khác hoặc các tổ chức tín dụng khác; - Đối với vay vốn để mua, thuê mua NƠXH: Có hợp đồng mua, thuê mua NƠXH với chủ đầu tư dự án mà dự án của chủ đầu tư đó có trong danh mục dự án xây dựng nhà ở xã hội thuộc chương trình, kế hoạch đầu tư nhà ở xã hội của cơ quan có thẩm quyền phê duyệt… |